16/07/2020 06:30
Tại kỳ họp thứ 16 - HĐND tỉnh khóa IX, trên cơ sở các báo cáo của Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các cơ quan tư pháp, ý kiến của cử tri và các ngành liên quan, đại biểu HĐND tỉnh tập trung xem xét, thảo luận dân chủ, tâm huyết, trách nhiệm, phân tích những mặt đạt được, chưa được, nguyên nhân trong thực hiện nhiệm vụ 06 tháng đầu năm và dự báo những thuận lợi, khó khăn, đề ra giải pháp thực hiện từ nay đến cuối năm 2020. Đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến cụ thể, sâu sắc, bổ sung vào các báo cáo, tờ trình để xây dựng hoàn thiện.
Đại biểu Thân Thị Ngọc Kiều, Chủ tịch HĐND huyện Càng Long, đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Càng Long
Đại biểu Thân Thị Ngọc Kiều. |
Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh về tình hình thực hiện nghị quyết (NQ) của HĐND tỉnh 06 tháng đầu năm, trong sản xuất công nghiệp, việc tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh lần V năm 2020 có 67/74 sản phẩm đạt sản phẩm tiêu biểu, đến nay những sản phẩm này đã đi vào thị trường trong và ngoài tỉnh như thế nào, đề nghị cần phải đánh giá để có giải pháp định hướng phát triển thị trường. Trong thực hiện các chỉ số cải cách hành chính, nhiều chỉ số năm 2019 được đánh giá xếp hạng thấp và rất thấp so cả nước và khu vực, đề nghị có giải pháp chấn chỉnh những mặt còn hạn chế, góp phần cho công tác xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh thực hiện tốt hơn.
Liên quan đến thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu năm 2020, trong đó, số xã đạt chuẩn NTM theo kế hoạch là 12 - 14% năm 2020, nhưng 06 tháng đầu năm đạt 01 xã, đến cuối năm đạt 13 xã là phải hết sức phấn đấu, đề nghị UBND tỉnh có chỉ đạo tập trung cho phần việc này. Số xã, phường, thị trấn đạt chuẩn về an toàn về an ninh trật tự, kế hoạch đề ra cả năm là đạt 90%, tuy 06 tháng đầu năm chưa đánh giá chỉ tiêu này, nhưng tình hình một số loại tội phạm gia tăng, nhất là tội trộm cắp, do vậy chỉ tiêu này cũng phải có biện pháp hiệu quả mới đạt kế hoạch đề ra.
Trong thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, từ vốn chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM năm 2020, để thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, thì phải có chuỗi rồi mới thực hiện hỗ trợ. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn huyện Càng Long chưa có chuỗi giá trị, do đó để thành lập được chuỗi giá trị đúng theo Thông tư số 05/2017/TT- BNNPTNT, ngày 01/3/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và sổ tay hướng dẫn phát triển sản xuất chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM giai đoạn 2016 - 2020, thì quá nhiều nội dung để thực hiện, thời gian phải kéo dài phải từ 24 - 36 tháng, trong khi kinh phí chỉ bố trí trong năm không chuyển nguồn được nên rất khó thực hiện. Hơn nữa, tại Quyết định số 983/QĐ-UBND, ngày 23/5/2018 của UBND tỉnh Trà Vinh về việc phê duyệt “danh mục dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với tiêu thụ sản phẩm” thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM giai đoạn 2018 - 2020, thì có quy định hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị quy mô 01 xã thì UBND xã làm chủ đầu tư, quy mô liên xã trong huyện thì UBND huyện làm chủ đầu tư, do vậy, sản phẩm cây trồng chủ lực của huyện như cây quýt đường xã Bình Phú (chỉ có 01 xã) nên UBND huyện làm chủ đầu tư không được mà phải do UBND xã làm chủ đầu tư, trong khi phân bổ vốn thì lại phân bổ về cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, không phân cho chủ đầu tư hoặc UBND xã, vì vậy mà trong quá trình triển khai thực hiện gặp rất nhiều khó khăn.
Việc chuyển đổi diện tích đất cây lâu năm và đất trồng lúa lên đất ở đang gặp khó khăn, cụ thể là khi hộ dân có 300m2 đất trồng lúa muốn chuyển lên đất ở 100m2 để xây nhà nhưng gặp khó vì theo quy định khi chuyển mục đích phần diện tích nào đó mà phần còn lại phải hơn 500m2, nếu dưới 500m2, phải chuyển hết phần còn lại, như vậy, gây khó khăn cho Nhân dân về kinh phí và về nhu cầu sử dụng, đề nghị tỉnh sớm xem xét, tháo gỡ.
Năm 2020, huyện Càng Long phấn đấu trở thành huyện NTM, nhưng huyện đang lo ngại sẽ không đạt được tiêu chí 17 (môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm) vì bãi rác của huyện không thể tiếp tục chứa rác được nữa. Hiện nay, các bể lắng nước đã bị rác lấp đầy. Khi trời mưa, nước và rác tràn ra khu vực bên ngoài gây ô nhiễm. Huyện Càng Long có đề xuất xin chủ trương tập kết rác về tỉnh để xử lý rác tại bãi rác của huyện nhưng chưa được chấp thuận. Sở Tài nguyên và Môi trường cũng có thông báo về ý kiến kết luận của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường làm việc với UBND huyện Càng Long, trong thông báo có ý kiến cho rằng khả năng bãi rác còn có thể hoạt động khoảng hơn 03 năm nữa và Sở Tài nguyên và Môi trường có đề nghị huyện Càng Long thực hiện giải pháp gom gọn rác lại và chất cao lên nhằm tăng thể tích chứa rác lên khoảng 01m và tiến hành phủ lưới cước trên bề mặt bãi rác để không xảy ra hiện tượng phát tán rác làm ảnh hưởng đến ruộng lúa của người dân xung quanh.
Nhưng nhận thấy, gom vén bãi rác lên cao thêm và phủ lưới cước thì xe rác vào đổ rác không được, rất khó khăn. Nếu tình trạng quá tải của bãi rác như bây giờ thì e rằng trong thời gian tới Trung ương xuống kiểm tra để công nhận huyện NTM mà bãi rác không đảm bảo theo yêu cầu thì gặp khó cho huyện Càng Long.
Đại biểu Kim Rương, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Duyên Hải, đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Duyên Hải
Đại biểu Kim Rương. |
Trong 06 tháng đầu năm, mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid -19, nhưng dưới sự lãnh đạo, điều hành sâu sát của HĐND tỉnh, các hoạt động của HĐND tỉnh, của các ban HĐND tỉnh nhưng vẫn thực hiện đạt hiệu quả. Thường trực HĐND tỉnh kịp thời chỉ đạo giảm số lượng cử tri trong các cuộc tiếp xúc cử tri nhưng chất lượng các cuộc tiếp xúc cử tri vẫn đảm bảo theo quy định và đạt yêu cầu. Đặc biệt là, chỉ đạo tiếp xúc chuyên đề với cử tri doanh nghiệp, huyện Duyên Hải tổ chức 01 cuộc với sự tham gia của gần 50 cử tri là chủ doanh nghiệp trên địa bàn, có 05 ý kiến của cử tri phát biểu và đây là dịp để lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND huyện và cử tri gặp gỡ, trao đổi, thông tin một số chính sách đến các chủ doanh nghiệp và ngược lại các doanh nghiệp phát biểu ý kiến thẳng thắn, có kiến nghị đề xuất với lãnh đạo huyện. Qua tiếp xúc, có một số ý kiến đề xuất đến Ngân hàng Nhà nước tăng mức cho vay vốn của Ngân hàng Nhà nước đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa để các doanh nghiệp có nguồn lực đầu tư phát triển và mở rộng hơn quy mô sản xuất vì hiện nay mức Ngân hàng Nhà nước cho vay còn thấp.
Về tình hình lãnh đạo điều hành việc phát triển kinh tế - xã hội của UBND tỉnh, trong 06 tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn, như dịch bệnh Covid - 19, hạn mặn kéo dài làm ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhưng với sự lãnh đạo kịp thời của Tỉnh ủy, sự điều hành của UBND tỉnh, kinh tế - xã hội của tỉnh cũng đạt nhiều kết quả nhất định.
Riêng tình hình sản xuất trên địa bàn huyện Duyên Hải, chỉ đạo kịp thời khuyến cáo Nhân dân không sạ lúa, chỉ đạo nạo vét kênh nội đồng để cứu lúa và cây ăn trái nên ảnh hưởng xâm nhập mặn hạn chế được thiệt hại, đồng thời chỉ đạo các địa phương lập danh sách hỗ trợ cho nông dân trên địa bàn huyện Duyên Hải, qua đó có 498 hộ với diện tích 574ha/2.710ha bị thiệt hại hoàn toàn, hiện huyện đã lập danh sách được tỉnh phê duyệt với số tiền 1,052 tỷ đồng. Một số cử tri đề nghị tỉnh xem xét hỗ trợ, trợ cước, trợ giá về lúa giống cho các hộ chấp hành tốt không sạ lúa nhưng không trồng trọt được cây màu khác trên diện tích đất bị ảnh hưởng. Trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản cơ bản đạt chỉ tiêu đề ra, đến nay huyện Duyên Hải thu hoạch được 1.257 tấn, đạt 49,68% so với NQ năm 2020. Nông dân mạnh dạn áp dụng khoa học - kỹ thuật vào nuôi tôm nên mặc dù diện tích thả nuôi có giảm, tỷ lệ thiệt hại nhiều hơn so với cùng kỳ nhưng sản lượng không thấp hơn.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, chỉ số năng lực cạnh tranh năm 2019 giảm 12 bậc và giảm liên tục trong 03 năm liền, dù đã có sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh nhưng chỉ số này không được cải thiện. Qua nghe Phó chủ tịch, Chủ tịch UBND tỉnh giải trình, phân tích, cũng có những tiêu chí nhỏ được nâng bậc. Theo tôi, nguyên nhân chủ yếu là nguyên nhân chủ quan, là do cán bộ của tỉnh và địa phương nhận thức, quán triệt, tuyên truyền về bộ tiêu chí để đánh giá các chỉ số này chưa chặt, chưa kỹ để đôn đốc nhắc nhở và cùng tham gia giám sát thực hiện. Cuối năm tỉnh cần có sơ, tổng kết chuyên đề để đánh giá việc thực hiện các tiêu chí này, đồng thời khen thưởng, biểu dương tập thể cá nhân thực hiện tốt, có kiểm điểm, xử lý điều chuyển cán bộ không thực hiện tốt các tiêu chí này.
Cùng với đó, tình hình cán bộ hoạt động không chuyên trách thực hiện theo Nghị quyết số 93 của HĐND tỉnh, sau khi sắp xếp đa số cán bộ hoạt động không chuyên trách thực hiện tích cực nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, theo quy định của Chính phủ, cán bộ không chuyên trách chỉ hoạt động 24 giờ trong tuần, nhưng qua theo dõi cán bộ không chuyên trách vẫn hoạt động như các công chức và cán bộ chuyên trách ở xã, phường, thị trấn, thậm chí làm việc vào ngày thứ Bảy, Chủ nhật. Các đồng chí này ngoài nhiệm vụ phó của một ngành đoàn thể còn đảm nhiệm thêm nhiệm vụ của một hội đặc thù nên nhiệm vụ khá nhiều. Tôi đề nghị HĐND tỉnh và các ngành chức năng nghiên cứu có chính sách hỗ trợ cấp thêm cho các đồng chí này để các đồng chí tiếp tục cống hiến và hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao.
Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Liễu, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cầu kè, đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Cầu Kè
Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Liễu. |
Trong thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo, điều hành thực hiện tốt nhiệm vụ “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”, trấn an được lòng dân, đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời triển khai thực hiện đầy đủ các NQ đã được HĐND tỉnh ban hành. Nhìn chung tình hình kinh tế - xã hội 06 tháng đầu năm 2020 của tỉnh gặp nhiều khó khăn do thời tiết khô hạn, mặn, dịch Covid -19 diễn biến phức tạp, giá cả thất thường gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp; giá cả các mặt hàng nông sản giảm, khả năng phục hồi chậm. Tuy nhiên, bằng sự quyết tâm chỉ đạo, lãnh đạo của UBND tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội phát triển ổn định.
Tuy nhiên, về việc thực hiện các chế độ, chính sách để hỗ trợ người dân sản xuất, chăn nuôi khi bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn, dịch bệnh thì thấy rằng mức hỗ trợ vẫn còn thấp, không đảm bảo được đời sống của người dân, chính sách hỗ trợ chậm triển khai và quy định đối với đối tượng được hưởng chưa rõ ràng dẫn đến nhiều địa phương lúng túng khi rà soát để lập danh sách.
Tin tưởng rằng, 06 tháng cuối năm UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo, điều hành tốt hơn nữa, có nhiều giải pháp để thực hiện có hiệu quả 07 nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra, tạo mọi điều kiện để các sản phẩm của tỉnh khi sản xuất ra có đủ sức cạnh tranh trên thị trường, như thế thì giá cả sẽ đảm bảo. Bổ sung các nguồn vốn vay, tạo mọi điều kiện để người dân tiếp cận với các nguồn vốn để sản xuất, chăn nuôi và kinh doanh; bổ sung thêm nguồn vốn để các địa phương tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học, tham mưu ưu tiên tuyển dụng giáo viên đảm bảo đủ để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm học 2020 - 2021 và những năm tiếp theo, phấn đấu hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu năm 2020.
Bài, ảnh: KIM LOAN
Vừa qua, tại hội nghị giao ban công tác Mặt trận quý III/2024, với chủ đề “Phát huy vai trò của Mặt trận trong tham gia XDNTM, nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu”, nhiều đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp hay nhằm nâng cao chất lượng các tiêu XDNTM, NTM nâng cao, NTM mới kiểu mẫu gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh” trên địa bàn tỉnh. Phóng viên Báo Trà Vinh đã lược ghi những cách làm hiệu quả của Mặt trận các địa phương trong tham gia XDNTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.