14/07/2023 07:53
Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 7 - HĐND tỉnh khóa X
UBND xã Tân An, huyện Càng Long kiến nghị sớm ban hành tiêu chuẩn định mức thu, chi và bồi dưỡng thành viên Ban Quản lý chợ theo Quyết định số 27/2021/QĐ-UBND, ngày 10/12/2021 của UBND tỉnh (Trong ảnh: Một góc chợ Tân An, xã Tân An, huyện Càng Long). Ảnh: KL
Sau kỳ họp thứ 7 - HĐND tỉnh khóa X có nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, đời sống dân sinh được các cơ quan chức năng nghiêm túc tiếp thu và trả lời cụ thể.
UBND xã Tân An, huyện Càng Long kiến nghị sớm ban hành tiêu chuẩn định mức thu, chi và bồi dưỡng thành viên Ban Quản lý chợ theo Quyết định số 27/2021/QĐ-UBND, ngày 10/12/2021 của UBND tỉnh.
Việc quản lý và sử dụng nguồn thu dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại các chợ được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 27/2021/QĐ-UBND, ngày 10/12/2021 của UBND tỉnh. Sở Tài chính đã có Công văn số 1270/STC-NS, ngày 19/5/2022, hướng dẫn kinh phí hoạt động của Ban Quản lý chợ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện và Công văn số 3749/STC-NS, ngày 26/12/2022 hướng dẫn chi bồi dưỡng cho thành viên Ban Quản lý chợ.
Cử tri xã Hòa Minh, huyện Châu Thành kiến nghị xem xét điều chỉnh lại Nghị quyết (NQ) số 48/2017/HĐND, ngày 08/12/2017 của HĐND tỉnh quy định về chế độ công tác phí, hội nghị trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Vì hiện nay, ở cơ sở áp dụng theo NQ này gặp khó khăn. Đối với cán bộ bán chuyên trách đi công tác ở huyện thì có giấy đi đường, còn đi ở các ấp thì không có dấu để đóng dấu quyết toán theo quy định. Đồng thời, khoảng cách ở các ấp với xã không đến 10km do đó không thể chi công tác phí theo Nghị quyết số 48/2017/HĐND, ngày 08/12/2017 của HĐND tỉnh.
Nghị quyết số 48/2017/NQ-HĐND, ngày 08/12/2017 của HĐND tỉnh không quy định chế độ công tác phí từ xã xuống ấp, một phần lý do như kiến nghị đã nêu trên (các ấp không có con dấu để đóng dấu thanh toán công tác phí, khoảng cách các ấp với xã không đến 10km). Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 4, Điều 4 Nghị quyết số 48/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh thì đối với cán bộ cấp xã thường xuyên đi công tác lưu động trên 10 ngày/tháng thì tùy theo đối tượng, đặc điểm công tác và khả năng kinh phí, thủ trưởng cơ quan, đơn vị quy định mức khoán công tác phí theo tháng cho người đi công tác lưu động để hỗ trợ tiền gửi xe, xăng xe.
Cử tri xã Kim Sơn, huyện Trà Cú kiến nghị hỗ trợ mỗi ấp, khóm 01 bộ máy vi tính để phục vụ công tác.
Theo quy định tại Quyết định số 50/2017/QĐ-TTg, ngày 31/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ chỉ quy định tiêu chuẩn, định mức trang bị máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến của các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp xã; không quy định định mức máy móc, thiết bị cho ấp, khóm. Do đó, việc sử dụng ngân sách nhà nước để mua máy vi tính cho ấp, khóm là không đúng quy định tại Quyết định số 50/2017/QĐ-TTg, ngày 31/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Do đó trường hợp cần thiết phải hỗ trợ ấp, khóm 01 bộ máy vi tính địa phương sử dụng nguồn hợp pháp khác, như: các tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân hỗ trợ, tài trợ.
Cử tri xã An Trường A, huyện Càng Long đề nghị nâng cấp và sửa chữa mở rộng tuyến đường từ Hương lộ 39 giáp với Hương lộ 31 ngã ba gần trụ sở UBND xã An Trường A. Hiện mặt lộ quá hẹp, hư hỏng, nhiều ổ gà (từ trụ sở UBND xã đến chân cầu chợ Lo Co) xe lưu thông nhiều dễ gây tai nạn giao thông. Cử tri xã Tân Bình, huyện Càng Long kiến nghị sớm có chủ trương sửa chữa tuyến Hương lộ 31. Hiện nay đã xuống cấp, hư hỏng nhiều, Nhân dân đi lại khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Vấn đề này, Sở Giao thông vận tải đang thẩm định và trình phê duyệt hồ sơ sửa chữa, mở rộng mặt đường từ 3,5m lên 5,5m (đoạn Km11+000-Km15+400) thuộc xã An Trường A, dự kiến công trình hoàn thành trong năm 2023.
Đến nay, đơn vị quản lý tuyến đường phối hợp với địa phương đã thực hiện dặm vá ổ gà, sửa chữa cục bộ mặt đường đảm bảo luôn được êm thuận và an toàn giao thông; đồng thời, tiếp tục báo cáo cấp thẩm quyền xem xét cho phép đầu tư sửa chữa mặt đường, gia cố lề đối với các đoạn tuyến còn lại.
Cử tri xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải đề nghị thường xuyên kiểm tra tải trọng đối với các phương tiện chở hàng hóa, đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm chở quá tải nhằm hạn chế hư hỏng, xuống cấp đối với các tuyến đường giao thông liên ấp gây bức xúc và khó khăn trong việc đi lại của người dân.
Thanh tra Sở Giao thông vận tải phối hợp với địa phương thực hiện 02 cuộc kiểm tra các phương tiện chở hàng hóa trên các tuyến đường giao thông liên ấp trên địa bàn xã Ngũ Lạc (theo phân cấp thì các tuyến đường này thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương).
Qua công tác kiểm tra, có 18 trường hợp xe vận chuyển hàng hóa cơ bản đúng theo quy định. Có trường hợp 01 đơn vị đang thi công công trình đầu tư, mở rộng các tuyến đường liên xã trên địa bàn huyện Duyên Hải (thuộc ấp Trà Khúp, xã Ngũ Lạc) do huyện làm chủ đầu tư và đơn vị này có văn bản gửi đến UBND huyện Duyên Hải xin phép cho 06 phương tiện vận chuyển vật tư phục vụ thi công xây dựng công trình, đồng thời, đơn vị cam kết có trách nhiệm khắc phục hư hỏng các đường giao thông do đơn vị gây ra và đã được UBND huyện chấp thuận.
Thời gian tới, Sở Giao thông vân tải tiếp tục chỉ đạo Thanh tra Sở phối hợp với địa phương tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến lái xe, chủ phương tiện nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Cử tri xã Thạnh Hòa Sơn, huyện Cầu Ngang kiến nghị tỉnh đầu tư thêm các công trình phục vụ nuôi thủy sản (đường, cầu, cống, điện…) ở cánh đồng Tầm Vu, vì hiện nay, nhiều khu vực trong cánh đồng này sản xuất, tiêu thụ sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn, vấn đề này đã được kiến nghị nhiều lần.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với địa phương đưa danh mục các công trình phục vụ nuôi trồng thủy sản (đường, cầu, cống) vào báo cáo đề xuất Dự án Chống chịu khí hậu và chuyển đổi tổng hợp vùng đồng bằng sông Cửu Long - Dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Hiện, UBND tỉnh đã có Công văn số 698/UBND-NN, ngày 27/02/2023 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Riêng về đầu tư điện, do chương trình Dự án Chống chịu khí hậu và chuyển đổi tổng hợp vùng đồng bằng sông Cửu Long tỉnh Trà Vinh được Bộ Tài chính có ý kiến không đầu tư các hạng mục công trình điện phục vụ sản xuất. Trên cơ sở đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh có Công văn số 1587/UBND-THNV, ngày 19/4/2023 chỉ đạo UBND huyện Cầu Ngang phối hợp với Sở Công thương xem xét, giải quyết kiến nghị của cử tri.
Cử tri Phường 2, thị xã Duyên Hải phản ánh, hiện nay, những hộ dân tận dụng mặt nước trên sông Long Toàn để nuôi hàu, cá bớp và các loại cá khác. Tuy nhiên, ngành chức năng chưa có quy định cụ thể đối với trường hợp trên nên thực tế có tình trạng tranh chấp giữa các hộ nuôi, bên cạnh đó, việc đầu tư không đồng bộ làm ảnh hưởng đến giao thông thủy. Đề nghị các ngành chức năng có quy định cụ thể đối với các loại hình nuôi thủy hải sản trên.
Để có cơ sở hướng dẫn nuôi thủy sản lồng, bè trên các tuyến sông, hạn chế tranh chấp giữa các hộ nuôi và không ảnh hưởng đến giao thông thủy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng hướng dẫn tạm thời điều kiện, quản lý hệ thống công trình và kỹ thuật nuôi thủy sản lồng, bè trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.
Khi hướng dẫn tạm thời được ban hành là cơ sở để các địa phương triển khai thực hiện, hướng dẫn người dân nuôi thủy sản lồng, bè áp dụng vào hoạt động sản xuất, hạn chế việc tranh chấp và ảnh hưởng đến giao thông thủy. Đồng thời, các địa phương xây dựng kế hoạch nuôi thủy sản lồng bè cho từng huyện, thị xã.
Riêng trên địa bàn thị xã Duyên Hải, UBND thị xã Duyên Hải đang trong giai đoạn xây dựng kế hoạch nuôi thủy sản lồng bè và lấy ý kiến các sở, ngành địa phương. Khi kế hoạch được phê duyệt là cơ sở để quản lý và cấp giấy xác nhận đăng ký nuôi theo quy định của pháp luật.
Cử tri xã Tân Hùng, huyện Tiểu Cần phản ánh bờ kè chống sạt lở đất tại chùa Prek Tung, Ấp Sáu, xã Tân Hùng đã được thi công giai đoạn I và II nhưng còn một đoạn chưa thi công. Đề nghị sớm triển khai thi công đoạn còn lại.
Ngày 21/9/2022, UBND tỉnh có Công văn số 4273/UBND-NN, ngày 21/9/2022 giao UBND huyện Tiểu Cần phối hợp với chùa Prek Tung có giải pháp khắc phục tình trạng sạt lở; đồng thời, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, đề xuất UBND tỉnh bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để làm cơ sở bố trí kinh phí đầu tư trong năm 2023.
UBND huyện Tiểu Cần đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với đơn vị tư vấn thiết kế, UBND xã Tân Hùng và chùa Prek Tung thực hiện khảo sát hiện trạng, thiết kế công trình nhằm khắc phục sạt lở và đồng bộ với công trình đã đầu tư giai đoạn trước, tổng mức đầu tư 14,995 tỷ đồng, thời gian thực hiện năm 2023 - 2024. Trên cơ sở đó, có Công văn số 611/UBND-KTKT, ngày 08/3/2023 gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để đề xuất UBND tỉnh trình HĐND tỉnh bổ sung dự án vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn vốn ngân sách tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 đã được giao chi tiết hết cho các công trình, dự án. Theo quy định của Luật Đầu tư công năm 2019, Nghị định số 40/2020/NĐ-CP, “năm thứ ba của kế hoạch đầu tư công trung hạn, báo cáo tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công trung hạn giữa kỳ” để xác định nguồn vốn ngân sách địa phương (ngân sách tỉnh), khi cân đối được nguồn vốn, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Cử tri thị trấn Cầu Ngang, huyện Cầu Ngang đề nghị sửa đổi Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐND, ngày 09/01/2015 của HĐND tỉnh quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Trà Vinh theo hướng tăng thêm mức chi thù lao cho hòa giải viên trực tiếp tham gia các vụ, cụ thể: hòa giải thành 400.000 đồng/vụ, hòa giải không thành 200.000 đồng/vụ.
Thực hiện Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP, ngày 30/7/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở được HĐND tỉnh cụ thể hóa tại Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐND, ngày 09/01/2015 quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở. Theo Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐND, quy định mức chi tối đa cho hòa giải thành 200.000 đồng/vụ, việc; không thành 150.000 đồng/vụ, việc.
Liên quan đến mức chi cho vụ, việc hòa giải thành và không thành, tiếp thu ý kiến phản ánh của cử tri về tăng mức chi đối với hòa giải ở cơ sở, Sở Tư pháp có đề xuất, kiến nghị với Bộ Tư pháp xem xét vấn đề này. Ngày 31/10/2022, Bộ Tài chính có Công văn số 11228/BTC-HCSN về việc tham gia ý kiến dự thảo Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung khoản 19 Điều 4 của Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP, cụ thể về mức chi lấy ý kiến đóng góp như sau:
“19. Chi thù lao cho hòa giải viên (đối với các hòa giải viên trực tiếp tham gia vụ, việc hòa giải): mức chi tối đa 300.000 đồng. Trường hợp vụ, việc hòa giải thành theo Điều 24 Luật Hòa giải ở cơ sở: mức chi tối đa 400.000 đồng/vụ, việc”.
Ngày 04/11/2022, Chủ tịch UBND tỉnh có Công văn số 4995/UBND-KT giao Giám đốc Sở Tài chính phối hợp với Sở Tư pháp và các đơn vị có liên quan nghiên cứu, tham gia góp ý dự thảo Thông tư nêu trên. Qua đó, Sở Tư pháp phối hợp với các địa phương đóng góp dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung khoản 19 Điều 4 của Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP. Kết quả, có văn bản đóng góp ý kiến gửi Sở Tài chính tổng hợp gửi Bộ Tài chính, cụ thể như sau:
“Chi thù lao cho hòa giải viên (đối với các hòa giải viên trực tiếp tham gia vụ, việc hòa giải): mức chi tối đa 350.000 đồng/vụ, việc. Trường hợp vụ, việc hòa giải thành theo Điều 24 Luật hòa giải ở cơ sở: mức chi tối đa 500.000 đồng/vụ,việc”.
Tuy nhiên, đến nay Bộ Tài chính vẫn chưa ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung khoản 19 Điều 4 của Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP nên chưa có cơ sở đề xuất UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐND theo kiến nghị của cử tri thị trấn Cầu Ngang, huyện Cầu Ngang.
Cử tri xã Long Hiệp, huyện Trà Cú kiến nghị có chính sách hỗ trợ phụ cấp cho giáo viên dạy Pali tại các điểm chùa.
Nhiều năm qua, tỉnh Trà Vinh luôn tạo điều kiện trong việc tổ chức dạy và học tiếng Khmer bằng nhiều hình thức khác nhau nhằm bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết của đồng bào Khmer, trong đó, có việc hỗ trợ tiền cho giáo viên dạy bổ túc tiếng Khmer trong dịp hè tại các điểm chùa Phật giáo Nam tông Khmer trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 13/2020/NQ-HĐND, ngày 09/11/2020 của HĐND tỉnh.
Riêng đối với việc dạy Pali tại các điểm chùa, UBND tỉnh ghi nhận và đã giao Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp với Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước tỉnh, các sở, ngành có liên quan tổ chức khảo sát tình hình dạy Pali tại các điểm chùa (số lượng lớp, người dạy, số tiết học, nội dung chương trình giảng dạy) để báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh xem xét về mặt chủ trương.
Cử tri xã Phong Phú, huyện Cầu Kè kiến nghị xem xét nâng mức hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa nhà ở cho gia đình chính sách và người có công. Hiện nay, vật tư xây dựng và tiền công thợ tăng cao nhưng mức hỗ trợ cho xây mới 50 triệu đồng/căn, sửa chữa 25 triệu đồng/căn quá thấp, đối với những người có hoàn cảnh khó khăn thì không xây dựng được một căn nhà. Vì vậy, kiến nghị tăng mức hỗ trợ xây dựng mới 80 triệu đồng/căn và sửa chữa 50 triệu đồng căn, vấn đề này đã được kiến nghị nhiều lần.
Ngày 31/3/2022, UBND tỉnh có Công văn số 1261/UBND-CNXD gửi Bộ Xây dựng về việc báo cáo nhà ở đối với người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh, trong đó, có đề xuất Bộ Xây dựng xem xét trình Thủ tướng Chính phủ nâng mức hỗ trợ nhà ở cho người có công đối với xây mới là 100 triệu đồng/01 căn và sửa chữa là 50 triệu đồng/01 căn.
Hiện nay, Trung ương chưa ban hành chính sách hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ giai đoạn 2021 - 2025. Khi Trung ương ban hành chính sách, tỉnh sẽ triển khai thực hiện việc hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng theo quy định.
KIM LOAN (tổng hợp).
Vừa qua, tại hội nghị giao ban công tác Mặt trận quý III/2024, với chủ đề “Phát huy vai trò của Mặt trận trong tham gia XDNTM, nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu”, nhiều đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp hay nhằm nâng cao chất lượng các tiêu XDNTM, NTM nâng cao, NTM mới kiểu mẫu gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh” trên địa bàn tỉnh. Phóng viên Báo Trà Vinh đã lược ghi những cách làm hiệu quả của Mặt trận các địa phương trong tham gia XDNTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.