12/10/2020 07:30
“Nuôi ong lấy mật” tăng thu nhập qua từng năm
Anh Phạm Văn Duy, sinh năm 1986, Bí thư Chi đoàn ấp Số 6, xã Mỹ Cẩm cho biết: khoảng 08 năm trước, anh thường xuyên tận dụng thời gian nhàn rỗi đi lấy mật ong tự nhiên, sau một lần ngẫu nhiên phát hiện ong chúa anh đem cả đàn về nuôi thử, qua 01 tháng nuôi thu hoạch được khoảng 250ml mật. Từ đó, thấy việc nuôi ong có thể mang lại hiệu quả kinh tế nên anh chọn nghề nuôi ong lấy mật để phát triển kinh tế.
Với 01 tổ ong, anh Phạm Văn Duy bố trí khoảng 08-10 tầng ong để lấy mật. |
Anh Duy chia sẻ: ở địa phương, quanh năm có cây trái trổ bông rất thích hợp cho việc nuôi ong lấy mật, nghề nuôi ong cũng ít tốn chi phí, công lao động nhưng mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, hơn nữa, từ nhỏ tôi rất đam mê việc đi lấy mật ong tự nhiên, sau đó tôi cũng tích lũy được một số kiến thức trong việc nuôi ong lấy mật. Để phát triển đàn ong như mong muốn, ban đầu tôi đi tìm những đàn ong ngoài tự nhiên để bắt ong chúa về tự nuôi. Tuy nhiên, thời gian đầu gặp nhiều khó khăn, số lượng ong chúa bắt được không nhiều, tôi cũng nhiều lần có ý tách đàn từ những đàn ong có sẵn, song việc tách đàn cũng gặp khó khăn do ong chúa con thường xuyên bỏ tổ bay đi. Quyết tâm, kiên trì với mô hình này, tôi không nản chí, tự mài mò, tìm tòi, thường xuyên học hỏi tích lũy kinh nghiệm, đến nay có thể nói là thành công.
Năm 2012, anh Duy chỉ có 01 - 02 tổ ong, đến năm 2015 phát triển được 25 tổ, sản lượng mật thu được trong 03 năm đầu là 72 lít, giá thị trường thời điểm đó 200.000 đồng/lít, cho thu nhập 14,4 triệu đồng. Năm 2016, nhờ tích lũy được nhiều kinh nghiệm nên số lượng tổ ong tăng lên 40 tổ, sản lượng thu hoạch trong năm là 120 lít mật, giá thời điểm 250.000 đồng/lít, thu nhập trong năm 30 triệu đồng. Năm 2017, số tổ ong phát triển lên 60 tổ, sản lượng thu hoạch trong năm là 180 lít mật, với giá thời điểm 250.000 đồng/lít, thu nhập trong năm 45 triệu đồng, bình quân thu nhập từ đàn ong hàng tháng là 3,7 triệu đồng. Năm 2018, phát triển lên 80 tổ, sản lượng thu hoạch trong năm là 240 lít mật, giá thời điểm 300.000 đồng/lít, thu nhập trong năm 72 triệu đồng, bình quân thu nhập từ đàn ong hàng tháng là 06 triệu đồng. Năm 2019, có 100 tổ, sản lượng thu hoạch trong năm là 300 lít mật, giá thời điểm 400.000 đồng/lít, thu nhập trong năm 120 triệu đồng, bình quân thu nhập từ đàn ong hàng tháng là 10 triệu đồng. 07 tháng đầu năm 2020, phát triển được 110 tổ, thu hoạch được 192,5 lít mật, giá hiện tại 400.000 đồng/lít, tổng thu nhập 77 triệu đồng. Qua 05 năm nuôi ong lấy mật, anh Duy thu hoạch được 1.104,5 lít mật ong với tổng số thu nhập 385,4 triệu đồng, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống gia đình.
Anh Duy cho biết thêm: “có những thời điểm tôi không có đủ mật ong để bán, nhất là vào mùa mưa. Tôi thấy mô hình này rất hay, phù hợp với mọi độ tuổi, chi phí đầu tư ban đầu cũng không nhiều. Thời gian qua, có nhiều người trong ấp và các ấp lân cận đến tìm hiểu, học hỏi mô hình “Nuôi ong lấy mật” của tôi, hiện mô hình đã được nhân rộng, nhiều hộ tham gia học hỏi làm theo, bước đầu đã có hiệu quả”.
“Trồng bưởi da xanh xen ổi” mang lại hiệu quả cao
Ông Lê Văn Tưởng, sinh năm 1955, thương binh hạng 4/4, hội viên Hội Cựu chiến binh (CCB) Khóm 9, thị trấn Càng Long thực hiện thành công mô hình “Trồng bưởi da xanh xen ổi”.
Mô hình "Trồng bưởi da xanh xen ổi" mang lại hiệu quả kinh tế cao của ông Lê Văn Tưởng. |
Ông Lê Văn Tưởng cho biết: “năm 1993, tôi được Hội CCB thị trấn Càng Long vận động vào tổ chức Hội, tham gia sinh hoạt tại Chi hội CCB Khóm 9. Trong thời gian này, tôi vừa tham gia sinh hoạt Hội, vừa chăm lo phát triển kinh tế gia đình. Qua nhiều năm trồng nhiều loại cây trên mảnh vườn và trồng lúa, tôi thấy hiệu quả mang lại không cao, chỉ đủ nuôi sống gia đình. Đến năm 2016, Hội CCB thị trấn Càng Long phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong hội viên, qua tìm hiểu cũng như thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp để tăng thu nhập trong sản xuất, tôi quyết định cải tạo 04 công đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng bưởi da xanh xen ổi”.
Vừa đưa chúng tôi đi tham quan mô hình, ông Tưởng vừa giải thích, để thực hiện mô hình hiệu quả, thì phải biết kỹ thuật trồng cũng như cách chăm sóc. Theo ông Tưởng chia sẻ, trước hết, từ mặt ruộng lên liếp, đắp mô, chiều cao mặt liếp vừa phải, đảm bảo sao cho thoát nước tốt; đào hố trồng có kích thước 0,6m x 0,6m x 0,6m, khi đào, lớp đất mặt để riêng, lớp đất dưới trộn với phân chuồng, vôi bột, phân lân sau đó lấp hố cao hơn mặt đất 20 - 30cm. Trồng ổi trước vài tháng sau đó mới trồng bưởi, khi trồng, đào lỗ giữa mô, đặt bầu cây con xuống sao cho mặt bầu cao hơn mặt mô 03 - 05cm và khi đặt cây phải cắm cọc cố định thân cây để cây không bị tác hại của gió. Khi trồng, trồng một hàng ổi giữa hai hàng bưởi, cự ly cứ 04 cây bưởi trồng 01 cây ổi ở giữa, cây ổi phải tỉa cành, tạo tán hình tháp để không làm ảnh hưởng đến cây bưởi.
Ông Lê Văn Tưởng cho biết thêm: “năm 2017 cây ổi bắt đầu cho trái vụ thứ hai, sau khi trừ chi phí còn lại khoảng 80 triệu đồng. Đến năm 2018, cây bưởi da xanh cũng bắt đầu cho trái, thu nhập trong năm trên 250 triệu đồng, từ năm 2019 đến nay cho thu nhập trên 300 triệu đồng, nhờ mô hình hiệu quả mà tôi xây dựng nhà cửa cơ bản, kinh tế gia đình ổn định. Hiện, mô hình “Trồng bưởi da xanh xen ổi” đã được nhân rộng trên địa bàn thị trấn Càng Long và các xã lân cận, riêng Khóm 9 có 04 hội viên cựu chiến binh học tập làm theo, các mô hình đang phát triển tốt, anh em hội viên rất phấn khởi”.
Bài, ảnh: KIM LOAN
Vừa qua, tại hội nghị giao ban công tác Mặt trận quý III/2024, với chủ đề “Phát huy vai trò của Mặt trận trong tham gia XDNTM, nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu”, nhiều đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp hay nhằm nâng cao chất lượng các tiêu XDNTM, NTM nâng cao, NTM mới kiểu mẫu gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh” trên địa bàn tỉnh. Phóng viên Báo Trà Vinh đã lược ghi những cách làm hiệu quả của Mặt trận các địa phương trong tham gia XDNTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.