31/08/2020 16:36
Lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã Đa Lộc đi thực tế tại địa bàn ấp Hương Phụ A khảo sát tình hình phát triển kinh tế, để có kế hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất vùng có đông đồng bào Khmer.
Trong giai đoạn 2015-2020, việc đề bạt, bố trí cán bộ Khmer ở các ngành, các cấp trong huyện luôn được sự quan tâm của Huyện ủy; đội ngũ cán bộ Khmer được học tập, rèn luyện, thử thách trong thực tiễn, có bản lĩnh chính trị vững vàng, gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có ý thức tổ chức, kỷ luật, gắn bó mật thiết với Nhân dân, nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của Nhân dân.
Nhiều cán bộ Khmer có sự cầu tiến, khắc phục khó khăn trong công tác và học tập; nhiều đồng chí được sắp xếp, bố trí giữ chức vụ quan trọng, chủ chốt trong cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị. Hiện đội ngũ cán bộ, công chức người dân tộc Khmer trong Ban Chấp hành Đảng bộ cấp xã, nhiệm kỳ 2020-2025 có 60/208 đồng chí, chiếm trên 16%; cấp ủy ngành huyện có 12/112 đồng chí, chiếm gần 11%; cấp ủy huyện chiếm gần 21%. Đại biểu HĐND cấp xã, nhiệm kỳ 2016-2021 có 103/375 đại biểu là người Khmer, chiếm gần 28%; 07/36 đại biểu HĐND huyện, chiếm trên 19%. Cán bộ, công chức, viên chức người Khmer tham gia công tác ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp huyện 374/1.685 biên chế, chiếm trên 22%...
Ông Trương Kính Hoa, Bí thư Đảng ủy xã Đa Lộc cho biết: trong thời gian qua, xã xác định bên cạnh phát triển kinh tế- xã hội, chăm lo đời sống cho đồng bào Khmer, công tác đào tạo và sử dụng cán bộ dân tộc Khmer có vị trí rất quan trọng trong việc lãnh đạo phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer.
Song song với công tác đào tạo, bồi dưỡng, xã luôn chú trọng công tác quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ linh hoạt, đúng năng lực, sở trường của cán bộ dân tộc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ở các ngành, lĩnh vực quan trọng. Hiện đội ngũ cán bộ, công chức dân tộc Khmer trong hệ thống chính trị của xã chiếm tỷ lệ cao, cụ thể: tổng số cán bộ, công chức người Khmer có 09/22 đồng chí, chiếm gần 41%; 06/15 cán bộ Khmer trong cấp ủy, chiếm 40%; 02/05 đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy xã, chiếm 40%.
Bà Sơn Thị Ý Nhi, viên chức Trạm Y tế xã Đa Lộc cho biết: được sự quan tâm của Đảng ủy, UBND xã, Trung tâm Y tế huyện, tôi được đào tạo qua các lớp tập huấn nghiệp vụ và được kết nạp vào Đảng năm 2016. Với trình độ chuyên môn, chính trị đã được đào tạo, cùng với việc am hiểu địa phương, tôi đã phát huy tốt năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Ngoài những thuận lợi, công tác đào tạo, bồi dưỡng và bố trí, sử dụng cán bộ người dân tộc Khmer của huyện vẫn còn khó khăn, hạn chế như: điều kiện phát triển kinh tế-xã hội trong vùng đồng bào Khmer vẫn còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí tuy có nâng lên nhưng còn thấp, nguồn nhân lực để đào tạo cán bộ dân tộc còn hạn chế, công tác đào tạo cán bộ dân tộc thiếu đồng bộ, nhất là chế độ, chính sách, chưa theo kịp nhu cầu phát triển toàn diện trong đồng bào Khmer. Một số đơn vị, địa phương thiếu giải pháp tạo nguồn bồi dưỡng, phát triển đảng viên và quy hoạch tạo nguồn cán bộ là người dân tộc Khmer, nên cán bộ lãnh đạo các cấp là người dân tộc còn thiếu.
Để xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ người dân tộc Khmer đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Châu Thành, nhiệm kỳ 2020-2025, ông Huỳnh Công Lập, Bí thư Huyện ủy Châu Thành cho biết: huyện tiếp tục phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn xã hội về vị trí, vai trò, nhiệm vụ của công tác dân tộc của Đảng trong tình hình mới. Trong đó, xác định xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc là nhiệm vụ trọng yếu và thường xuyên.
Bên cạnh đó, huyện sẽ cụ thể hóa thực hiện các quy định, chương trình của Trung ương, tỉnh, huyện về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chiến lược về nhân tài, chú trọng đào tạo cán bộ quản lý kinh tế, đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chủ động hội nhập quốc tế. Xây dựng Đề án tạo nguồn quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ của huyện nói chung, chú trọng cán bộ Khmer nói riêng. Tạo điều kiện thuận lợi cho con người dân tộc Khmer, nhất là những sinh viên mới ra trường được tiếp nhận vào làm việc ở các ngành, các cấp theo đúng chuyên ngành đào tạo, nhằm phát huy tốt năng lực, trí tuệ của thế hệ trẻ người Khmer và tạo nguồn cho đội ngũ cán bộ kế thừa.
Việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực người thiểu số nói chung, người dân tộc Khmer nói riêng là nhiệm vụ rất quan trọng, cấp bách trong giai đoạn hiện nay của huyện Châu Thành nhằm thu hẹp khoảng cách với mặt bằng chung trong khu vực của huyện, của tỉnh; xây dựng đội ngũ trí thức, cán bộ và lao động người Khmer có chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn, nên ngoài sự nỗ lực vươn lên của đồng bào Khmer, cần được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đặc biệt là chính sách hỗ trợ, đầu tư của Đảng và Nhà nước.
Bài, ảnh: PHAN TUẤN
Vừa qua, tại hội nghị giao ban công tác Mặt trận quý III/2024, với chủ đề “Phát huy vai trò của Mặt trận trong tham gia XDNTM, nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu”, nhiều đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp hay nhằm nâng cao chất lượng các tiêu XDNTM, NTM nâng cao, NTM mới kiểu mẫu gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh” trên địa bàn tỉnh. Phóng viên Báo Trà Vinh đã lược ghi những cách làm hiệu quả của Mặt trận các địa phương trong tham gia XDNTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.