31/07/2022 05:13
Thực hiện Kế hoạch số 151-KH/TU, ngày 13/3/2020 của Tỉnh ủy Trà Vinh về “Công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng năm 2020”, từ đầu năm 2021, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh và Ban Thường vụ Huyện ủy Trà Cú đã chấp thuận chủ trương cho Văn phòng Huyện ủy và Ban Tuyên giáo Huyện ủy, phối hợp sưu tầm tư liệu, tổng kết, biên soạn công trình “Lịch sử ngành Tuyên giáo huyện Trà Cú giai đoạn 1930 - 2020”. Đồng chí Trần Văn Điền, nguyên Ủy viên Ban Biên tập Báo Cửu Long được mời tham gia công trình với vai trò chủ biên.
Sau hơn 01 năm sưu tập tư liệu và biên soạn văn bản trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh Covid-19, ngày 29/3/2022, Ban Tuyên giáo Huyện ủy Trà Cú tổ chức hội thảo lần thứ nhất, tiếp nhận tư liệu bổ sung cũng như các ý kiến đóng góp của cán bộ ngành tuyên giáo và các cấp ủy Đảng ở địa phương qua các thời kỳ cho công trình.
Trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Đảng và Nhân dân ta, công tác tuyên giáo là nhiệm vụ hàng đầu trong hoạt động của Đảng, là một bộ phận quan trọng trong công tác xây dựng Đảng về tư tưởng.
Ngay từ những ngày đầu thành lập Đảng, những cán bộ, đảng viên, chiến sĩ cách mạng, hội viên, đoàn thể, quần chúng huyện Trà Cú đã rất coi trọng công tác tuyên truyền, vận động cách mạng. Với nhiều hình thức, phương pháp và nội dung hoạt động phong phú, công tác tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức về lòng yêu nước, về chủ nghĩa Mác - Lê nin, đường lối cách mạng giải phóng dân tộc của Đảng ta, động viên cán bộ, đảng viên và Nhân dân hăng hái chiến đấu dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, giành độc lập, tự do cho dân tộc.
Chín mươi năm qua (1930 - 2020), dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam mà trực tiếp là Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Trà Cú, quân, dân trong huyện, trong đó có đội ngũ những người làm công tác Cổ động và Tuyên truyền (1930), Tuyên huấn (1951, 1968), Tuyên giáo (1959, 1986) đã trải qua những chặng đường đấu tranh đầy gian khổ, hy sinh nhưng cũng rất oanh liệt và tự hào.
Lịch sử dân tộc ta từ khi có Đảng đến nay cho thấy, công tác tư tưởng luôn đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong việc định hướng mục tiêu và hành động cách mạng. Là lĩnh vực công tác chính trị - tư tưởng của Đảng trực thuộc Huyện ủy, ngành Tuyên giáo huyện Trà Cú đã bám sát và phục vụ các nhiệm vụ chính trị của Huyện ủy trong từng thời kỳ cách mạng. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, ngành Tuyên giáo đã sử dụng tổng hợp các phương tiện có thể có như tiếng nói, tiếng hát, lời ca, chữ viết, hình ảnh, mối quan hệ xã hội… tác động đến tinh thần, tư tưởng, tình cảm con người để tuyên truyền giác ngộ quần chúng, động viên cán bộ, chiến sĩ, quân và dân các dân tộc trong huyện tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, lạc quan công tác và chiến đấu. Ngành Tuyên giáo đã khơi dậy và xây dựng được chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong cán bộ, chiến sĩ và quần chúng cách mạng. Từ đó, ngành đã góp phần tạo nên những chiến công hiển hách gắn liền với tên tuổi các cá nhân, tập thể anh hùng và các địa phương anh hùng... là minh chứng tuyệt vời cho nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh cách mạng của Đảng, trong đó có sự đóng góp xứng đáng của ngành Tuyên giáo.
Ông Dương Văn Triệu, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy phát biểu tại Hội thảo lần thứ nhất “Lịch sử ngành Tuyên giáo huyện Trà Cú giai đoạn 1930 - 2020”, ngày 29/3/2022. (Ảnh: Nguyễn Trung Tuấn - Ban Tuyên giáo Huyện ủy Trà Cú)
Trước khi Đảng bộ huyện được thành lập, những cán bộ, đảng viên, những thành viên của những tổ chức yêu nước trong huyện đã tuyên truyền, giáo dục Nhân dân nhận thức được nỗi nhục mất nước, ách áp bức, bóc lột của thực dân, địa chủ phong kiến, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, vận động Nhân dân tham gia các phong trào cách mạng, cứu nước, cứu mình.
Từ năm 1930 - 1945, sau khi các Chi bộ Đảng và Đảng bộ Trà Vinh được thành lập, những đảng viên của Đảng bộ đã tận dụng nhiều hình thức như tuyên truyền miệng, sách báo, biểu ngữ, rải truyền đơn, diễn thuyết, mít tinh, biểu tình… nhằm tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia các phong trào cách mạng. Chọn lọc từ trong phong trào cách mạng của quần chúng, nhiều thành viên trong các hội, nhóm tiến bộ đã được kết nạp vào Đảng. Đến tháng 6/1946, Ban Chấp hành Đảng bộ quận Trà Cú được thành lập.
Trong 09 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, bên cạnh nhiều lĩnh vực hoạt động khác, Đảng bộ coi trọng công tác tuyên truyền, bổ sung nhiều cán bộ có trình độ năng lực sang làm công tác tuyên huấn. Năm 1951, bộ máy tuyên huấn của tỉnh rồi đến các huyện trong tỉnh, trong đó, có huyện Trà Cú, chính thức được thành lập và dần dần lớn mạnh. Từ đây, Đảng bộ huyện có cơ quan tham mưu chuyên về công tác tuyên huấn. Việc tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối kháng chiến, phát động phong trào thi đua, đào tạo cán bộ… được đẩy mạnh hơn trước. Để đảm bảo kháng chiến thắng lợi, Đảng bộ thường xuyên củng cố, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, quyết tâm vượt qua khó khăn, gian khổ, giành thắng lợi, giải phóng huyện Trà Cú lần thứ nhất (31/12/1946), góp phần cùng quân, dân cả nước đánh thắng thực dân Pháp xâm lược.
Trong 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, bộ máy tuyên huấn có bước phát triển và được tăng cường bổ sung nhiều cán bộ. Đây là thời kỳ Đảng bộ và Nhân dân Trà Cú phải đối phó với nhiều khó khăn, thử thách, với kẻ thù có tiềm lực quân sự mạnh hơn ta nhiều lần, có nhiều âm mưu thâm độc, quỷ quyệt, không chỉ có bom đạn mà còn phải đối phó với chiến tranh tâm lý của địch, nếu không vững vàng sẽ dẫn đến lung lạc ý chí, đầu hàng kẻ thù, phản bội lại sự nghiệp cách mạng.
Công tác tuyên huấn luôn bám sát thực tiễn cách mạng tại địa phương, phổ biến, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, kịp thời củng cố, nâng cao nhận thức tư tưởng, bồi dưỡng quan điểm lập trường, nhân sinh quan cách mạng, ý chí quyết đánh, quyết thắng. Công tác tuyên huấn đã góp phần đập tan các âm mưu thủ đoạn của kẻ thù, làm thất bại hết chiến lược này đến chiến lược khác của đế quốc Mỹ, góp phần làm nên thắng lợi trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau khi nước nhà thống nhất, Trà Cú cùng cả nước bước vào cuộc cách mạng mới - xây dựng chủ nghĩa xã hội, công tác tuyên huấn được chuyển sang công tác tuyên giáo, tập trung vào tuyên truyền mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhận thức về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, động viên Nhân dân phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, vươn lên vượt qua khó khăn, khắc phục hậu quả chiến tranh, hoàn thành công trình thủy nông mang tên ngày thành lập Đảng - Kênh 3 tháng 2, vực dậy kinh tế nông nghiệp địa phương, khôi phục, cải tạo và phát triển kinh tế - xã hội, động viên Nhân dân và cùng Nhân dân vượt qua giai đoạn khủng hoảng kinh tế của đất nước, tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Tây Nam nước ta.
Từ năm 1986, Đảng ta thực hiện đường lối đổi mới trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, thời cơ, thuận lợi và nguy cơ đan xen nhau. Sự sụp đổ của các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu (1989) và Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết (1991) đã tác động không nhỏ đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, đảng viên. Các thế lực thù địch thực hiện “chiến tranh phá hoại nhiều mặt”, âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ. Công tác tuyên giáo đã tập trung làm cho Nhân dân nhận thức đúng tình hình, vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, đoàn kết vượt qua khó khăn, thử thách, đạt được những thành tựu đáng tự hào.
Từ mảnh đất Trà Cú giàu truyền thống cách mạng nhưng đổ nát điêu tàn sau chiến tranh, như người chiến sĩ tiên phong trong công tác tư tưởng của Đảng, ngành Tuyên giáo đã đi trước một bước trong nhiệm vụ tuyên truyền động viên cán bộ, đảng viên và Nhân dân ổn định, xây dựng cuộc sống mới, động viên hàng trăm con em Nhân dân lên đường trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Tây Nam, đấu tranh làm thất bại liên tiếp cuộc chiến tranh phá hoại nhiều mặt của các thế lực thù địch. Chủ nghĩa anh hùng cách mạng một lần nữa lại được khơi dậy và tỏa sáng.
Khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới tư duy và đổi mới toàn diện do Đảng lãnh đạo, ngành Tuyên giáo Trà Cú đã cùng với ngành Tuyên giáo cả nước phát huy vai trò xung kích trong việc tổ chức, giáo dục, bồi dưỡng, tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân các nhận thức mới về các vấn đề kinh tế - xã hội của đất nước và chủ nghĩa xã hội, phản bác tư tưởng đa nguyên, đa đảng của các thế lực thù địch, đề cao tinh thần đoàn kết, kỷ cương, dân chủ trong nội bộ Đảng, từng bước xây dựng nếp sống văn hóa, trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế, nhất là sự hình thành hàng loạt các doanh nghiệp của nhiều thành phần kinh tế và sự xuất hiện hàng trăm trang trại, huyện không phải chạy lo cứu đói nữa mà cùng cả nước đã có dư lương thực để xuất khẩu. Quê hương Trà Cú thay da đổi thịt từng ngày; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân địa phương ngày càng chuyển biến mạnh mẽ theo hướng lạc quan tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của Đảng, vào tiền đồ của đất nước. Tất cả những thành tựu đó đã tạo nên bước phát triển mạnh mẽ cả về kinh tế - xã hội và an ninh - quốc phòng, cả về đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, nhanh chóng đưa công nghiệp và dịch vụ đô thị ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa của huyện Trà Cú từng bước hình thành các xã nông thôn mới. Cuộc sống văn minh, no ấm, dân chủ, lạc quan ngày càng tỏa sáng khắp mọi nhà, mọi người, trên tinh thần quyết tâm đưa huyện Trà Cú thoát khỏi huyện nghèo, trở thành huyện nông thôn mới, đô thị văn minh trong thời gian sớm nhất. Những thành tựu sinh động và thiết thực, cả về vật chất và tinh thần đó có phần đóng góp không nhỏ của các thế hệ cán bộ ngành Tuyên giáo Huyện ủy.
“Lịch sử truyền thống cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân huyện Trà Cú giai đoạn 1930 - 2010”, đã ghi nhận công tác tuyên truyền, vận động cách mạng là hoạt động xuyên suốt trong tiến trình Lịch sử Đảng bộ huyện nhà, mà cơ quan tham mưu của các cấp ủy Đảng về công tác tư tưởng qua các thời kỳ là Ban Cổ động và Tuyên truyền, Ban Tuyên huấn và Ban Tuyên giáo ngày nay.
Trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược, cán bộ ngành tuyên truyền, tuyên huấn ở huyện Trà Cú có hơn 30 đồng chí anh dũng hy sinh, được công nhận liệt sĩ, trong đó, có 03 liệt sĩ là Bí thư, Quyền Bí thư Huyện ủy, kiêm Trưởng Ban Tuyên huấn, 03 liệt sĩ là Phó Trưởng Ban Tuyên huấn huyện. Có 04 đồng chí cán bộ lãnh đạo ngành Tuyên huấn huyện và xã, bị địch bắt, tù đày. Có 01 liệt sĩ nguyên Bí thư Huyện ủy, kiêm Trưởng Ban Tuyên huấn huyện được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Sau ngày giải phóng miền Nam 30/4/1975, các đồng chí, cán bộ ngành Tuyên huấn huyện, xã, ở Trà Cú đều được Nhà nước tặng, truy tặng Huân, Huy chương kháng chiến các hạng.
Trong giai đoạn 1975 - 2020, huyện Trà Cú có gần 40 cán bộ được Ban Thường vụ bổ nhiệm giữ chức vụ Trưởng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy qua 12 nhiệm kỳ đại hội của Đảng bộ huyện.
“Lịch sử ngành Tuyên giáo huyện Trà Cú giai đoạn 1930 - 2020”, là công trình Ban Tuyên giáo Huyện ủy Trà Cú thiết thực chào mừng kỷ niệm 92 năm truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (01/8/1930 - 01/8/2022).
TRẦN ĐIỀN
Vừa qua, tại hội nghị giao ban công tác Mặt trận quý III/2024, với chủ đề “Phát huy vai trò của Mặt trận trong tham gia XDNTM, nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu”, nhiều đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp hay nhằm nâng cao chất lượng các tiêu XDNTM, NTM nâng cao, NTM mới kiểu mẫu gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh” trên địa bàn tỉnh. Phóng viên Báo Trà Vinh đã lược ghi những cách làm hiệu quả của Mặt trận các địa phương trong tham gia XDNTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.