12/07/2023 13:05
Trên cơ sở báo cáo của UBND tỉnh về kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri trước và sau kỳ họp thứ 7 và các ý kiến, kiến nghị của cử tri còn tồn đọng tại các kỳ họp trước, báo cáo thẩm tra của các ban HĐND tỉnh, trước và sau kỳ họp thứ 7 - HĐND tỉnh khóa X và các ý kiến, kiến nghị của cử tri còn tồn đọng tại các kỳ họp trước, tổng số có 51 ý kiến, kiến nghị của cử tri.
Kết quả, có 29 ý kiến, kiến nghị của cử tri được trả lời thỏa đáng; 15 ý kiến, kiến nghị của cử tri được trả lời đang thực hiện hoặc sẽ thực hiện trong thời gian tới; 03 ý kiến, kiến nghị của cử tri được trả lời đang chờ Chính phủ phân bổ vốn nên chuyển Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh xem xét kiến nghị Chính phủ; 03 ý kiến, kiến nghị của cử tri cần được UBND tỉnh làm rõ và có ý kiến chỉ đạo thực hiện; 01 kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền cấp huyện, chuyển về huyện theo dõi kết quả thực hiện.
Trước kỳ họp thứ 7 - HĐND tỉnh khóa X có 12 ý kiến, kiến nghị được các cơ quan chức năng nghiêm túc tiếp thu và trả lời cụ thể.
Cử tri xã An Trường A, huyện Càng Long đề nghị khảo sát và có biện pháp khắc phục các hương lộ trên địa bàn xã do hiện nay ổ gà xuất hiện rất nhiều.
Vấn đề này Sở Giao thông vận tải đã chỉ đạo đơn vị quản lý phối hợp với địa phương tiến hành kiểm tra, thực hiện dặm vá ổ gà, sửa chữa mặt đường kịp thời nhằm đảm bảo mặt đường luôn được êm thuận góp phần đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến. Tỉnh đã phân bổ kinh phí đầu tư sửa chữa mặt đường, gia cố lề đối với tuyến Đường huyện 31, đoạn từ Km11+00 đến Km15+400, với tổng chiều dài khoảng 4,4km (đoạn từ trung tâm xã An Trường A đến giáp ranh xã Tân Bình), dự kiến hoàn thành trong năm 2023.
Cử tri xã Bình Phú, huyện Càng Long đề nghị hỗ trợ lắp đặt cột đèn vàng giao thông hoặc biển báo ở tuyến đường Vườn cây ăn trái để người dân tham gia giao thông an toàn hơn.
Tuyến đường vườn cây ăn trái (Hương lộ 3) giai đoạn 1 được đầu tư và đưa vào sử dụng năm 2020 với quy mô 02 làn xe, trên tuyến có giao cắt với tuyến Hương lộ 7 và nhiều đường nông thôn của địa phương. Để nâng cao tính an toàn giao thông, trong năm 2022 Ban An toàn giao thông tỉnh đã lắp đặt đèn tín hiệu cảnh báo tại vị trí giao cắt với Hương lộ 7.
Giai đoạn 2 của dự án Tuyến đường vườn cây ăn trái đầu tư thêm 02 làn xe và có bố trí dãy phân cách cứng phân cách với 02 làn xe đã đầu tư của giai đoạn 1, khi dự án hoàn thành (04 làn xe) thì sẽ bố trí giao thông 02 làn tách biệt và lưu thông cùng chiều, các xe từ các đường nhánh vào đường chính chỉ tách, nhập dòng (chạy theo 01 hướng) và chỉ được quay đầu xe tại những vị trí cho phép. Ngoài ra, theo hồ sơ dự án còn bố trí đầy đủ hệ thống an toàn giao thông (gờ giảm tốc, biển báo, cọc tiêu, tường hộ lan...). Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh (chủ đầu tư) đã khởi công công trình trong tháng 12/2022 và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2024.
Cử tri xã Bình Phú, huyện Càng Long đề nghị hỗ trợ lắp đặt cột đèn vàng giao thông hoặc biển báo ở tuyến đường Vườn cây ăn trái để người dân tham gia giao thông an toàn hơn (Trong ảnh: tuyến đường Vườn cây ăn trái đoạn đi qua địa bàn xã Bình Phú, huyện Càng Long). Ảnh: KL
Cử tri xã Hiệp Mỹ Đông, huyện Cầu Ngang đề nghị xem xét điều chỉnh, mở rộng khúc cua Hương lộ 35 sau cổng chào xã Hiệp Mỹ Đông, đảm bảo an toàn giao thông.
Sở Giao thông vận tải đã chỉ đạo đơn vị quản lý phối hợp với địa phương tiến hành khảo sát, điều chỉnh lại đường cong đối với đoạn tuyến sau cổng chào xã Hiệp Mỹ Đông trên tuyến Đường huyện 35 góp phần đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến theo kiến nghị của cử tri.
Cử tri xã Thông Hòa, huyện Cầu Kè đề nghị sớm có kế hoạch phân bổ vốn làm đê bao Trà Mẹt, xã Thông Hòa đến giáp xã Hựu Thành, huyện Trà Ôn (kênh Trà Ngoa) vì hàng năm triều cường dâng làm ngập úng hoa màu và vườn cây ăn trái của người dân gây thất thoát lớn trong sản xuất, trồng trọt.
Tuyến sông Trà Mẹt có chiều dài 1.000m chưa có đê bao giữ nước, những năm gần đây do triều cường dâng cao, gây ngập úng nhà cửa của 45 hộ dân và 85ha diện tích cây ăn trái và hoa màu. Để đảm bảo cơ sở hạ tầng, bảo vệ vườn cây ăn trái của người dân trên địa bàn xã, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đề nghị UBND huyện Cầu Kè, trước mắt sử dụng nguồn vốn sự nghiệp của đơn vị để đắp tạm tuyến bờ bao chống tràn. Về lâu dài, Sở NN-PTNT đề xuất bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Cử tri thị trấn Cầu Quan, huyện Tiểu Cần đề nghị nâng cấp 03 tuyến đê bao được Sở NN-PTNT đầu tư và đưa vào sử dụng năm 2021. Do hàng năm triều cường ngày càng dâng cao nhưng độ cao đê bao chưa phù hợp, nước tràn vào gây ngập úng, thiệt hại cây trái, hoa màu của người dân.
Công trình Nâng cấp hệ thống đê bao chống triều cường khu vực các huyện Châu Thành, Tiểu Cần và thành phố Trà Vinh thực hiện theo hình thức người dân hiến đất để thực hiện dự án, công trình thiết kế với cao độ +2,8m cơ bản đảm bảo ngăn triều cường, do các tuyến đê bao gần với bờ sông nếu thực hiện cao độ đê bao quá lớn, cùng với nền đất chưa ổn định rất dễ gây sạt trượt mái đê bao.
Ngày 24/11/2022, Sở NN-PTNT cùng với nhà thầu thi công phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra 03 tuyến đê bao, qua kiểm tra khoảng 100m đê bao thị trấn Cầu Quan bị lún mặt đê thấp hơn so với cao độ thiết kế, cuối tháng 12/2022 đã được khắc phục sửa chữa hoàn thành.
Cử tri thị trấn Cầu Quan và xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần phản ánh trên các tuyến kênh cấp 1, cấp 2 hiện nay lục bình và cỏ rác dày đặc. Đề nghị xem xét hỗ trợ kinh phí cho địa phương trục vớt, khơi thông dòng chảy phục vụ sản xuất và bảo vệ môi trường.
Hiện, Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi đã thuê đơn vị tư vấn xây dựng định mức trục vớt lục bình, đang trình các cơ quan liên quan thẩm định, sau đó trình UBND tỉnh phê duyệt. Trước mắt, để xử lý lục bình trên các tuyến kênh, địa phương cần huy động lực lượng tại chỗ để trục vớt lục bình ở những nơi cần thiết để khơi thông dòng chảy.
Cử tri xã Định An, huyện Trà Cú kiến nghị sớm phân bổ nguồn vốn và thi công công trình tuyến đê bao cục bộ thuộc ấp Giồng Giữa - Giồng Lớn B, xã Định An với tổng chiều dài khoảng 6.000m.
Hàng năm, triều cường lên cao ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp khoảng 200ha khu vực này. Đồng thời kiến nghị xem xét hỗ trợ di dời nhà ở khẩn cấp cho 34 hộ dân ngoài đê quốc phòng và sớm có phương án chống sạt lở nhằm bảo vệ tính mạng của người dân. Hiện nay, khu vực ven sông đã sạt lở sâu đến sát khu vực các hộ dân đang sinh sống, nguy cơ tiếp tục sạt lở nhà ở của hộ dân. Ngày 22/3/2023, Sở NN-PTNT có Công văn số 523/SNN-VP gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc đề nghị điều chỉnh, bổ sung cơ sở dữ liệu bản đồ thuộc các phương án lĩnh vực ngành NN-PTNT tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Trà Vinh. Đã đề xuất dự án đê, kè ven Sông Hậu, xã Định An, huyện Trà Cú đến xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè (dài 46km) thuộc nội dung “Phương án phát triển thủy lợi, đê điều, phòng chống triều cường của tuyến sông có đê và phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Trà Vinh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050”, khi dự án được triển khai thực hiện sẽ kiểm soát được ngập úng cục bộ thuộc ấp Giồng Giữa - Giồng Lớn B, xã Định An.
Sở NN-PTNT đã tham mưu UBND tỉnh trình Bộ NN-PTNT hỗ trợ kinh phí thực hiện di dân khẩn cấp khu vực sạt lở nguy hiểm xã Định An, huyện Trà Cú và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số105/QĐ-TTg, ngày 31/12/2022. Đến nay dự án đã hoàn thành công tác thiết kế bản vẽ thi công - tổng dự toán, dự kiến công trình hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng trong tháng 12/2023.
Cử tri xã Hàm Giang, huyện Trà Cú kiến nghị sớm thi công công trình bờ kè sau Trường THCS Hàm Giang, hiện đã sạt lở sâu.
Ngày 21/11/2022, Sở NN-PTNT phối hợp với các sở, ngành cùng các đơn vị có liên quan và chính quyền địa phương tiến hành khảo sát khu vực sạt lở, qua khảo sát đoạn sạt lở ảnh hưởng đến Trường THCS Hàm Giang và 03 căn nhà của người dân. Sở Khoa học và Công nghệ đang thuê đơn vị tư vấn thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học “Đánh giá, dự báo chế độ dòng chảy (lưu lượng, mực nước, chất lượng nước) và diễn biến bồi xói tuyến sông Cổ chiên và sông Hậu tỉnh Trà Vinh”, khi dự án được phê duyệt chính thức, Sở NN-PTNT căn cứ kết quả nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh lập dự án khắc phục sạt lở mang tính bền vững và hiệu quả lâu dài.
Sở NN-PTNT đề nghị UBND huyện Trà Cú trước mắt chỉ đạo xã tổ chức cắm biển cảnh báo sạt lở để người dân biết, chủ động phòng tránh; tuyên truyền vận động người dân di dời, không sinh hoạt tại khu vực nhà sau (vị trí đang diễn ra sạt lở), phối hợp với Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh Trà Vinh xem xét lập quy trình vận hành cống phù hợp nhằm hạn chế sạt lở phát sinh thêm trong thời gian tới.
Cử tri xã Huyền Hội, huyện Càng Long phản ánh khi người dân bị bệnh, nhập viện phải mổ, mặc dù có bảo hiểm y tế (BHYT) nhưng bệnh viện buộc phải đóng tạm ứng viện phí trước (sau khi ra viện trừ các khoản chi phí phải thu, còn dư thì trả lại). Nếu bệnh nguy hiểm đến tính mạng, cần mổ gấp nhưng chi phí ca mổ lớn, không có tiền tạm ứng trước, nhiều người dân là hộ nghèo phải đi vay mượn để đóng kịp thời tiền tạm ứng. Tình trạng này rất khó khăn cho người dân vì phải gánh thêm khoản nợ. Đề nghị xem xét tháo gỡ và có chính sách hỗ trợ các đối tượng trên.
Hiện, các bệnh viện trong tỉnh thực hiện thu đúng chi phí khám bệnh, chữa bệnh đã được phê duyệt. Căn cứ Chỉ thị số 06/CT-BYT, ngày 29/3/2016, của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc tăng cường bảo đảm chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh khi thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc; trong đó, tại khoản 5, Mục II Chỉ thị số 06/CT-BYT chỉ đạo giám đốc các bệnh viện, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: “không thu tiền tạm ứng đối với người bệnh bảo hiểm y tế khi khám bệnh, không thu thêm các chi phí đã kết cấu trong giá dịch vụ, trừ các chi phí chưa tính vào giá dịch vụ và phần đồng chi trả của người bệnh có bảo hiểm y tế theo quy định hoặc phần chênh lệch giữa giá thanh toán với cơ quan bảo hiểm xã hội và giá khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu.”
Thực hiện Chỉ thị này, các bệnh viện không thu tiền tạm ứng đối với tất cả bệnh nhân đến khám và điều trị ngoại trú, đặc biệt là bệnh nhân cấp cứu (có thẻ và không có thẻ BHYT). Đối với bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú, bệnh viện có thu tạm ứng của các bệnh nhân có thẻ BHYT trong các trường hợp sau: thẻ BHYT đồng chi trả (bệnh nhân đóng 05% hoặc 20%). Khi bệnh nhân được thực hiện các dịch vụ kỹ thuật có mức giá chênh lệch mức giá quy định chi trả của quỹ BHYT như đặt stent mạch vành, thay khớp háng, đặt máy tạo nhịp tim… để tránh trường hợp bệnh nhân phải mất thời gian đóng tiền nhiều lần khi chi phí điều trị vượt phạm vi thanh toán của BHYT; khi kết thúc quá trình điều trị, sau khi trừ các chi phí điều trị được BHYT chi trả và người bệnh đồng chi trả các dịch vụ kỹ thuật đã thực hiện cho người bệnh, bệnh viện sẽ hoàn trả đầy đủ phần tiền thừa chi phí đã tạm ứng. Trong trường hợp người bệnh chưa có hay không có tiền đóng tạm ứng, bệnh viện vẫn tiến hành cấp cứu, điều trị đầy đủ theo phác đồ điều trị, mọi chi phí đều được giải quyết sau. Không đóng tạm ứng đối với những bệnh nhân khám bệnh, chữa bệnh có thẻ BHYT hộ nghèo được bảo hiểm y tế chi trả 100%.
Cử tri xã Long Toàn, thị xã Duyên Hải phản ánh máy xét nghiệm của Trung tâm Y tế thị xã Duyên Hải thường xuyên bị hư, không xét nghiệm máu cho bệnh nhân đến khám bệnh được mà buộc phải ra bên ngoài xét nghiệm rồi đem kết quả vào Trung tâm gây khó khăn cho người bệnh. Đề nghị sớm khắc phục tình trạng trên.
Trang thiết bị tại bệnh viện của Trung tâm Y tế thị xã Duyên Hải được đầu tư đưa vào vận hành năm 2014 (gần 09 năm) trong đó có máy xét nghiệm sinh hóa thực hiện xét nghiệm cho bệnh nhân đến khám tại Trung tâm Y tế trong thời gian qua. Từ tháng 02 - 11/2022 máy xét nghiệm sinh hóa của Trung tâm Y tế thường bị hư hỏng; Trung tâm Y tế thị xã Duyên Hải hợp đồng công ty tại Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành sửa chữa để đưa vào hoạt động (sửa nhiều lần), sau thời gian sử dụng máy xét nghiệm lại bị hư hỏng và phải sửa chữa tiếp nên gián đoạn xét nghiệm trong thời gian sửa chữa.
Để khắc phục tình trạng trên, thời gian tới Sở Y tế tham mưu trình cấp thẩm quyền mua sắm thay thế.
Cử tri xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần kiến nghị hỗ trợ BHYT cho lực lượng dân quân tự vệ ấp, khóm (chưa thuộc đối tượng được hưởng chế độ).
Căn cứ Luật Dân quân tự vệ số 48/2019/QH14; căn cứ Nghị định số 72/2020/NĐ-CP, ngày 30/06/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ, chính sách đối Dân quân tự vệ; Nghị quyết số 18/2020/NQ-HĐND, ngày 09/12/2020 của HĐND tỉnh về phê duyệt Đề án số 11/ĐA-UBND của UBND tỉnh về tổ chức lực lượng, huấn luyện, hoạt động và bảo đảm chế độ, chính sách cho Dân quân tự vệ giai đoạn 2021 - 2025; không có quy định việc trợ cấp bảo hiểm y tế cho lực lượng dân quân tự vệ ấp, khóm.
Ngày 17/3/2023, Ban soạn thảo Nghị định của Bộ Quốc phòng có Công văn số 235/BST-DQ yêu cầu đóng góp dự thảo Tờ trình Chính phủ và dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã tổ chức lấy ý kiến và có văn bản đóng góp, đồng thời kiến nghị trợ cấp bảo hiểm y tế cho lực lượng dân quân tự vệ ấp, khóm.
KIM LOAN (tổng hợp).
Vừa qua, tại hội nghị giao ban công tác Mặt trận quý III/2024, với chủ đề “Phát huy vai trò của Mặt trận trong tham gia XDNTM, nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu”, nhiều đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp hay nhằm nâng cao chất lượng các tiêu XDNTM, NTM nâng cao, NTM mới kiểu mẫu gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh” trên địa bàn tỉnh. Phóng viên Báo Trà Vinh đã lược ghi những cách làm hiệu quả của Mặt trận các địa phương trong tham gia XDNTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.