23/07/2020 14:44
Sở VH-TT-DL với các giải pháp đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các sản phẩm văn hóa độc hại
Trong 10 năm qua, Sở VH-TT-DL đã chỉ đạo thực hiện, phối hợp thực hiện thanh, kiểm tra, xử lý 897 lượt cơ sở (trong đó, có 542 cơ sở kinh doanh karaoke, 355 cơ sở kinh doanh mua, bán băng đĩa), nhắc nhở, cam kết 30 cơ sở. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực văn hóa 53 quyết định (trong đó, có 12 quyết định cảnh cáo). Tổng số tang vật tịch thu gồm 05 đầu CPU lưu trữ phim đồi trụy dùng để sang điện thoại di động; tổng số tang vật tiêu hủy 47.285 đĩa CD, VCD, DVD; 09 file phim; 149 băng cassette; 247 tranh, 60 quyển sách tử vi. Tổng số tiền xử phạt vi phạm trên 230 triệu đồng. |
Ông Cao Quốc Dũng, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL cho biết, qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 46 của Ban Bí thư, ngành VH-TT-DL thực hiện và phát hành hơn 64.000 cuốn nội san văn hóa Kinh, Khmer; 117.500 tờ tin đời sống văn hóa; 24.200 tờ tin ảnh, đăng tải 350 bài viết trên Cổng thông tin điện tử về các lĩnh vực VH-TT-DL, gia đình và các chuyên đề về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Toàn ngành thực hiện hàng ngàn băng-rôn, pa-nô, áp-phích… nhằm tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị của ngành và địa phương; dàn dựng trên 200 tiết mục phục vụ các ngày lễ lớn trong năm. Tổ chức các hội thi, hội diễn, liên hoan hàng năm của tỉnh, hỗ trợ các huyện, thị xã, thành phố tổ chức các chuyên đề tuyên truyền về chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm giúp cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân dễ dàng tiếp cận, nắm được các thông tin. Ngoài ra, các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp Kinh, Khmer của tỉnh tổ chức biểu diễn trên 150 suất không doanh thu phục vụ nhiệm vụ chính trị.
Bên cạnh các hoạt động tuyên truyền, công tác xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Gia đình văn hóa” được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để xây dựng văn hóa ngay từ cơ sở được thực hiện tốt. Qua đó, góp phần tích cực trong việc xây dựng nhân cách tốt đẹp của con người Trà Vinh cả về tư tưởng, đạo đức, tình cảm, lối sống…
Ông Cao Quốc Dũng cho biết, thời gian tới, để ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả sự xâm nhập của văn hóa phẩm độc hại, ngành VH-TT-DL tiếp tục phối hợp với cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể các cấp trong tỉnh tăng cường lãnh đạo, quản lý, tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội, tạo phong trào quần chúng sâu rộng, ngăn chặn, đẩy lùi sự xâm nhập và tác động tiêu cực của các sản phẩm văn hóa độc hại từ bên ngoài xâm nhập. Xây dựng, nâng cao ý thức cảnh giác, năng lực nhận biết, bày trừ thông tin xấu, độc cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân trước sự xâm nhập, tác động của các sản phẩm văn hóa độc hại.
Cùng với đó, tăng cường công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra thường xuyên, liên tục trên các lĩnh vực phim, ảnh, sách, báo, bài hát, tác phẩm văn học - nghệ thuật mang tính phản động, đồi trụy, kích động bạo lực để chống lại các tác động tiêu cực của văn hóa phẩm độc hại, góp phần giữ gìn văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam nói chung và đời sống gia đình con người Trà Vinh nói riêng. Chú trọng đào tạo đội ngũ lãnh đạo, quản lý am hiểu trên lĩnh vực văn hóa các cấp để có đủ năng lực, tham gia, chủ động, tích cực ngăn chặn, chống lại sự xâm nhập và tác động tiêu cực của các sản phẩm văn hóa độc hại.
Sở Thông tin và Truyền thông với các biện pháp kỹ thuật để đấu tranh, ngăn chặn, xử lý việc tiếp nhận, lan truyền các sản phẩm văn hóa độc hại trên internet và mạng xã hội
Từ năm 2010 đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông chủ động và phối hợp với Công an tỉnh kiểm tra, xử lý việc cung cấp, chia sẻ thông tin xấu độc trên MXH và các điểm cung cấp dịch vụ internet và trò chơi điện tử công cộng trên địa bàn tỉnh 23 cuộc đối với 381 đơn vị tổ chức và cá nhân, phát hiện 31 đơn vị vi phạm và xử phạt với số tiền 121,350 triệu đồng. Trong đó, kiểm tra các điểm cung cấp dịch vụ internet và trò chơi điện tử công cộng trên địa bàn tỉnh 14 cuộc đối với 366 đơn vị tổ chức và cá nhân, phát hiện 24 đơn vị vi phạm và xử phạt với số tiền 93,850 triệu đồng với các hành vi vi phạm chủ yếu là về điều kiện kinh doanh thực hiện chưa đúng theo quy định, qua kiểm tra chưa phát hiện trường hợp vi phạm về truy cập các nội dung thông tin xấu độc tại các điểm cung cấp dịch vụ internet và trò chơi điện tử trên địa bàn tỉnh. |
Ông Nguyễn Thanh Luân, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, sản phẩm văn hóa độc hại trên internet và mạng xã hội (MXH) thường phát tán thông qua MXH (facebook, youtube, zalo...) đã trở thành vấn đề nóng, gây bức xúc, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội, đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước phải tăng cường công tác triển khai, tuyên truyền các quy định của pháp luật về quản lý MXH, tăng cường kiểm tra phát hiện và xử lý vi phạm. Theo ông, thông tin xấu độc phát tán trên internet và môi trường mạng là những thông tin bịa đặt, sai sự thật hoặc có một phần sự thật nhưng được đưa tin với dụng ý xấu, phân tích và định hướng dư luận bằng những luận điệu sai trái. Một số thông tin chưa được kiểm chứng, thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức; thông tin soi mói, bình phẩm chủ quan chuyện đời tư của cá nhân, tổ chức, vi phạm chuẩn mực đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục, các loại phim, tài liệu đồi trụy, thông tin xuyên tạc lịch sử chống phá đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Kiểm tra việc cung cấp, chia sẻ thông tin xấu độc trên MXH 09 cuộc đối với 15 đơn vị, cá nhân, phát hiện 04 đơn vị vi phạm hành chính và xử phạt với số tiền 27,5 triệu đồng. Bên cạnh đó, Sở Thông tin và Truyền thông còn phát hiện các đối tượng vi phạm thông qua công tác theo dõi trên MXH, đơn tố cáo của cá nhân, tổ chức hoặc cơ quan hoặc cộng tác viên khác chuyển đến. Để việc sử dụng MXH đạt được hiệu quả, khai thác được thông tin hữu ích phục vụ cho học tập, công tác, nghiên cứu khoa học, vừa giao lưu, học hỏi, trao đổi lẫn nhau, không cung cấp, chia sẻ thông tin xấu độc trên môi trường mạng. Thời gian tới, Sở tiếp tục triển khai, quán triệt, tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức trong việc chấp hành tốt các quy định của pháp luật về quản lý internet và MXH thông qua kênh thông tin đại chúng (báo, đài, cổng thông tin điện tử...).
Đối với các cơ quan báo chí chính thống phải định hướng thông tin dư luận, làm tốt việc cung cấp thông tin cho báo chí trước các vấn đề nhạy cảm, thông tin cần phải làm rõ đúng, sai, giải thích định hướng dư luận; công khai thông tin cho báo chí.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát thông tin trên MXH, dịch vụ internet, thuê bao di động, sim, thẻ… qua đó, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, nhất là lực lượng công an để xử lý nghiêm những hành vi vi phạm quy định việc sử dụng, thiết lập MXH, phát tán tin xấu độc, tin nhắn rác trên môi trường mạng. Hàng ngày, hàng giờ có rất nhiều các tin tức mà bằng biện pháp thông thường (kiểm tra, theo dõi, xác minh...) thì không thể kiểm duyệt và đọc để kiểm tra, phát hiện hết các tin xấu độc. Do vậy, cần phải xây dựng phần mềm đọc, kiểm duyệt thông tin, trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật công nghệ cao để đảm bảo triển khai các biện pháp hành chính, kỹ thuật để xử lý.
KIM LOAN
Vừa qua, tại hội nghị giao ban công tác Mặt trận quý III/2024, với chủ đề “Phát huy vai trò của Mặt trận trong tham gia XDNTM, nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu”, nhiều đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp hay nhằm nâng cao chất lượng các tiêu XDNTM, NTM nâng cao, NTM mới kiểu mẫu gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh” trên địa bàn tỉnh. Phóng viên Báo Trà Vinh đã lược ghi những cách làm hiệu quả của Mặt trận các địa phương trong tham gia XDNTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.