05/10/2022 14:07
HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại UBND huyện Châu Thành vào ngày 12/4/2022.
Kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của HĐND cấp xã
Ông Phạm Anh Khoa, Phó Chủ tịch HĐND thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành cho biết: điều quan trọng nhất trong hoạt động giám sát là cần phát hiện và tìm ra cho được các mặt trái của cơ chế, chính sách pháp luật, mặt trái của các tờ trình, nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thực thi pháp luật tại địa phương. Đây là vấn đề khó, thách thức đối với HĐND, Thường trực, các ban và đại biểu HĐND trong quá trình thực hiện chức năng giám sát theo thẩm quyền.
Thời gian qua, HĐND các xã, thị trấn (cấp xã) trên địa bàn huyện Châu Thành thực hiện chức năng giám sát cơ bản đầy đủ theo quy trình luật định, qua giám sát phản ánh đúng thực trạng tình hình, chỉ ra những việc làm được, chưa được, kiến nghị các giải pháp để tiếp tục chỉ đạo, quản lý, điều hành thực hiện có hiệu quả hơn về nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội, việc thực hiện, chấp hành chính sách, pháp luật ở địa phương.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hiệu quả và tác dụng giám sát chuyên đề của HĐND cấp xã vẫn còn có những hạn chế nhất định, việc lựa chọn nội dung giám sát từng lúc chưa đúng trọng tâm, trọng điểm; các báo cáo kết quả giám sát các chuyên đề chưa đảm bảo chất lượng, những đánh giá, nhận định, các kiến nghị, đề xuất đối với đơn vị giám sát còn chung chung, hậu giám sát chưa mang lại kết quả rõ nét…
Để nâng cao chất lượng hoạt động giám sát chuyên đề HĐND cấp xã, ông Phạm Anh Khoa cho rằng, cần thực hiện tốt việc lựa chọn nội dung, xác định phạm vi và đối tượng giám sát là yếu tố quan trọng, việc lựa chọn nội dung giám sát đúng trọng tâm, trọng điểm sẽ quyết định đến chất lượng và hiệu quả của giám sát chuyên đề; nội dung phải tập trung vào các vấn đề trọng tâm, bức xúc mà đại biểu HĐND, cử tri và Nhân dân quan tâm. Nếu nội dung giám sát chuyên đề dàn trải, không phù hợp thì cuộc giám sát không đạt chất lượng.
Cùng với đó, để giám sát có chất lượng, hiệu quả phải có kế hoạch, phương pháp đúng, kế hoạch được xây dựng chi tiết, phải xác định rõ các nội dung: sự cần thiết phải tiến hành giám sát, mục đích, yêu cầu, phạm vi, đối tượng được giám sát, thời gian thực hiện; muốn thực hiện tốt điều này cần nắm rõ các quy định của pháp luật, các khâu có liên quan đến vấn đề giám sát; những điều kiện cần thiết đảm bảo cho hoạt động giám sát. Sớm gửi kế hoạch, quyết định thành lập đoàn giám sát, đề cương, chương trình giám sát, thông báo phân công nhiệm vụ cho đơn vị được giám sát và thành viên đoàn giám sát để có thời gian nghiên cứu và chuẩn bị theo yêu cầu của đoàn.
Một yếu tố quan trọng khác trong giám sát là việc xây dựng đề cương báo cáo giám sát phải chi tiết, có tính tổng hợp, khái quát được vấn đề giám sát để xây dựng báo cáo đúng trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các nhận định, đánh giá, giải pháp khắc phục tồn tại, có ý kiến, kiến nghị xác đáng.
Ngoài ra, phương thức giám sát phải phù hợp với từng nội dung, vấn đề, đối tượng, thời điểm giám sát; thành phần tham gia đoàn giám sát phải hiểu biết lĩnh vực chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn. Đồng thời, các thành viên đoàn giám sát cần tích cực nghiên cứu để phát hiện, kiến nghị khắc phục những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, chấn chỉnh công tác quản lý.
Trong quá trình giám sát cần đi sâu, tìm hiểu kỹ tình hình thực hiện tại địa phương, yêu cầu đối tượng giám sát cung cấp thông tin đầy đủ, chi tiết để từ đó có cơ sở rút ra những kết luận đúng và đề xuất kiến nghị hợp lý, tránh tình trạng giám sát chung chung mang tính hình thức. Kết luận giám sát đánh giá một cách toàn diện vấn đề giám sát, các kiến nghị giám sát được các đối tượng giám sát tiếp thu, thực hiện nghiêm túc nhằm phát huy ưu điểm, khắc phục tồn tại hạn chế. Kết quả giám sát phải được công khai để đơn vị, cử tri và Nhân dân theo dõi, giám sát. Sau giám sát, cần theo dõi, đôn đốc đến cùng việc thực hiện các kiến nghị để đánh giá đúng kết quả, hiệu lực giám sát…
Kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của HĐND cấp huyện
Bà Trần Bích Liên, Phó Trưởng Ban Kinh tế - Xã hội (KT-XH) HĐND huyện Tiểu Cần cho biết: hàng năm, Thường trực, hai ban HĐND huyện Tiểu Cần tổ chức giám sát từ 05 - 06 chuyên đề, tập trung vào những vấn đề bức xúc, nổi cộm của địa phương, cử tri và đại biểu HĐND quan tâm. Ngoài những nội dung nghị quyết được thông qua tại kỳ họp, nếu có phát sinh thêm những vấn đề mới nổi cộm ở địa phương cần thiết phải giám sát, Thường trực HĐND giám sát hoặc phân công ban xây dựng kế hoạch khảo sát và báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất. Thực tiễn hoạt động của Ban KT-XH HĐND huyện trong những năm qua cho thấy, đã có nhiều cố gắng để tăng cường công tác giám sát việc thi hành Hiến pháp, luật và các nghị quyết của HĐND. Kết quả hoạt động giám sát của HĐND có tác dụng tích cực trong việc giải quyết các vấn đề bức xúc ở địa phương, đặc biệt là các cuộc giám sát chuyên đề mang tính chuyên sâu.
Ông Kiên Quân, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết: từ đầu nhiệm kỳ đến nay, hoạt động giám sát của HĐND tỉnh được thực hiện theo quy định, gồm: xem xét các báo cáo của các cơ quan chức năng, chất vấn, thẩm tra, giám sát chuyên đề, giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân… HĐND tỉnh linh hoạt về hình thức, phương thức giám sát, trong đó, có giám sát thông qua việc giám sát trực tiếp tại kỳ họp, xem xét văn bản, giám sát trực tiếp đối tượng chịu sự giám sát; kết hợp khảo sát thực tế nhằm nắm bắt thông tin phục vụ công tác giám sát... Nhìn chung, các hoạt động giám sát của HĐND tỉnh đạt kết quả tích cực. HĐND tỉnh thực hiện 18 đợt giám sát chuyên đề của HĐND, của Thường trực HĐND, các ban HĐND tỉnh về các lĩnh vực chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên, khoáng sản, công tác quy hoạch, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chính sách giảm nghèo… việc giám sát kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri; hoạt động thẩm tra của các ban HĐND tỉnh đối với các báo cáo, dự thảo nghị quyết trình tại các kỳ họp cơ bản đảm bảo các nội dung, trình tự, thủ tục luật định. HĐND tỉnh quan tâm theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát. |
Từ thực tiễn hoạt động, Ban KT-XH HĐND huyện Tiểu Cần rút ra kinh nghiệm trong tổ chức hoạt động giám sát chuyên đề. Việc chọn chủ đề giám sát phải thiết thực và phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của địa phương trong từng thời điểm; được các cấp, các ngành và dư luận xã hội quan tâm. Muốn vậy, đại biểu HĐND phải thường xuyên thu thập, tích lũy và phân tích các nguồn thông tin đa chiều liên quan; xem xét, đánh giá vấn đề thận trọng, khách quan, phù hợp với tình hình và dự báo xu hướng phát triển của vấn đề.
Trên cơ sở đó, xác định đúng những vấn đề quan trọng và bức xúc cần tổ chức giám sát, nhất là những chủ trương, nghị quyết còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, những vấn đề khi thực hiện sẽ gặp những khó khăn, bất cập liên quan trực tiếp đến sản xuất và đời sống của Nhân dân. Không nên chọn chủ đề quá rộng và việc xử lý những khó khăn, vướng mắc lại không thuộc thẩm quyền và khả năng của địa phương.
Kế hoạch giám sát, nhất là nội dung giám sát phải xác định rõ trọng tâm, trọng điểm của chủ đề giám sát; nội dung yêu cầu báo cáo phải được xây dựng chi tiết, dễ hiểu, nêu rõ những nội dung, số liệu hoặc thông tin cần được cung cấp…; mốc thời gian yêu cầu báo cáo và thời điểm gửi báo cáo phải hợp lý để cơ quan chịu sự giám sát đủ điều kiện chuẩn bị, đáp ứng đúng theo yêu cầu của đoàn giám sát.
Việc chọn thời điểm giám sát phải phù hợp với yêu cầu giám sát, với khả năng đáp ứng của cơ quan chịu sự giám sát, đồng thời cũng cần bảo đảm tính thời sự của vấn đề. Chọn đối tượng chịu sự giám sát phải vừa mang tính tổng hợp, vừa mang tính điển hình cho chủ đề giám sát. Vừa giám sát cơ quan quản lý chung để có cơ sở đánh giá tổng quát tình hình, vừa giám sát đối tượng trực tiếp thực hiện hoặc chịu tác động của vấn đề để làm cơ sở xem xét, đánh giá kết quả việc tổ chức thực hiện.
Thành phần đoàn giám sát phải tinh gọn, tùy theo từng chủ đề, có thể mời đại diện các ban liên quan của HĐND, đại diện những ngành, những cá nhân có năng lực, kinh nghiệm, am hiểu sâu về lĩnh vực đó tham gia. Ngoài ra, nên mời đại diện lãnh đạo của UBMTTQ Việt Nam cùng cấp tham dự.
Qua giám sát phải đánh giá đúng thực trạng tình hình, các kiến nghị phải phù hợp với các văn bản pháp luật và có tính khả thi. Muốn vậy, phải nắm chính xác, đầy đủ những văn bản hiện hành và tình hình thực tế liên quan để làm cơ sở so sánh, đối chiếu. Mặt khác, sau giám sát, phải kiên trì đôn đốc, theo dõi việc thực hiện các kiến nghị của các cơ quan, đơn vị liên quan. Tiếp tục tái giám sát đối với những nội dung kiến nghị chậm được thực hiện hoặc thực hiện không đến nơi, đến chốn, đối với những vấn đề quan trọng, phức tạp, kéo dài xem xét đưa ra chất vấn, giải trình tại kỳ họp thường lệ HĐND để làm rõ trách nhiệm các cơ quan liên quan, những vấn đề được giải quyết thỏa đáng, tạo niềm tin của cử tri đối với cơ quan dân cử.
Từ những kinh nghiệm, kết quả đạt được và những khó khăn, hạn chế trong hoạt động giám sát chuyên đề của Ban KT - XH thời gian qua, Ban KT - XH HĐND huyện Tiểu Cần đề ra một số giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát chuyên đề của ban trong thời gian tới. Đó là: Tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với hoạt động của HĐND, đặc biệt là quy hoạch, đào tạo, bố trí cán bộ có năng lực, bảo đảm các chức danh trong HĐND tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ. Cần quy định biện pháp chế tài cụ thể để đảm bảo các kiến nghị sau giám sát các cơ quan chức năng của HĐND các cấp được các cơ quan hành chính Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp thu, chấn chỉnh một cách nhanh chóng, kịp thời, tránh tình trạng nhắc đi nhắc lại nhiều lần như hiện nay. Bên cạnh đó, ngoài việc được tập huấn chung vào đầu các nhiệm kỳ, cần tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên sâu cần thiết theo từng lĩnh vực để đại biểu HĐND, nhất là các ban của HĐND cấp huyện, cấp xã thực hiện tốt hơn chức năng giám sát của mình. |
Bài, ảnh: KIM LOAN
Vừa qua, tại hội nghị giao ban công tác Mặt trận quý III/2024, với chủ đề “Phát huy vai trò của Mặt trận trong tham gia XDNTM, nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu”, nhiều đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp hay nhằm nâng cao chất lượng các tiêu XDNTM, NTM nâng cao, NTM mới kiểu mẫu gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh” trên địa bàn tỉnh. Phóng viên Báo Trà Vinh đã lược ghi những cách làm hiệu quả của Mặt trận các địa phương trong tham gia XDNTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.