11/11/2020 08:40
Vận động, thành lập câu lạc bộ “Giáo dục và cảm hóa thanh niên chậm tiến” tại cơ sở tôn giáo chùa Bãi Xào Giữa
Sư cả Giang Sô Thanh. |
Sư cả Giang Sô Thanh, chùa Bãi Xào Giữa, xã Kim Sơn, huyện Trà Cú cho biết: “Chùa Bãi Xào Giữa là trung tâm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của Nhân dân 03 ấp Xoài Rùm, Bãi Xào Chót, Bãi Xào Giữa, hầu hết người dân rất kính trọng các vị chức sắc trong chùa. Năm 2015, các đoàn thể, công an xã phối hợp với chùa thành lập mô hình giáo dục tại cơ sở tôn giáo do sư cả làm chủ nhiệm, nhằm tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho Nhân dân về các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Định kỳ hàng tháng, Phật tử đến chùa 04 lần, Sư tranh thủ tuyên truyền các chính sách, pháp luật mới, bằng cách đọc và cô đọng lại nội dung chính bằng tiếng Khmer nên Phật tử dễ hiểu, nhớ lâu hơn”.
Năm 2016, Sư cả Giang Sô Thanh vận động thành viên Ban quản trị chùa thành lập câu lạc bộ (CLB) “Giáo dục và cảm hóa thanh niên chậm tiến” với 09 thành viên do sư cả làm chủ nhiệm. Vào các ngày rằm, lễ, tết, đồng bào Khmer tập trung về chùa, sau khi sinh hoạt tôn giáo, thành viên CLB tuyên truyền, vận động Phật tử, khuyên con cháu thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chấp hành tốt Luật Giao thông đường bộ, không gây rối, tụ tập đêm khuya gây mất trật tự, không sa vào các tệ nạn xã hội… Qua rà soát của công an xã, trên địa bàn 03 ấp Xoài Rùm, Bãi Xào Chót, Bãi Xào Giữa có 11 thanh thiếu niên chậm tiến, thường tụ tập đêm khuya gây mất trật tự. Sau khi được Sư cả và Ban quản trị chùa giáo dục, 09 đối tượng sửa đổi tốt, chí thú làm ăn, còn 02 đối tượng bỏ địa phương, đi làm ăn xa.
Trong 05 năm (2016 - 2020), Sư cả Giang Sô Thanh phối hợp công an xã giáo dục, cảm hóa 77 đối tượng, trong đó, có 65 đối tượng tiến bộ, loại khỏi danh sách quản lý của công an xã. Đồng thời, sư vận động thành lập Quỹ Tái hòa nhập cộng đồng, nguồn quỹ được 42 triệu đồng nhằm hỗ trợ vốn cho thanh niên sau khi chấp hành xong án phạt tù về địa phương có việc làm, vươn lên trong cuộc sống. Hỗ trợ 02 thanh niên nuôi bò, số tiền 24 triệu đồng. Ngoài ra, các thành viên CLB còn tham gia vận động các gia đình Phật tử tham gia xây dựng gia đình văn hóa - nông thôn mới, ấp văn hóa - nông thôn mới.
Vận động Nhân dân các xã ven biển “Chung tay bảo vệ môi trường sinh thái biển xanh- sạch” của Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh
Đại tá Trần Văn Oanh. |
Trà Vinh có chiều dài bờ biển 65km, ven biển có nhiều bãi bồi, cồn nổi, có 14 bến bãi, đò ngang. Những năm qua, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn biên giới có bước phát triển, góp phần cải thiện mọi mặt đời sống Nhân dân. Tuy nhiên, môi trường sinh thái biển bị ô nhiễm nặng bởi việc vứt rác thải bừa bãi, tình trạng khai thác, hủy diệt các loài thủy hải sản, nạn chặt phá rừng phòng hộ còn xảy ra, gây ô nhiễm môi trường ở khu dân cư và môi trường sinh thái biển. Từ thực tế đó, bộ đội biên phòng xây dựng mô hình “Dân vận khéo” trong vận động Nhân dân các xã ven biển “Chung tay bảo vệ môi trường sinh thái biển xanh- sạch”.
Đại tá Trần Văn Oanh, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Trà Vinh cho biết: để mô hình thực hiện hiệu quả, Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh ban hành kế hoạch, quy chế, hướng dẫn 04 đồn biên phòng làm nòng cốt, lực lượng đoàn viên thanh niên làm chủ công. Đảng ủy chọn thị trấn Mỹ Long (địa bàn Đồn Biên phòng Mỹ Long), huyện Cầu Ngang làm điểm thực hiện mô hình. Sau đó, lần lượt nhân rộng ở các xã, thị trấn, khu vực biên giới biển của tỉnh. Phối hợp Tỉnh Đoàn, Huyện Đoàn Châu Thành, Cầu Ngang, Duyên Hải, thị xã Duyên Hải và các xã ven biển tổ chức 06 lễ phát động ra quân cấp tỉnh, xây dựng 38 khẩu hiệu, pano tuyên truyền.
Các đồn biên phòng phối hợp địa phương ít nhất 01 lần /tháng tổ chức ra quân thực hiện “Ngày Chủ nhật tình nguyện bảo vệ môi trường biển” được 74 cuộc, với 4.570 lượt người tham gia, thu gom trên 40 tấn rác các loại, dọn vệ sinh làm sạch biển với chiều dài 45km; vận động 7.767 hộ dân cam kết bảo vệ môi trường biển, vận động 80 hộ xóa bỏ cầu tiêu trên sông, rạch. Tổ chức tuần tra trên biển 48 cuộc, phát hiện, xử lý 02 phương tiện khai thác cát trái phép, nhắc nhở 40 hộ dân sử dụng lưới đánh bắt thủy hải sản không đúng kích cỡ. Xử phạt vi phạm hành chính 02 đối tượng chặt phá rừng phòng hộ. Phối hợp Hạt kiểm lâm các huyện, thị xã bảo vệ trên 350ha rừng ngập mặn ven biển, trồng mới 15.000 cây đước, bần với diện tích trên 14ha.
Với những việc làm cụ thể và kết quả đạt được, từng bước đưa hoạt động bảo vệ môi trường sinh thái biển trở thành hoạt động tình nguyện, thường xuyên của tổ chức, cá nhân, người dân ý thức được trách nhiệm bảo vệ môi trường, tự giác vệ sinh nhà cửa, ngõ xóm, không khai thác thủy thủy sản theo kiểu hủy diệt, trồng cây xanh, bảo vệ hệ thống rừng ven biển… đến nay, 100% hộ dân ven biển đăng ký hàng tuần tự giác dọn vệ sinh nơi ở, ngõ xóm, tham gia vệ sinh nơi công cộng, ấp, khóm ven biển.
Vận động thành lập doanh nghiệp “Giải quyết việc làm cho lao động nữ nông thôn” của Hội Liên hiệp phụ nữ xã Hưng Mỹ
Bà Bùi Thị Kiều. |
Bà Bùi Thị Kiều, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Hưng Mỹ, huyện Châu Thành cho biết: Hội Liên hiệp phụ nữ xã hiện có 08 chi hội, với 1.919 hội viên. Hàng năm, Hội tập trung vận động cán bộ, hội viên mạnh dạn thành lập doanh nghiệp để giải quyết việc làm cho lao động nữ nông thôn, góp phần kéo giảm tỷ lệ lao động không có việc làm trên địa bàn xã.
Để công tác giải quyết việc làm cho lao động nữ thực sự mang lại hiệu quả, Hội tập trung thực hiện công tác tuyên truyền về công tác giải quyết việc làm, tư vấn học nghề đến cán bộ, hội viên. Đồng thời, tổ chức khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động và vận động những nơi có điều kiện thành lập doanh nghiệp để giải quyết việc làm cho người dân.
Qua 05 năm thực hiện mô hình (2016 - 2020), có trên 600 chị em trong và ngoài xã tham gia học nghề. Sau khi đào tạo nghề, DN tuyển dụng toàn bộ số lao động có tay nghề vào làm việc. Từ công tác dạy nghề, truyền nghề giữa các thành viên, đến nay, DN phát triển được 12 tổ đan lát trong và ngoài xã, giải quyết việc làm cho 1.800 lao động. Trong đó, có 08 tổ trong xã, do hội viên phụ nữ làm tổ trưởng, giải quyết việc làm cho 1.200 lao động, 04 tổ ngoài xã với 600 lao động, thu nhập bình quân từ 1,2 - 2,5 triệu đồng/người/tháng. Đến nay, có 27 hộ là hội viên phụ nữ được thoát nghèo, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã xuống còn 1,21%, đạt tiêu chí về hộ nghèo trong xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.
Tuy nhiên, việc vận động thành lập DN giải quyết việc làm cho lao động nữ nông thôn còn gặp khó khăn, như: công tác đào tạo nghề chưa hỗ trợ được kinh phí trong thời gian dạy nghề, truyền nghề. Doanh nghiệp chưa chủ động được nguồn nguyên liệu của sản phẩm, phải nhập nguyên liệu từ địa phương khác. Công tác hỗ trợ vốn vay khi thành lập DN còn hạn chế… thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục vận động hội viên thành lập DN để giải quyết việc làm cho lao động nữ nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập ổn định đời sống Nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
SƠN TUYỀN (lược ghi)
Vừa qua, tại hội nghị giao ban công tác Mặt trận quý III/2024, với chủ đề “Phát huy vai trò của Mặt trận trong tham gia XDNTM, nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu”, nhiều đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp hay nhằm nâng cao chất lượng các tiêu XDNTM, NTM nâng cao, NTM mới kiểu mẫu gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh” trên địa bàn tỉnh. Phóng viên Báo Trà Vinh đã lược ghi những cách làm hiệu quả của Mặt trận các địa phương trong tham gia XDNTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.