23/07/2021 02:09
Bài 1: Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc
Đại biểu tham dự hội nghị hướng dẫn nội dung, trình tự, thủ tục giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Ảnh: KL
Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu, là cội nguồn sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Truyền thống đó được hun đúc, hình thành và phát triển bởi tinh thần yêu nước, ý chí độc lập, tự chủ của dân tộc ta hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, chiến thắng mọi thiên tai, địch họa, để xây dựng nên Tổ quốc Việt Nam ngày càng cường thịnh. Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược, là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Trà Vinh là tỉnh có đông đồng bào dân tộc, dân số của tỉnh hiện có khoảng 1.010.000 người, trong đó đồng bào Kinh, chiếm khoảng 67,57% dân số của tỉnh; đồng bào Khmer chiếm 31,51%; đồng bào Hoa chiếm 0,65%, còn lại là đồng bào các dân tộc khác như: Chăm, Mường, Tày... Trà Vinh cũng là tỉnh có nhiều tôn giáo, tỷ lệ người theo các tôn giáo chiếm khoang 54,5% dân số của tỉnh. Trong đó, Phật giáo (bao gồm Phật giáo Bắc Tông và Phật giáo Nam Tông) là tôn giáo có số lượng tín đồ đông nhất, chiếm khoảng 86% tổng số tín đồ các tôn giáo; tiếp đến là Công giáo, Cao đài, Tin lành, Tịnh độ cư sĩ Phật hội, Hồi giáo...
Quán triệt quan điểm của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc, ngay sau khi các tổ chức Đảng được thành lập trên địa bàn tỉnh, các chi bộ Đảng đã triển khai các hoạt động tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia đấu tranh. Từ đó, phong trào đấu tranh của Nhân dân dưới sự lãnh đạo của các chi bộ Đảng phát triển rộng khắp, không chỉ có người Kinh mà còn có đồng bào Khmer, đồng bào Hoa, không chỉ có người lương mà cả những người có tín ngưỡng, tôn giáo cũng tích cực tham gia, góp phần làm nên thắng lợi của cuộc Tổng Khởi nghĩa Cách mạng Tháng tám năm 1945 và trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, làm nên truyền thống vẻ vang “Toàn dân nổi dậy, đoàn kết lập công”.
Truyền thống ấy tiếp tục được phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là từ khi có Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 7 (khóa IX) "về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh". Quán triệt các quan điểm Nghị quyết Hội nghị Trung ương VII (khóa IX), Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh các khóa VIII, IX và X đều thể hiện rõ các quan điểm của Đảng về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Cụ thể, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X nêu: “Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc. Xây dựng khối đoàn kết gắn bó giữa đồng bào Kinh - Khmer - Hoa và các dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn”...
“Phát huy những giá trị đạo đức, văn hóa tốt đẹp của các tôn giáo; động viên chức sắc và tín đồ tôn giáo sống tốt đời, đẹp đạo, gắn bó và đồng hành cùng với dân tộc, với đất nước, tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”..,
“Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội, đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, động viên và tạo điều kiện để Nhân dân phát huy tiềm năng, sức sáng tạo trong sản xuất - kinh doanh, làm giàu cho mình, cho cộng đồng và đất nước; thực hiện có hiệu quả cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội”.
Thực hiện các quan điểm, nhiệm vụ về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời gian qua, nhất là trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 của Đảng bộ đã đạt được những thành tựu quan trọng: “Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện tốt. Kết cấu hạ tầng, các chương trình, dự án được triển khai có hiệu quả; đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên; bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc được bảo tồn và phát huy... Tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo được công nhận hoạt động đúng hiến chương, điều lệ và quy định của pháp luật, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo chính đáng của nhân dân... Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng có nhiều nỗ lực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; thực hiện giám sát, phản biện xã hội, tổ chức các cuộc đối thoại với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện việc góp ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền, sâu sát cơ sở; quan tâm bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân... các cuộc vận động, các phong trào của Mặt trận và các đoàn thể đã khơi dậy được động lực, quyền làm chủ của nhân dân, tạo đồng thuận xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tỉnh..” (Tỉnh ủyTrà Vinh: Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2015; Xuất bản năm 2021 trang 27, 28).
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc hạn chế, yếu kém: “Việc tham mưu, đề xuất của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội với cấp ủy hoặc tham gia cùng cấp ủy, chính quyền xử lý những vấn đề bức xúc trong nhân dân chưa nhiều; chưa phát huy tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội. Triển khai, thực hiện một số chương trình, chính sách trong vùng có đông đồng bào dân tộc còn chậm, phát huy hiệu quả chưa cao” (Tỉnh ủy Trà Vinh; Sdd, trang 60).
Từ những kết quả đạt được và những hạn chế, yếu kém, Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ XI nêu 5 bài học kinh nghiệm, trong đó bài học thứ nhất nêu; “...giữ vững đoàn kết, thống nhất trong Đảng, làm cơ sở cho khối đoàn kết, gắn bó các dân tộc, tôn giáo trong tỉnh; phát huy dân chủ, tạo sự đồng thuận trong nhân dân...” (Tỉnh ủy Trà Vinh; Sdd, trang 69).
Về quan điểm và mục tiêu của nhiệm kỳ 2020 - 2025, Văn kiện nhấn mạnh đến nội dung về đại đoàn kết toàn dân tộc. Cụ thể ở quan điểm thứ 5: “Khơi thông mọi tiềm năng và lợi thế của tỉnh, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lự; phát huy những đặc trưng tính cách tốt đẹp và khát vọng vươn lên của con người Trà Vinh, sức mạnh của khối đoàn kết các dân tộc trong tỉnh...”; và mục tiêu: “Tập trung xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ, hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước các cấp; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của con người Trà Vinh…” (Tỉnh ủy Trà Vinh; Sdd, trang 74).
Để tăng cường và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh, cần thực hiên tốt các nhiệm vụ sau:
Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, người đứng đầu và cả hệ thống chính trị trong lãnh đạo củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tiếp tục triển khai, cụ thể hoá các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc phù hợp với thực tiễn của địa phương, đơn vị để tổ chức thực hiện có hiệu quả.
Hai là, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục làm tốt vai trò nòng cốt trong việc tập hợp, đoàn kết, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội, đóng góp xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tạo đồng thuận xã hội, phát huy quyền dân chủ của Nhân dân gắn với kỷ cương, pháp luật, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ đề ra.
+ Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao bản lĩnh chính trị, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động cho giai cấp công nhân, thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá kinh tế tỉnh nhà.
+ Phát huy vai trò của nông dân - chủ thể trong quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tích cực tham gia kinh tế hợp tác và hợp tác xã, xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển nền nông nghiệp tỉnh nhà theo hướng hiện đại, nông dân khá giả, nông thôn văn minh.
+ Nâng cao trình độ mọi mặt về đời sống vật chất, tinh thần, của phụ nữ; thực hiện bình đẳng giới, tạo điều kiện cho phụ nữ phát huy tốt vai trò của mình trong gia đình và xã hội.
+ Động viên cựu chiến binh phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, giúp nhau làm kinh tế gia đình; tích cực tham gia các phong trào hành động cách mạng ở địa phương, tham gia giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
+ Tăng cường giáo dục, xây dựng tuổi trẻ Trà Vinh có lý tưởng cách mạng, bản lĩnh chính trị vững vàng, giàu lòng yêu nước, có đạo đức, lối sống văn hoá, trách nhiệm, tuân thủ pháp luật. Phát huy tính xung kích, tình nguyện, sáng tạo của thanh niên trong tham gia xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp.
+ Phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống, lao động, học tập của người cao tuổi trong xã hội, cộng đồng và gia đình. Quan tâm chăm sóc sức khỏe, tạo điều kiện để người cao tuổi hưởng thụ văn hóa, sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc.
+ Xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, phát huy vai trò của trí thức trong hoạt động sáng tạo khoa học - kỹ thuật, sáng tác các tác phẩm báo chí, văn học - nghệ thuật có giá trị tư tưởng về nghệ thuật; thực hiện chức năng, nhiệm vụ tư vấn, phản biện, giám định xã hội… đóng góp công sức, trí tuệ vào sự phát triển của tỉnh.
+ Xây dựng, phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh cả về số lượng, chất lượng, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo, trách nhiệm xã hội của doanh nhân trong sự nghiệp phát triển của tỉnh.
Ba là, tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Chú trọng việc dạy nghề, giải quyết việc làm, chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ, đồng thời phát huy ý chí tự lực, tự cường, vươn lên thoát nghèo trong vùng có đông đồng bào Khmer. Thực hiện chính sách ưu tiên trong tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bố trí cán bộ người dân tộc Khmer trong hệ thống chính trị các cấp. Tạo điều kiện cho đồng bào người Hoa phát huy tốt năng lực sản xuất, kinh doanh. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc; xây dựng khối đoàn kết gắn bó giữa đồng bào Kinh - Khmer - Hoa và các dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn.
Bốn là, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận sinh hoạt đúng hiến chương, điều lệ và quy định của pháp luật. Phát huy những giá trị đạo đức, văn hóa tốt đẹp của các tôn giáo; động viên chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo sống “Tốt đời, đẹp đạo”, tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Năm là, tăng cường công tác dân vận của chính quyền các cấp. Tích cực phối hợp giữa chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm công tác dân vận. Thực hiện có hiệu quả Quy chế dân chủ ở cơ sở, góp phần động viên Nhân dân và cán bộ, đảng viên hăng hái tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, củng cố an ninh - quốc phòng.
Sáu là, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị “về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, kiên quyết đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, phá hoại, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp nêu trên sẽ góp phần tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng Trà Vinh đạt chuẩn nông thôn mới trước năm 2025, là tỉnh phát triển trong nhóm đầu của khu vực đồng bằng sông Cửu Long trước năm 2030.
TRẦN BÌNH TRỌNG
Vừa qua, tại hội nghị giao ban công tác Mặt trận quý III/2024, với chủ đề “Phát huy vai trò của Mặt trận trong tham gia XDNTM, nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu”, nhiều đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp hay nhằm nâng cao chất lượng các tiêu XDNTM, NTM nâng cao, NTM mới kiểu mẫu gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh” trên địa bàn tỉnh. Phóng viên Báo Trà Vinh đã lược ghi những cách làm hiệu quả của Mặt trận các địa phương trong tham gia XDNTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.