26/03/2023 13:15
Bài 1: Vai trò của tập thể
Thành công qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị ở Trà Vinh trước nhất là nhờ vào sự chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, sự điều hành của UBND tỉnh. Khi triển khai thực hiện không thể không nhắc đến vai trò của các tập thể và cá nhân. Chính lực lượng này đã trực tiếp hoạt động, tạo ra các sản phẩm nghệ thuật, góp phần phát triển chung cho VHNT.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Kim Ngọc Thái trao bằng khen cho các tập thể tiêu biểu qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23.
Bàn về thực trạng và giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống ở Trà Vinh; từ đó góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 23, đồng chí Thạch Bồi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trà Vinh khẳng định: qua 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 23 trên địa bàn tỉnh đã có những thành tựu nổi bật, góp phần to lớn trong việc phát triển văn học, nghệ thuật (VHNT) tỉnh nhà.
Để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ của ngành trong thời gian tới, đồng chí Thạch Bồi cho biết sẽ tập trung một số giải pháp gồm: tập trung đào tạo đội ngũ sáng tác, đạo diễn, nhạc công, diễn viên có tài năng nhằm thừa kế các loại hình nghệ thuật truyền thống của tỉnh. Thường xuyên tổ chức và tham gia các hội thi, liên hoan, giao lưu nghệ thuật truyền thống từ cơ sở đến khu vực và toàn quốc.
Cùng với đó là việc tuyên truyền về quá trình hình thành và phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống của tỉnh, gắn với việc giới thiệu các nghệ nhân, những người có đóng góp lớn trong việc giữ gìn nghệ thuật truyền thống đến đông đảo công chúng; kịp thời vinh danh, biểu dương, công nhận danh hiệu cho các nghệ nhân, những người có nhiều cống hiến cho phong trào VHNT và có chính sách hỗ trợ kinh phí hoạt động, đầu tư mua sắm trang thiết bị cho các câu lạc bộ, các đội văn nghệ gắn với hỗ trợ kinh phí giúp họ tham gia tốt các cuộc thi, liên hoan, tọa đàm trao đổi kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh.
Đối với huyện Tiểu Cần, địa phương duy nhất trong tỉnh tính đến thời điểm hiện nay đã hình thành được Chi hội VHNT. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Văn Phương, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Tiểu Cần cho biết, năm 2019, Chi hội VHNT huyện Tiểu Cần được thành lập. Chi hội có 36 thành viên là những người có hiểu biết về các lĩnh vực ca hát, sáng tác, nhiếp ảnh, thơ, văn… Sau khi thành lập Chi hội đã phối hợp với Hội VHNT Trà Vinh xuất bản tập ca cổ - ca khúc với 30 bài ca của các tác giả trong huyện. Chi hội đã xuất bản “Tập san Văn nghệ mừng xuân Quý Mão năm 2023”, với nhiều bài viết, hồi ký, truyện ngắn, tản văn, bài ca cổ - tài tử, ca khúc, thơ và các tiểu phẩm...; thường xuyên phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức giao lưu văn nghệ phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của Nhân dân.
Đồng chí Nguyễn Văn Phương cho biết thêm, để có những tác phẩm mới ca ngợi quê hương đất nước con người Tiểu Cần và tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, Chi hội luôn động viên, khích lệ đội ngũ văn nghệ sĩ sáng tác những tác phẩm mới. Đồng thời động viên các thành viên trong chi hội tích cực xây dựng đa dạng tác phẩm VHNT, báo chí với nhiều chủ đề về công cuộc đổi mới, xây dựng quê hương và bảo vệ Tổ quốc; có những tác phẩm, bài viết đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái trên lĩnh vực VHNT. Chi hội VHNT huyện Tiểu Cần sẽ tiếp tục là nơi hun đúc tinh thần, tạo nguồn cảm hứng cho các văn, nghệ sĩ trong huyện có những tác phẩm ý nghĩa trong công cuộc xây dựng đất nước, cũng như quê hương Tiểu Cần ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Trong khi đó, bàn về giải pháp nâng cao chất lượng sáng tác VHNT đối với văn nghệ sĩ trong thời kỳ mới, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch Hội VHNT Trà Vinh chia sẻ: trong hoạt động VHNT, có nguồn cảm hứng tốt mới sáng tác ra tác phẩm chất lượng. Vì vậy, lực lượng văn nghệ sĩ rất cần có nguồn cảm hứng để sáng tác được nhiều tác phẩm mới. Trong hoạt động, cần tiếp tục nghiên cứu, không ngừng đổi mới, năng động hơn nữa trong việc mở các trại sáng tác, lớp tập huấn và tổ chức các chuyến đi thực tế theo hướng phù hợp cho từng chuyên ngành.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng việc tổ chức tốt các cuộc thi sáng tác VHNT cũng là “sân chơi” bổ ích và lý thú của hội viên và văn nghệ sĩ. Việc đẩy mạnh hoạt động công bố, quảng bá tác phẩm VHNT đang gặp những hạn chế nhất định. Vì vậy, trong thời gian tới lĩnh vực này cần được nhiều sự quan tâm hơn trong việc phối hợp với các cơ quan truyền thông và tận dụng triệt để hiệu quả mạng xã hội để có cách thức phù hợp đưa tác phẩm VHNT lan tỏa nhanh và rộng khắp.
Ngoài ra, việc công bố tác phẩm VHNT còn phải dựa vào sự chủ động và ý thức xã hội hóa của các tác giả. Trên tinh thần “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” sẽ giúp giảm áp lực kinh phí từ ngân sách nhà nước. Cùng với đó là việc tăng cường sinh hoạt chuyên môn, kết nạp hội viên trẻ và tiếp tục đổi mới từ hình thức đến chất lượng tạp chí Văn nghệ Trà Vinh chữ Việt và chữ Khmer gắn với xã hội hóa trong công tác phát hành tạp chí để lan tỏa những tác phẩm VHNT.
Bài, ảnh: BÁ THI
Vừa qua, tại hội nghị giao ban công tác Mặt trận quý III/2024, với chủ đề “Phát huy vai trò của Mặt trận trong tham gia XDNTM, nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu”, nhiều đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp hay nhằm nâng cao chất lượng các tiêu XDNTM, NTM nâng cao, NTM mới kiểu mẫu gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh” trên địa bàn tỉnh. Phóng viên Báo Trà Vinh đã lược ghi những cách làm hiệu quả của Mặt trận các địa phương trong tham gia XDNTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.