17/05/2021 10:19
Ngày 12/5, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tổ chức hội thảo mở rộng lấy ý kiến đóng góp Đề án tăng cường năng lực và hạ tầng kỹ thuật thực hiện quản lý chất thải rắn (Đề án) nhằm đánh giá thực trạng thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn, đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và phân công nhiệm vụ cụ thể để thực hiện tốt công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Ông Trần Văn Hùng, Giám đốc Sở TN-MT chủ trì buổi hội thảo.
Mục tiêu Đề án đến năm 2025, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý đạt 98,5%; khu vực nông thôn đạt từ 78 - 80%. Sử dụng 100% túi ni-lon thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi ni-lon khó phân hủy. Xử lý dứt điểm bãi rác thành phố Trà Vinh và không để phát sinh thêm cơ sở mới. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp đạt tỷ lệ dưới 30% so với lượng chất thải được thu gom; 80% chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom, lưu giữ, vận chuyển, tự xử lý, xử lý tập trung đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; việc đầu tư xây dựng mới cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt đảm bảo tỷ lệ chôn lấp sau xử lý không quá 20%. Qua đó, nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường. Tạo nguồn xã hóa, nâng cao khả năng thu hút đầu tư trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại địa phương. Thực hiện nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, nâng cao khả năng thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp tư nhân vào công tác thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Nâng cao ý thức tự giác của người dân trong việc phân loại, thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại hộ gia đình.
Hội thảo có 10 ý kiến đóng góp của các đại biểu nêu lên tính khả thi đối với công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân, nhất là việc phân loại rác thải; mở các lớp tập huấn cho cán bộ công tác ở lĩnh vực quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Đồng thời, cần có dự tính lượng rác thải đến năm 2025 để đưa giải pháp phù hợp, thực hiện hiệu quả. Chọn các phương pháp khả thi thực hiện xử lý các bãi rác hiện hữu ở các địa phương trên địa bàn tỉnh. Chọn một số tuyến đường, địa phương thực hiện điểm, rút kinh nghiệm, chọn giải pháp khả thi nhân rộng mô hình. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, sơ, tổng kết mô hình; khen thưởng mô hình, nhân tố tích cực, xử phạt hành vi vi phạm trên lĩnh vực vệ sinh môi trường…
Kết luận buổi hội thảo, ông Trần Văn Hùng tiếp thu các ý kiến đóng góp, đồng thời, nêu lên một số mặt hạn chế trong quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh. Để hoàn chỉnh Đề án trình UBND tỉnh phê duyệt, Giám đốc Sở TN-MT chỉ đạo các đơn vị trực thuộc sở và các thành viên tham gia soạn thảo Đề án nghiên cứu đưa các ý kiến đóng góp vào để hoàn chỉnh nội dung phù hợp và khả thi cho Đề án tăng cường năng lực và hạ tầng kỹ thuật thực hiện quản lý chất thải rắn sớm được triển khai, thực hiện đạt hiệu quả cao nhất.
Được biết, trước đó, Sở TN-MT đã tổ chức lấy ý kiến của 15 cơ quan và nhận được 10 ý kiến đóng góp, trong đó, có 04 ý kiến thống nhất và 06/10 ý kiến đóng góp đối với nội dung đề án. Trên cơ sở đó, Sở TN-MT tổ chức hội thảo Đề án lấy kiến đóng góp của các sở, ngành, MTTQ, các đoàn thể tỉnh và Trường Đại học Trà Vinh.
HUỲNH NỔI
Vừa qua, tại hội nghị giao ban công tác Mặt trận quý III/2024, với chủ đề “Phát huy vai trò của Mặt trận trong tham gia XDNTM, nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu”, nhiều đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp hay nhằm nâng cao chất lượng các tiêu XDNTM, NTM nâng cao, NTM mới kiểu mẫu gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh” trên địa bàn tỉnh. Phóng viên Báo Trà Vinh đã lược ghi những cách làm hiệu quả của Mặt trận các địa phương trong tham gia XDNTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.