14/12/2022 09:52
Phát biểu chỉ đạo tại phiên bế mạc kỳ họp, đồng chí Kim Ngọc Thái, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: nhiệm vụ năm 2023 hết sức nặng nề, cần phải quyết tâm, nỗ lực, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị dồn sức thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, tập trung triển khai nhanh, quyết liệt các mục tiêu, nhiệm vụ trong những tháng đầu năm mới, phấn đấu hoàn thành cao nhất kế hoạch năm 2023.
Tại kỳ họp thứ 7 - HĐND tỉnh khóa X, qua đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2022 hầu hết đại biểu HĐND tỉnh nhất trí cao. Đóng góp phương hướng, nhiệm vụ cho năm 2023, đại biểu HĐND tỉnh có nhiều ý kiến tâm huyết.
Đại biểu Dương Hoàng Sum.
Đại biểu Dương Hoàng Sum, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Cầu Ngang ý kiến: thời gian qua, các cấp, các ngành nỗ lực vận động các nhà hảo tâm, mạnh thường quân để đảm bảo kinh phí hỗ trợ và kinh phí đối ứng khi thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở; qua đó, đã giúp những gia đình chính sách, gia đình nghèo gặp khó khăn về nhà ở xây dựng được căn nhà đảm bảo tiêu chí “3 cứng” theo quy định...
Tuy nhiên, hiện nay do giá cả vật liệu xây dựng, nhân công và một số chi phí khác tăng cao…trong khi đó, nguồn lực vận động hỗ trợ của các ngành, các cấp có hạn, nên trong quá trình triển khai thực hiện, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc như: các công trình phụ trợ và hạ tầng kỹ thuật (bếp, nhà vệ sinh, hệ thống thoát nước…) chưa được thực hiện, do một số hộ không có kinh phí, nên các công trình hạ tầng kỹ thuật này chưa đảm bảo nhu cầu sinh hoạt về lâu dài, thậm chí có những hộ mặc dù còn khó khăn về nhà ở nhưng không dám nhận kinh phí sửa chữa hoặc xây mới, do không có kinh phí để đối ứng.
Thiết nghĩ, chính sách hỗ trợ gia đình người có công với cách mạng, gia đình nghèo khó khăn về nhà ở… cần tiếp tục được triển khai thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay tình hình giá cả vật liệu xây dựng, nhân công, các chi phí khác…đều tăng. Do đó, để tiếp tục thực hiện tốt chính sách này, đề nghị cần sớm xem xét nâng mức hỗ trợ đối với nhà xây dựng mới từ 50 triệu đồng lên 80 triệu đồng/01 căn, đối với nhà sửa chữa từ 25 triệu đồng lên 40 triệu đồng/01 căn để đảm bảo nhà đạt tiêu chí “3 cứng” theo quy định.
Đại biểu Nguyễn Thúy Kiều.
Đại biểu Nguyễn Thúy Kiều, Phó Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Trà Cú ý kiến: chuyển đổi cơ cấu kinh tế nói chung, cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông dân, nông thôn nói riêng là mục tiêu hướng đến sự phát triển bền vững, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Đối với huyện Trà Cú, hiện nay, việc chuyển đổi trên 2.500ha diện tích đất trồng mía kém hiệu quả sang lĩnh vực nuôi, trồng cây con khác có giá trị kinh tế cao là vấn đề lớn. Huyện cũng như người dân Trà Cú rất mong tỉnh có chính sách đặc thù đối với vùng này (chính sách về vốn, khoa học - kỹ thuật…), trên cơ sở xây dựng mô hình, dự án cụ thể, nhằm đáp ứng với điều kiện đặc thù, thổ nhưỡng của địa phương.
Cử tri trên địa bàn huyện Trà Cú cũng rất quan tâm đến việc đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài (xuất khẩu lao động) và cho rằng đây là chủ trương đúng đắn và quan trọng của Đảng và Nhà nước, không những góp phần giảm nghèo bền vững mà còn là tiền đề đào tạo đội ngũ lao động có tay nghề cao đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH của địa phương.
Tuy nhiên, để đưa một lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài cần phải đảm bảo nhiều yếu tố: thời gian, kinh phí và sự phối hợp chặt chẽ từ nhiều phía, nhằm đảm bảo đúng quy định của pháp luật và sự tin tưởng của phụ huynh… Do vậy, đề nghị tỉnh cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ lĩnh vực này, xây dựng lộ trình, kế hoạch thật cụ thể, rõ ràng, đặc biệt là có cơ chế, chính sách ưu tiên đối với hộ nghèo, hộ Khmer… để từ đó giúp cho phụ huynh và con em của họ an tâm trong suốt thời gian đi lao động ở nước ngoài.
Đại biểu Trịnh Thị Phương.
Đại biểu Trịnh Thị Phương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Cầu Kè ý kiến: hiện nay, các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh hoạt động yếu kém và ngưng hoạt động còn nhiều, việc củng cố, kiện toàn HTX chưa được quan tâm đúng mức. Để khắc phục hạn chế đó, đề xuất UBND tỉnh, các ngành liên quan cần quyết liệt hơn trong triển khai, tổ chức thực hiện các chính sách nhằm hỗ trợ, khuyến khích HTX nâng chất hoạt động, đồng thời quan tâm, hướng dẫn, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các HTX từ việc tiếp cận các nguồn vốn, đất đai, xây dựng cơ sở vật chất để sản xuất, kinh doanh, xây dựng nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đến quảng bá sản phẩm, đào tạo nghề cho thành viên và người lao động.
Bên cạnh đó, tập trung hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực quản lý điều hành cho các HTX trên địa bàn tỉnh, để các HTX hoạt động ngày càng hiệu quả hơn.
Đồng chí Lê Văn Hẳn.
Đồng chí Lê Văn Hẳn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp thu, ghi nhận các ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh đặt ra tại phiên thảo luận kỳ họp, đồng thời cho biết sẽ nghiên cứu, có giải pháp, lộ trình cụ thể đối với từng vấn đề.
Trên cơ sở kết quả đạt được, UBND tỉnh đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH năm 2023, trong đó tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm: Tập trung thực hiện hiệu quả Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023 gắn với đẩy mạnh thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH 05 năm (2021-2025), nhất là dồn sức thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, các Chương trình mục tiêu quốc gia. Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phát triển KT-XH, tăng cường thu hút đầu tư xã hội. Triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập, chấn chỉnh khâu chuẩn bị đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, vốn Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, các Chương trình mục tiêu quốc gia ngay từ đầu năm 2023, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, bảo đảm các mục tiêu đề ra.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thực thi pháp luật trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, người dân. Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát thi hành pháp luật, nhất là các chính sách đầu tư, kinh doanh; thường xuyên rà soát, kịp thời tháo gỡ hoặc đề xuất Trung ương tháo gỡ những vướng mắc, bất cập, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, công khai, minh bạch và thông thoáng.
Theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19 và các dịch bệnh khác có thể xảy ra trên địa bàn tỉnh để chủ động phương án ứng phó hiệu quả, nhất là đẩy mạnh việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 theo quy định; đảm bảo thuốc, vật tư, hóa chất, sinh phẩm và trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống Covid-19.
Tăng cường năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng, bảo đảm năng lực khám bệnh, chữa bệnh, phòng, chống dịch của hệ thống y tế, thực hiện tốt nhiệm vụ khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
Ngoài ra, chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường công tác quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên; bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu. Đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội.
Năm 2023 là năm có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu ba phần tư chặng đường thực hiện Kế hoạch phát triển KT - KT 05 năm 2021 - 2025 và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ XI. Trong bối cảnh dự báo sẽ có nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi cần phải hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, vượt qua khó khăn, tận dụng cơ hội để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đề ra.
Phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp thứ 7, đồng chí Kim Ngọc Thái, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị: nhiệm vụ của năm 2023 hết sức nặng nề, cần phải quyết tâm hơn nữa, nỗ lực hơn nữa, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh, các cấp, các ngành tập trung khắc phục những hạn chế, yếu kém, giữ vững ổn định kinh tế; tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ; dồn sức cho nhiệm vụ trọng tâm, tập trung triển khai nhanh, quyết liệt các mục tiêu, nhiệm vụ trong những tháng đầu năm mới, phấn đấu hoàn thành cao nhất kế hoạch năm 2023, tạo tiền đề để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH giai đoạn 2021 - 2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra.
23 chỉ tiêu chủ yếu được nhất trí thông qua tại kỳ họp thứ 7 (1) Phấn đấu tăng trưởng GRDP đạt 7,5% (có tính giá trị sản xuất nhiệt điện); 7,75% (không tính giá trị sản xuất nhiệt điện) so với ước thực hiện năm 2022. (2) GRDP bình quân đầu người đạt 75,96 triệu đồng/người/năm, tương đương 3.274USD (có tính giá trị sản xuất nhiệt điện); đạt 62,04 triệu đồng/người/năm, tương đương 2.674USD (không tính giá trị sản xuất nhiệt điện). (3) Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, thuế sản phẩm trong GRDP chiếm 70,58% (có tính giá trị sản xuất nhiệt điện); chiếm 63,98% (không tính giá trị sản xuất nhiệt điện). (4) Phấn đấu tổng vốn đầu tư toàn xã hội 32.000 tỷ đồng. (5) Phát triển mới 520 doanh nghiệp. (6) Tỷ lệ đô thị hóa đạt 31,1%. (7) Thu thu nội địa 5.701 tỷ đồng; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 1.220 tỷ đồng. (8) Giữ vững 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới; có thêm 10 xã nông thôn mới nâng cao; phấn đấu mỗi huyện có ít nhất 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; huyện Trà Cú đạt chuẩn nông thôn mới. (9) Tỷ trọng lao động: trong nông nghiệp còn 44%, trong công nghiệp - xây dựng và dịch vụ đạt 56% trong tổng lao động xã hội. (10) Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 69,3%; trong đó: có bằng cấp, chứng chỉ đạt 36,04%. Tạo việc làm mới cho 23.000 lao động. (11) Tỷ lệ thất nghiệp 02%. (12) Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đi học: Tiểu học: 100%; THCS: 98,6%. (13) Có 26,43 giường bệnh/vạn dân; 9,6 bác sĩ/vạn dân. (14) Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế so với dân số đạt 94,8%. (15) Giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều 0,5% (trong đồng bào Khmer giảm 01%). (16) Tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội đạt 21,72% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt 04% lực lượng lao động xã hội. (17) Tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện đạt 99,6%. (18) Có 99,3% dân cư thành thị; 99,8% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh (trong đó nước sạch 79,2%). (19) Tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý 99,35%; tỷ lệ chất thải rắn y tế được xử lý đạt 100%; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn thải sinh hoạt đô thị đạt 98,3%, nông thôn đạt 78,8%; tỷ lệ các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg và Quyết định số 1788/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được xử lý đạt 87,5%. (20) Tỷ lệ che phủ rừng đạt 4,1% diện tích tự nhiên. (21) Giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. (22) Phấn đấu 90% xã, phường, thị trấn và 95% cơ quan, đơn vị, nhà trường trở lên đạt chuẩn an toàn về an ninh, trật tự. (23) Có trên 98% xã, phường, thị trấn vững mạnh về quốc phòng, an ninh. |
Bài, ảnh: KIM LOAN
Vừa qua, tại hội nghị giao ban công tác Mặt trận quý III/2024, với chủ đề “Phát huy vai trò của Mặt trận trong tham gia XDNTM, nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu”, nhiều đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp hay nhằm nâng cao chất lượng các tiêu XDNTM, NTM nâng cao, NTM mới kiểu mẫu gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh” trên địa bàn tỉnh. Phóng viên Báo Trà Vinh đã lược ghi những cách làm hiệu quả của Mặt trận các địa phương trong tham gia XDNTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.