06/11/2023 07:12
Theo đó, truyền thông về quyền con người cần được triển khai đồng bộ trên cả 03 nội dung chính, bao gồm phổ biến, giáo dục kiến thức về quyền con người; tuyên truyền về các nỗ lực và thành tựu bảo đảm quyền con người; giải thích, làm rõ, phản bác các thông tin sai lệch, xuyên tạc về tình hình quyền con người ở Việt Nam. Trong đó, ưu tiên khai thác hiệu quả thế mạnh của truyền thông trên các nền tảng số để cung cấp thông tin minh bạch đến người dân trong nước và quốc tế về các nỗ lực và thành tựu đảm bảo quyền con người của Nhà nước ta.
Phát biểu tại hội nghị tập huấn công tác thông tin đối ngoại về quyền con người vào ngày 26/10 tại tỉnh Kon Tum, đồng chí Phạm Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Đề án 1079 thực hiện các kết luận của Bộ Chính trị từ các khóa trước và lần này được nâng lên một tầm nữa, vì thế chúng ta có niềm tin rằng, công tác thông tin đối ngoại về quyền con người đang đi đúng hướng và ngày càng phát huy giá trị…
Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã đấu tranh kiên cường bền bỉ để giành lại những quyền cơ bản và thiêng liêng nhất của con người, đó là quyền được sống trong độc lập, tự do và quyền được tự quyết định vận mệnh của mình. Vì lẽ đó, giải phóng con người khỏi áp bức, bất công, đem lại tự do, ấm no, hạnh phúc là khát vọng thiêng liêng nhất của người dân và trở thành mục tiêu nhất quán, là nền tảng hoạch định mọi quyết sách của Nhà nước. Chính sách này cũng có cội rễ sâu xa từ truyền thống lịch sử văn hóa hàng ngàn năm của một dân tộc hòa hiếu, nhân văn.
Mục tiêu của Đề án 1079 Truyền thông về quyền con người nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức, hiểu biết của toàn xã hội về các quyền con người; thông tin đầy đủ giúp người dân trong nước, đồng bào ở nước ngoài và bạn bè quốc tế hiểu rõ về quan điểm, chủ trương, nỗ lực và kết quả đạt được trong công tác bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam; nâng cao uy tín của Việt Nam trong lĩnh vực quyền con người ở phạm vi trong nước, khu vực và trên thế giới. Cụ thể đến năm 2028: - 100% cơ quan hành chính nhà nước thực hiện cơ chế phát ngôn và cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí về công tác quyền con người theo quy định hiện hành để thông tin về tình hình và kết quả công tác quyền con người kịp thời, tương xứng với các nỗ lực và thành tựu đảm bảo quyền con người của các cơ quan chức năng nói riêng và cả nước nói chung. - 100% cán bộ làm công tác quyền con người, 100% cán bộ làm công tác quản lý thông tin, truyền thông, 100% nhân sự tham gia công tác thông tin đối ngoại của các cơ quan báo chí, 70% cán bộ chủ chốt của các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp trung ương và cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được cập nhật thông tin tình hình công tác quyền con người ở Việt Nam, tập huấn kiến thức, kỹ năng truyền thông về quyền con người. - Tổ chức chuỗi triển lãm ảnh, tài liệu lưu trữ về quyền con người ở Việt Nam bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài tại 63 tỉnh, thành phố và một số địa bàn trọng điểm ở nước ngoài. - Biên soạn, xuất bản và tái bản 1.000 đầu sách về quyền con người; đa dạng hóa hình thức các sản phẩm truyền thông đại chúng, nâng tỷ trọng các sản phẩm truyền thông bằng tiếng dân tộc, tiếng nước ngoài và sản phẩm truyền thông trên nền tảng số chiếm từ 15% đến 20% tổng số sản phẩm truyền thống về quyền con người. - 100% nguồn dữ liệu và sản phẩm truyền thông của Đề án được số hóa, kết nối, sử dụng chung và phổ biến trên không gian mạng để lan tỏa thông tin tích cực, nhân văn. Giảm thông tin sai lệch, tin giả, tin xấu độc xâm hại quyền con người trên không gian mạng xuống còn dưới 10% tổng số thông tin về quyền con người ở Việt Nam; phát hiện, xử lý 90% tin giả, tin xấu độc xâm hại quyền con người trên không gian mạng. - Về đối ngoại, hoàn thành việc thực hiện khuyến nghị của quốc tế về tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức về quyền con người đã được Chính phủ Việt Nam chấp thuận, bao gồm khuyến nghị số 63, 67, 86 theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc chu kỳ III. |
Nhà nước Việt Nam luôn xác định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp phát triển, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Do đó, mọi chủ trương, đường lối của Nhà nước đều hướng tới “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; mọi chính sách, chương trình phát triển kinh tế - xã hội đều lấy người dân làm trung tâm, để đáp ứng ngày càng tốt hơn những nhu cầu chính đáng của Nhân dân.
Việc Thủ tướng Chính phủ ra quyết định phê duyệt Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam là một bước tiến mới về giáo dục quyền con người, tạo cơ sở vững chắc hơn cho việc thực hiện quyền cơ bản của mọi người dân khi đã có được một đề án mang tầm quốc gia, có tính xuyên suốt hệ thống giáo dục quốc dân, góp phần tạo ra sự thay đổi cơ bản cả về nhận thức và hành động trong tương lai gần; tiếp tục khẳng định quan điểm trong công tác thông tin, truyền thông về quyền con người là “lấy xây để chống, trong đó xây là chính”.
Tại Trà Vinh, xác định truyền thông về quyền con người nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức, hiểu biết của toàn xã hội về quyền con người; thông tin đầy đủ giúp cán bộ, công chức, viên chức và người dân hiểu rõ về quan điểm, chủ trương, nỗ lực và kết quả đạt được trong công tác bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam; theo Kế hoạch số 101/KH-STP, ngày 13/4/2023 của Sở Tư Pháp thực hiện Đề án “Truyền thông về quyền con người ở Việt Nam giai đoạn 2023 - 2028” năm 2023, việc thông tin, truyền thông về quyền con người được thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng. Trong đó, ưu tiên khai thác hiệu quả thế mạnh của truyền thông trên nền tảng số để cung cấp thông tin minh bạch đến mọi tầng lớp nhân dân hiểu biết và chấp hành đúng chính sách, pháp luật về quyền con người; sẵn sàng đấu tranh, phê phán những quan điểm, luận điệu sai trái về quyền con người.
Thực hiện Kế hoạch số 101, Sở Tư Pháp tham mưu lồng ghép xây dựng, ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện truyền thông chính sách, phổ biến giáo dục pháp luật về quyền con người; cung cấp, giới thiệu tài liệu hướng dẫn kỹ năng truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền con người cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật; giới thiệu các tài liệu, ấn phẩm, nội dung truyền thông về hoạt động thực hiện Công ước ICCPR (Công ước về các quyền dân sự, chính trị); báo cáo thực thi Công ước ICCPR; tổ chức tập huấn về quyền con người, trọng tâm là Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và pháp luật Việt Nam về các quyền dân sự, chính trị. Công bố, cập nhật thông tin kết quả triển khai thực hiện quyền con người thuộc phạm vi quản lý của ngành Tư pháp trên các phương tiện thông tin đại chúng… phấn đấu thực hiện đạt mục tiêu của Đề án 1079.
Ngày 26/10, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND tỉnh Kon Tum tổ chức hội nghị tập huấn công tác thông tin đối ngoại về quyền con người. Tham dự hội nghị có đại biểu của 19 tỉnh, thành phố thuộc khu vực Tây Nguyên, Tây Nam Bộ gồm: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, An Giang, Hậu Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh. Tỉnh Trà Vinh có 06 đại biểu đại diện Ban Chỉ đạo Nhân quyền tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Báo Trà Vinh, Đài Phát thanh và Truyền hình tham dự hội nghị. Tại hội nghị, đại biểu được quán triệt Quyết định số 1079/QĐ-TTg, ngày 14/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ “phê duyệt Đề án Truyền thông về quyền con người ở Việt Nam”; được cung cấp các thông tin về tình hình lợi dụng vấn đề tôn giáo thời gian qua và tác động về truyền thông đối ngoại; kinh nghiệm truyền thông trên các phương tiện báo chí đối ngoại và quốc tế; tình hình công tác nhân quyền và một số định hướng công tác tuyên truyền về quyền con người thời gian tới; hướng dẫn thúc đẩy quảng bá hình ảnh địa phương ra nước ngoài… Hội nghị này cũng nhằm thống nhất nhận thức về tầm quan trọng của công tác thông tin đối ngoại về quyền con người, công tác truyền thông chính sách, cập nhật tình hình, hướng dẫn công tác thông tin, tuyên truyền về quyền con người trong thời gian tới. Đặc biệt là trao đổi kinh nghiệm, giải đáp thắc mắc, ghi nhận các kiến nghị, đề xuất từ quá trình thực tiễn triển khai Đề án 1079 ở các địa phương; chia sẻ kinh nghiệm, những cách làm hay, sáng tạo trong công tác truyền thông, thông tin đối ngoại về quyền con người, nhất là xây dựng cơ chế phối hợp giữa các lực lượng, giữa các cơ quan chuyên trách với báo chí, truyền thông.
|
HÀ THANH
Vừa qua, tại hội nghị giao ban công tác Mặt trận quý III/2024, với chủ đề “Phát huy vai trò của Mặt trận trong tham gia XDNTM, nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu”, nhiều đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp hay nhằm nâng cao chất lượng các tiêu XDNTM, NTM nâng cao, NTM mới kiểu mẫu gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh” trên địa bàn tỉnh. Phóng viên Báo Trà Vinh đã lược ghi những cách làm hiệu quả của Mặt trận các địa phương trong tham gia XDNTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.