01/09/2022 06:35
Đối với lĩnh vực nông nghiệp KHCN được xem là yếu tố then chốt làm thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa trên thị trường. Nhờ tiếp thu và áp dụng tốt các tiến bộ khoa học - kỹ thuật đó, đến nay thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện Tiểu Cần tăng hơn 3,5 lần so với năm 2012.
Công ty TNHH MTV Trà Vinh Fram sử dụng hệ thống công nghệ máy cô đặc trong chế biến mật hoa dừa.
Quán triệt Chương trình hành động của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “về phát triển KHCN, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; Ban Thường vụ Huyện ủy Tiểu Cần đã ban hành Kế hoạch số 47 để triển khai thực hiện công tác này; đồng thời chỉ đạo các chi, đảng bộ, ban, phòng, ngành huyện và xã, thị trấn xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế ở địa phương.
Theo đó, gần 10 năm qua các ngành, địa phương trong huyện đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các sở, ngành liên quan tổ chức 1.275 cuộc tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học- kỹ thuật trên các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản cho hơn 50.500 lượt người; đồng thời phân công cán bộ kỹ thuật trực tiếp tư vấn, hướng dẫn thực tế cho trên 5.383 lượt hộ dân tham gia các mô hình kinh tế để người dân từng bước chủ động trong việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, huyện Tiểu Cần phối hợp các viện, trường, công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức hàng trăm cuộc hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm về quy trình sản xuất lúa giống, lúa chất lượng cao, kỹ thuật trồng rau an toàn, trồng dưa lưới trong nhà màng, trồng cây ăn trái theo chuẩn VietGAP, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi thủy sản theo hướng an toàn cho hơn 375.000 lượt người dân tại địa phương.
Đáng chú ý, trong 10 năm qua huyện đã đầu tư gần 2,6 tỷ đồng để hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện 10 dự án ứng dụng KHCN vào sản xuất và đời sống. Ngoài ra, huyện còn kịp thời thực hiện nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, gắn với xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm đạt chuẩn OCOP; hỗ trợ nông dân ứng dụng kỹ thuật mới trong phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi.
Cụ thể như: chương trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM, hệ thống các quy trình sản xuất thâm canh lúa cải tiến SRI, sản xuất rau an toàn, ứng dụng công nghệ gieo tinh nhân tạo giống bò; sử dụng men vi sinh trong xử lý môi trường chăn nuôi, đầu tư cơ giới hóa sau thu hoạch, chế biến, bảo quản nông sản và nhiều đề tài có liên quan khác nhằm giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng lợi nhuận trong sản xuất, kinh doanh.
Trên cơ sở phát huy những thành tựu KHCN, huyện đã xây dựng được 77 mô hình sản xuất tiên tiến. Trong đó, có 46 mô hình lĩnh vực trồng trọt (quy mô 3.932,48ha); 18 mô hình lĩnh vực thủy sản; 13 mô hình lĩnh vực chăn nuôi; có 4.218 hộ tham gia thực hiện. Hầu hết các mô hình này đều mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập cho người dân.
Nổi bật nhất là mô hình ứng dụng công nghệ vi sinh, hữu cơ vi sinh, sinh học trong sản xuất lúa; mô hình trồng dừa hữu cơ; mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng; mô hình sản xuất bưởi da xanh theo chuẩn VietGAP đã tạo được nhãn hiệu, thương hiệu cho 05 sản phẩm chủ lực của địa phương: sản phẩm dừa hữu cơ, bưởi da xanh, gạo thơm, rượu nếp than và 07 sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3 - 5 sao, như mật hoa dừa, đường hoa dừa, nước uống mật hoa dừa, hạt ca cao sấy mật hoa dừa, kẹo đậu phộng, lạp xưởng, gạo an toàn.
Đại biểu tham quan hệ thống bơm tự động trong sản xuất nông nghiệp tại ấp Đại Trường, xã Phú Cần.
Bên cạnh đó, khuyến kích các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ cá thể đầu tư phát triển cơ giới hóa vào sản xuất để từng bước khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương. Hiện toàn huyện có 21.823 phương tiện máy móc các loại phục vụ sản xuất nông nghiệp; 641 máy phục vụ nuôi trồng thủy sản; 14.547 phương tiện phục vụ chăn nuôi.
Chỉ tính riêng cây lúa, trong mỗi đợt xuống giống toàn huyện có hơn 70% diện tích được sử dụng giống lúa chất lượng cao, 100% khâu làm đất, bơm tát nước và 60% khâu gieo sạ, phun thuốc bằng cơ giới, góp phần tăng hiệu suất lao động, giảm tỷ lệ hao hụt sản phẩm còn dưới 10%.
Nếu như năm 2012 tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện Tiểu Cần chỉ đạt trên dưới 1.200 tỷ đồng thì đến nay đã tăng lên khoảng 2.270 tỷ đồng/năm và thu nhập bình quân đầu người hiện nay đạt hơn 64 triệu đồng/năm, tăng hơn 3,5 lần (tương đương 45 triệu đồng) so với 10 năm trước (từ 18,5 triệu đồng năm 2012 tăng lên hơn 64 triệu đồng năm 2022).
Có thể khẳng định rằng, việc ứng dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp không chỉ làm thay đổi nhận thức và phương thức sản xuất mới, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của nền kinh tế - xã hội ở địa phương. Đây cũng là cơ sở, là cơ hội và là nền tảng để huyện Tiểu Cần tiếp tục đầu tư, phát triển cho lộ trình đô thị hóa, tiến tới xây dựng thành công các tiêu chí đô thị và trở thành thị xã trực thuộc tỉnh vào năm 2025 theo tinh thần Nghị quyết số 07 của Tỉnh ủy đã đề ra.
Bài, ảnh: THANH QUANG
Vừa qua, tại hội nghị giao ban công tác Mặt trận quý III/2024, với chủ đề “Phát huy vai trò của Mặt trận trong tham gia XDNTM, nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu”, nhiều đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp hay nhằm nâng cao chất lượng các tiêu XDNTM, NTM nâng cao, NTM mới kiểu mẫu gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh” trên địa bàn tỉnh. Phóng viên Báo Trà Vinh đã lược ghi những cách làm hiệu quả của Mặt trận các địa phương trong tham gia XDNTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.