03/02/2022 05:41
Một góc điện gió vùng ven biển Trà Vinh. Ảnh: TRẦN ĐIỀN
Năm 2022, tỉnh Trà Vinh long trọng tổ chức kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh (1992 - 2022). Đây là sự kiện đặc biệt quan trọng gắn liền với sự đổi mới và phát triển chung của cả nước, vừa có ý nghĩa cho tỉnh Trà Vinh, vì lần đầu tiên từ khi tỉnh được thành lập (1900) cho đến nay, trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử đấu tranh giành độc lập tự do, thoát khỏi chế độ phong kiến, thực dân, đế quốc, năm 1975 tỉnh Trà Vinh cùng cả nước giải phóng miền Nam Việt Nam, thống nhất Tổ quốc, đầu năm 1976 Trà Vinh sáp nhập với tỉnh Vĩnh Long thành tỉnh Cửu Long, cùng với cả nước ra sức xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện tình hình chính trị xã hội trên thế giới diễn biến phức tạp, khôn lường, các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô gặp nhiều khó khăn trong đường lối lãnh đạo, đứng trước bờ vực sụp đổ, Việt Nam bị Mỹ bao vây cấm vận, chiến tranh biên giới Tây Nam và phía Bắc nước ta gây ra nhiều đau thương mất mát kéo dài nhiều năm rất phức tạp, kinh tế, an ninh quốc phòng, trật tự, xã hội đời sống Nhân dân vô cùng khó khăn.
Cho đến Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần VI (1986), lần VII (1991) đề ra đường lối đổi mới và cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để nước Việt Nam đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng không ngừng lớn mạnh cho đến ngày nay. Trong tình hình chung đó, cuối năm 1991, tỉnh Cửu Long được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khóa VIII) quyết định tách thành hai tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long và tỉnh Trà Vinh chính thức hoạt động tháng 5/1992.
Ba mươi năm qua (1992 - 2022) thực hiện đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam và nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bằng tiềm năng, thế mạnh của riêng mình và sự nỗ lực, phấn đấu không mệt mỏi của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tỉnh Trà Vinh đã đạt được những thành tựu nổi bật:
Trước hết là đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội: tỉnh Trà Vinh khi mới tái lập là một tỉnh nghèo, thu nhập bình quân đầu người thấp nhất so với 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long, một tỉnh có một phần ba dân số là đồng bào Khmer (hơn 260.000). Là một tỉnh thuần nông, hạ tầng kinh tế xã hội thấp, kém, nhất là thủy lợi, giao thông, điện, nước sạch, trường học, trạm xá… hộ nghèo cao (đồng bào Khmer chiếm trên 50% hộ nghèo trong tổng số hộ Khmer).
Tỉnh xác định cơ cấu kinh tế là nông - ngư - công nghiệp - dịch vụ, đầu tư, hạ tầng kinh tế - xã hội là khâu đột phá để phát triển, nhất là thủy lợi, giao thông, điện… nâng cao trình độ văn hóa, kiến thức khoa học- kỹ thuật, nguồn nhân lực… Ba mươi năm qua, hệ thống thủy lợi (ngăn mặn, giữ ngọt) đã xây dựng tương đối hoàn chỉnh phục vụ phát triển hai vụ lúa, một vụ màu thâm canh tăng vụ, nâng cao chất lượng cây trồng, vật nuôi. Về thủy sản đã quy hoạch vùng nuôi tôm, cá nước mặn, lợ, ngọt nên không ngừng nâng cao diện tích, sản lượng nuôi tôm, cá… đi đôi mở rộng đánh bắt hải sản trên Biển Đông. Từ đó giá trị nông nghiệp, thủy sản không ngừng tăng, năm 2021 đạt giá trị trên 27.800 tỷ đồng, tăng gần 39 lần so với năm 1992.
Về công nghiệp và dịch vụ có sự phát triển vượt bậc. Năm 1992 giá trị sản xuất ngành công nghiệp chỉ đạt 270 tỷ đồng, chủ yếu ngành chế biến lương thực, thực phẩm. Năm 2020 đạt trên 37.000 tỷ đồng, thương mại dịch vụ năm 1992 đạt trên 700 tỷ đến năm 2021 đạt trên 33.000 tỷ đồng. Tỉnh được Thủ tướng chính phủ phê duyệt “Khu Kinh tế Định An” là một trong 12 khu kinh tế biển của cả nước. Hiện nay tại “Khu Kinh tế Định An” đã xây dựng hoàn thành “Trung tâm nhiệt điện Duyên Hải” có tổng công suất trên 4.490MW, hoàn thành xây dựng 05 dự án “điện gió”, tổng công suất 320MW, 01 dự án điện năng lượng mặt trời đi vào hoạt động với công suất 140MW, bổ sung nguồn điện sạch cho điện lưới quốc gia. Đã xây dựng luồng tàu biển cho tàu có trọng tải 20.000 - 30.000 tấn từ Biển Đông vào Sông Hậu đang khai thác vận chuyển hàng hóa. Ngoài ra đang xây dựng cảng biển nước sâu cho tàu có trọng tải 20.000 - 30.000 tấn cập bến. Ngoài “Khu Kinh tế biển Định An” tỉnh đã xây dựng, lấp đầy các cơ sở sản xuất công nghiệp ở Khu Công nghiệp xã Long Đức, kêu gọi đầu tư Khu Công nghiệp Cầu Quan, Cổ Chiên. Giá trị công nghiệp toàn tỉnh năm 2021 đạt gần 40.000 tỷ đồng.
Để phát triển nông, ngư, công nghiệp và dịch vụ, tỉnh đã huy động mọi nguồn vốn phát triển hạ tầng kinh tế xã hội. Đến nay đã cơ bản hoàn thành dự án thủy lợi “Nam sông Măng Thít” do nguồn vốn nước ngoài tài trợ, xây dựng xong hệ thống cống và đê bao ngăn mặn, giữ ngọt cặp Sông Tiền, Sông Hậu từ huyện Trà Ôn, Vũng Liêm (Vĩnh Long) xuống tới huyện Duyên Hải (Trà Vinh), song song xây dựng hệ thống thủy lợi nhỏ đưa nước tới ruộng phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Đi đôi thủy lợi, hệ thống giao thông nông thôn trước đây chủ yếu là đường đất nay đều được nhựa hóa, bê-tông hóa 100%.
Đường liên tỉnh, liên huyện, liên xã đều nhựa hóa xe hơi đến được trung tâm xã (năm 1992 chỉ có 20km đường láng nhựa nằm trên Quốc lộ 53). Riêng Quốc lộ 53, 54 từng bước được nâng cấp, mở rộng, quốc lộ 60 xây dựng xong cầu Cổ Chiên bắc qua sông Tiền nối liền Trà Vinh qua Bến Tre, lên Thành phố Hồ Chí Minh. Riêng cầu vượt Sông Hậu nối liền Trà Vinh với Sóc Trăng và đường Nam Sông Hậu (đồng bằng sông Cửu Long) đã quy hoạch, xây dựng trong nhiệm kỳ 2021 - 2025. Gắn liền với thủy lợi, giao thông, Trà Vinh phát triển mạng lưới điện, nước sạch nông thôn phục vụ sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân. Đến nay đã cơ bản điện khí hóa nông thôn gần 100% hộ nông dân được sử dụng điện lưới quốc gia và nước sạch.
Văn hóa xã hội ngày càng ổn định và phát triển. Nổi bật là hệ thống giáo dục phát triển vượt bậc, năm 2020 tỉnh đã hoàn thành phổ cập tiểu học và trung học sơ sở đến xã ấp. Đặc biệt, tỉnh có trường Đại học, trường cao đẳng nghề mà từ trước đến nay chưa có, hằng năm tuyển sinh hàng ngàn sinh viên. Trường Đại học Trà Vinh là trường đại học duy nhất trong cả nước được chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ mở Khoa Ngôn ngữ Văn hóa Khmer Nam Bộ tuyển sinh trong cả nước và đào tạo sinh viên cho nước bạn Cam-Pu-Chia.
Riêng các huyện có đông đồng bào Khmer có trường dân tộc nội trú dạy tiếng Khmer. Đời sống kinh tế văn hóa truyền thống không ngừng được củng cố, tăng cường. Kinh tế, xã hội phát triển, đời sống nhân dân được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người tăng, năm 2021 đạt trên 63 triệu đồng, hộ nghèo giảm còn 1,8%, trong Khmer còn 3,2%. Tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội ổn định, truyền thống đoàn kết Kinh, Khmer, Hoa không ngừng được củng cố, tăng cường. Riêng đại dịch Covid-19 năm 2020 - 2021 diễn biến phức tạp trên cả nước, tỉnh Trà Vinh cơ bản quản lý được dịch bệnh. Nhân dân Trà Vinh đã đoàn kết giúp đỡ nhau chống dịch bệnh, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước, giữ vững trật tự xã hội, kiểm soát tốt dịch bệnh.
Quá trình đổi mới và phát triển là quá trình công nghiệp hóa tỉnh nhà. Hiện thành phố Trà Vinh được chính phủ công nhận là thành phố loại II, trực thuộc tỉnh, thị xã Duyên Hải, Tiểu Cần là đô thị loại IV thuộc tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 03 huyện Tiểu Cần, Cầu Kè, Càng Long được công nhận hoàn thành huyện nông thôn mới, thị xã Duyên Hải và thành phố Trà Vinh được công nhận nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Tỉnh phấn đấu trước năm 2025 toàn tỉnh hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
Qua “30 năm đổi mới và phát triển” bộ mặt kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Trà Vinh đã có nhiều thay đổi, đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên, đặc biệt vùng đồng bào Khmer có nhiều biến đổi, đường sá đi lại thuận tiện, bê tông hóa, nhựa hóa đến tận vùng nông thôn sâu, ven biển, ven Sông Tiền, Sông Hậu, nhà ở trước đây chủ yếu bằng tre lá, nay xây tường lọp tol, ngói. Thành phố Trà Vinh, thị xã, các thị trấn từng bước đô thị hóa, phóng khoáng, sạch đẹp. Truyền thống đoàn kết Kinh - Khmer - Hoa không ngừng được củng cố, tăng cường, an ninh chính trị, trật tự xã hội được đảm bảo. Ngân sách tỉnh năm 1992 chỉ 40 tỷ, năm 2021 thu gần 16.500 tỷ đồng (thu nội địa gần 5.000 tỷ đồng). Đạt được thành quả đó là nhờ sự đổi mới, nỗ lực quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, được sự chỉ đạo, hỗ trợ có hiệu quả của Trung ương, Chính phủ và các Ban, Bộ ngành Trung ương, sự hợp tác, giúp đỡ của các tỉnh, thành bạn. Đó là quá trình Tỉnh quy hoạch, đào tạo cán bộ, phát triển đội ngũ cán bộ, đảng viên tăng cả số và chất lượng, trẻ hóa đội ngũ cán bộ, tăng cán bộ Khmer và nữ.
Năm 1992 toàn tỉnh có trên 8.000 đảng viên chiếm 1,1% dân số, đến năm 2021 tỉnh có trên 46.200 đảng viên, chiếm 4,5% dân số. Riêng Tỉnh ủy Trà Vinh hạt nhân lãnh đạo của Tỉnh năm 1992 được Bộ Chính trị chỉ định Tỉnh ủy gồm 22 đồng chí, Ban Thường vụ có 04 đồng chí. Qua 7 lần Đại hội Tỉnh Đảng bộ đã bầu đủ số lượng Tỉnh ủy viên và Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy theo quy định. Điều đáng mừng là qua 30 năm đổi mới và phát triển, Tỉnh ủy Trà Vinh được Đại hội Đảng toàn quốc bầu 07 đồng chí trong Tỉnh ủy vào Ban Chấp hành Trung ương, trong đó có 03 đồng chí đảng viên là cán bộ Khmer.
Kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Trà Vinh, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tỉnh Trà Vinh quyết tâm thực hiện đường lối Đại hội Đảng toàn quốc lần XIII đưa tỉnh Trà Vinh vươn lên xứng đáng với truyền thống “Trà Vinh anh hùng” trong kháng chiến, đạt nhiều thành tựu to lớn hơn trong hòa bình xây dựng chủ nghĩa xã hội.
BÙI QUANG HUY
(nguyên Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh)
Vừa qua, tại hội nghị giao ban công tác Mặt trận quý III/2024, với chủ đề “Phát huy vai trò của Mặt trận trong tham gia XDNTM, nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu”, nhiều đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp hay nhằm nâng cao chất lượng các tiêu XDNTM, NTM nâng cao, NTM mới kiểu mẫu gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh” trên địa bàn tỉnh. Phóng viên Báo Trà Vinh đã lược ghi những cách làm hiệu quả của Mặt trận các địa phương trong tham gia XDNTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.