19/09/2021 06:40
Thông qua các cuộc hòa giải, ý thức của người dân về pháp luật được nâng lên, chấp hành nghiêm pháp luật, hạn chế vi phạm, giảm đơn, thư, khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp… đã góp phần quan trọng tăng cường thêm khối đại đoàn kết trong cộng đồng dân cư, củng cố thêm niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Có thể khẳng định rằng, hòa giải ở cơ sở có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, là một phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả. Mỗi cuộc hòa giải thành là thêm “chất keo” hàn gắn, khôi phục tình làng nghĩa xóm, duy trì mối quan hệ đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư. Hòa giải ở cơ sở là điều kiện cần thiết cho việc tổ chức một xã hội đoàn kết, đồng thuận, giúp Nhân dân tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, tạo tiền đề cho ổn định chính trị, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Để tiếp tục tăng cường mối quan hệ đoàn kết trong cộng đồng dân cư, củng cố thêm niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tại Chỉ thị số 12, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ trì, phối hợp với UBMTTQ cùng cấp hướng dẫn, tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về hòa giải ở cơ sở trong phạm vi địa phương; chỉ đạo lồng ghép thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở vào xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của ấp, khóm, khu dân cư. Phấn đấu đạt tỷ lệ hòa giải thành các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp trong Nhân dân từ 70% trở lên.
Qua 05 năm thực hiện Chỉ thị số 12 cho thấy, việc quản lý, theo dõi, giám sát hoạt động hòa giải ở cơ sở ngày càng hiệu quả; chất lượng hoạt động của tổ hòa giải ở cơ sở ngày càng được nâng lên. Thông qua hoạt động hòa giải, các địa phương trong tỉnh đã kịp thời giải quyết nhiều vụ, việc mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong Nhân dân, giữ gìn tình làng nghĩa xóm, đoàn kết gắn bó, phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, phòng ngừa và hạn chế vi phạm pháp luật, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại địa phương.
05 năm qua, toàn tỉnh đã tiếp nhận 9.214 vụ, việc yêu cầu thực hiện hòa giải; các ngành, các địa phương đã đưa ra hòa giải 8.967 vụ, việc. Kết quả, hòa giải thành 6,583 vụ, việc, đạt tỷ lệ 73,41% (vượt 3,41% so với chi tiêu theo Chỉ thị số 12). Quá trình thực hiện hòa giải ở cơ sở, đã hình thành một số mô hình “Dân vận khéo” với cách làm hay, hiệu quả, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, công tác hòa giải, cảm hóa, giáo dục... như mô hình “Đổi mới công tác tuyên truyền pháp luật đến quần chúng nhân dân thông qua công tác xét xử khiếu tố và các phiên tòa xét xử án hình sự, dân sự” của tập thể Viện Kiểm sát nhân dân huyện Cầu Kè; mô hình “3 không, 3 cần, 3 quyết tâm” của thị trấn Cầu Kè, huyện Cầu Kè; mô hình “Thành lập tổ hòa giải của người có uy tín” của UBMTTQ Việt Nam xã Tân Hùng, huyện Tiểu Cần; mô hình “Dân đến bức xúc, dân về an tâm” của Thanh tra Công an tỉnh; mô hình “Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong tiếp công dân giải quyết khiếu nại, tố cáo, bức xúc của Nhân dân trong triển khai các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của huyện” của Phòng Tư pháp huyện Trà Cú...
Tại huyện Càng Long hiện có 121 tổ hòa giải, 906 hòa giải viên ở cơ sở. Ý thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở, Phòng Tư pháp huyện đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo tăng cường thực hiện tốt nhiệm vụ công tác này. Năm 2020, toàn huyện tiếp nhận 387 vụ việc; tổ chức hòa giải 383 vụ việc, đạt tỷ lệ 98,96%. Kết quả hòa giải thành 307 vụ việc, đạt 80,15%.
Đến với Tổ hòa giải Khóm 3, thị trấn Càng Long, huyện Càng Long, Trưởng Ban Nhân dân Khóm 3, Tổ trưởng Tổ hòa giải Khóm 3, ông Nguyễn Duyên Hãi cho biết: tôi tham gia công tác hòa giải từ năm 2014, làm Tổ trưởng Tổ hòa giải Khóm 3 từ năm 2019. Kinh nghiệm từ thực tiễn, để làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở, cần phải sát với từng hộ dân, phát hiện và tiến hành hòa giải ngay khi mới manh nha những mâu thuẫn, bất đồng.
Trong công tác hòa giải, ông Nguyễn Duyên Hãi nhấn mạnh: phải thực hiện đúng theo pháp luật hiện hành, nhưng khi mời đương sự đến hòa giải, trước hết lấy tình nghĩa xóm làng làm chủ yếu; có những vụ việc chưa cần nói đến pháp luật, đương sự đã đồng tình bắt tay giải quyết, làm hòa. Nhờ đó, nhiều năm qua, tình trạng đơn thư khiếu kiện ở địa phương đã giảm đáng kể, có năm không có xảy ra vụ việc nào. Riêng trong năm 2020, tiếp nhận 03 đơn khiếu kiện và đã hòa giải thành 03/03 đơn.
Tiếp tục thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đề ra 06 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tiếp tục triển khai, quán triệt Chỉ thị số 12 gắn với Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành, các văn bản cụ thể hóa của UBND tỉnh: Quyết định số 748/QĐ-UBND, ngày 12/5/2017 về việc ban hành Quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Trà Vinh; Quyết định số 1502/QĐ-UBND, ngày 08/8/2019 ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2018 - 2022” trên địa bàn tỉnh... tiếp tục thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở lồng ghép vào xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của khu dân cư, gắn việc thực hiện công tác hòa giải với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh”, phong trào thi đua “Dân vận khéo”; vận động người có trình độ, am hiểu pháp luật tham gia làm hòa giải viên, giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật ở khu dân cư bằng biện pháp hòa giải. Xây dựng đội ngũ hòa giải viên có trình độ, kỹ năng và nghiệp vụ hòa giải đáp ứng yêu cầu của công tác hòa giải ở cơ sở trong giai đoạn mới; phát huy những người có uy tín trong cộng đồng, các vị chức sắc tôn giáo để thực hiện tốt công tác hòa giải ở địa phương.
HÀ THANH
Vừa qua, tại hội nghị giao ban công tác Mặt trận quý III/2024, với chủ đề “Phát huy vai trò của Mặt trận trong tham gia XDNTM, nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu”, nhiều đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp hay nhằm nâng cao chất lượng các tiêu XDNTM, NTM nâng cao, NTM mới kiểu mẫu gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh” trên địa bàn tỉnh. Phóng viên Báo Trà Vinh đã lược ghi những cách làm hiệu quả của Mặt trận các địa phương trong tham gia XDNTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.