16/12/2021 07:01
Bà Trần Thị Kim Chung, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Cầu Ngang, đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Cầu Ngang
Bà Trần Thị Kim Chung. |
Lĩnh vực chăn nuôi và thú y là một trong những lĩnh vực quan trọng đóng góp không nhỏ cho giá trị sản xuất nói riêng của huyện Cầu Ngang. Cụ thể, việc bố trí thú y viên cấp xã, trước đây, tỉnh có Đề án tăng cường viên chức nông nghiệp về công tác tại xã, mỗi xã có từ 01 - 02 viên chức nông nghiệp, lực lượng này đã hỗ trợ cho địa phương rất nhiều trong phát triển nông nghiệp nói chung, lĩnh vực chăn nuôi thú y nói riêng, đến nay đề án đã kết thúc, nên các xã thiếu nhân lực trong thực hiện lĩnh vực này. Hiện tại, cấp xã thực hiện hợp đồng đối với người làm công tác thú y với chế độ tiền công là 1,49 triệu đồng/tháng, ngân sách huyện chi 30%, xã chi 70% từ nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên. Từ đó cho thấy, với mức hợp đồng này so thực tế thực hiện nhiệm vụ còn thấp, do vậy, chưa khuyến khích những người này hoạt động tích cực và mang tính lâu dài, ảnh hưởng đến việc phát triển chăn nuôi và nhất là công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi.
Để ổn định và ngày càng phát triển lĩnh vực này, đề xuất tỉnh xem xét kiện toàn hệ thống thú y các cấp, nhất là cấp xã để đảm bảo lực lượng tổ chức phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi có hiệu quả, đảm bảo theo các quy định của Luật Thú y.
Về chính sách hỗ trợ cho hộ có gia súc phải tiêu hủy bắt buộc do dịch bệnh theo quy định. Hiện nay, tổng đàn bò của huyện Cầu Ngang khoảng 58.000 con, là đối tượng nuôi chủ lực của huyện, góp phần mang lại giá trị kinh tế rất lớn cho người dân. Năm 2019, 2020 và 2021, dịch bệnh xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm, làm thiệt hại rất lớn về kinh tế cho người chăn nuôi.
Huyện khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi và thực hiện hỗ trợ cho người chăn nuôi kịp thời để tái sản xuất theo chính sách quy định (đối với bò hỗ trợ 45.000 đồng/kg; heo 38.000 đồng/kg). Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy, mức hỗ trợ này còn thấp so với biến động giá cả thị trường, làm ảnh hưởng đến việc khôi phục sản xuất và phần nào ảnh hưởng công tác phòng, chống dịch. Tôi đề xuất có thể nâng mức hỗ trợ cho gia súc, gia cầm phải tiêu hủy bắt buộc do dịch bệnh theo Nghị định số 02/2017 của Chính phủ và Quyết định số 22/2017, ngày 11/12/2017 của UBND tỉnh theo hướng: hỗ trợ gia súc, gia cầm bị tiêu hủy bằng mức 65 - 70% so với giá thị trường. Mức hỗ trợ này một mặc để người chăn nuôi chủ động khai báo dịch bệnh, giúp cơ quan quản lý nhà nước phòng, chống dịch nhanh và hiệu quả hơn, đồng thời, giúp người chăn nuôi có đủ nguồn lực để tái sản xuất.
Đối với lĩnh vực tái cơ cấu nông nghiệp theo Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND, ngày 19/3/2021, huyện tổ chức triển khai phổ biến cho người dân và qua thực tế triển khai chính sách hỗ trợ cải tạo vườn tạp tại địa phương cho thấy mức hỗ trợ còn thấp, từ đó, chưa khuyến khích được người dân mạnh dạn cải tạo vườn tạp. Cụ thể, mức hỗ trợ từ 04 - 06 triệu đồng/ha (tương đương 400.000 đồng - 600.000 đồng/1000m2), với mức hỗ trợ này còn rất thấp so với chi phí cải tạo vườn tạp, nếu tính ngày công lao động để cải tạo đất, dọn dẹp cây tạp trung bình 250.000 - 300.000 đồng/người/ngày, thì mức hỗ trợ này chỉ đủ để thuê 02 nhân công lao động trong 01 ngày để cải tạo 1.000m2 vườn tạp, chưa kể vốn để đầu tư cây, con giống, vật tư để sản xuất. Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng từ khâu lưu thông, mua bán, giá vật tư đầu vào như phân bón, thức ăn chăn nuôi, sắt thép làm nhà lưới… tăng cao, trong khi giá đầu ra không ổn định nên người dân chưa mạnh dạn đầu tư sản xuất.
Nhằm khuyến khích và tạo điều kiện để người dân mạnh dạn chuyển đổi, đề xuất có thể sửa đổi mức hỗ trợ quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 8 Nghị quyết số 03 của HĐND tỉnh, cụ thể, từ mức 04 triệu đồng/ha đối với chuyển đổi từ vườn tạp sang cây trồng, vật nuôi và 06 triệu đồng/ha đối với chuyển đổi từ vườn tạp sang nuôi thủy sản, sang mức hỗ trợ 60% tổng chi phí cải tạo, người dân đối ứng 40%.
Ông Trịnh Minh Tự, Tỉnh ủy viên, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Trà Vinh, đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Cầu Kè
Ông Trịnh Minh Tự. |
Qua theo dõi sự điều hành của UBND tỉnh, hoạt động của HĐND tỉnh năm 2021, tôi rất ấn tượng với kết quả đạt được, nhất là trong việc triển khai thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Xem xét báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, trong báo của UBND tỉnh có đánh giá hạn chế, yếu kém nhiều lĩnh vực nhưng chưa đánh giá thực trạng về kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng khu kinh tế, hạ tầng kỹ thuật đô thị, hệ thống thông tin, dữ liệu ngành, đây là tầm nhìn, hướng đi trong tương lai mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đề ra. Tôi đề nghị UBND tỉnh quan tâm bổ sung thêm nội dung này vào báo cáo, đồng thời phải quyết tâm thực hiện tốt nội dung này, trong đó, cần chú trọng nhất là tuyến Quốc lộ 53 (Long Hồ - Trà Vinh), Quốc lộ 60 (cầu Đại Ngãi), gần 400km đường tỉnh, huyện, nhất là các huyện cửa ngõ Cầu Kè, Càng Long.
Trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, cần đánh giá thêm để có giải pháp quyết liệt hơn về ma túy, đây là vấn đề đã và đang nóng hiện nay. Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh, các ngành chức năng, các địa phương chỉ đạo, tích cực thực hiện mọi biện pháp để đấu tranh phòng ngừa ma túy. Song, tệ nạn ma túy, tội phạm về ma túy luôn tăng.
Cụ thể, số người nghiện, người sử dụng ma túy gia tăng, lan rộng ra các địa bàn. Đối tượng sử dụng ma túy đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc năm sau luôn cao hơn năm trước (năm 2019, có 88 đối tượng; năm 2020, có 92 đối tượng; năm 2021, có 102 đối tượng), tội phạm về ma túy đưa ra xét xử mỗi năm đều trên 100 vụ, các đối tượng liên quan đến ma túy ngoài cộng đồng cả ngàn người. Ma túy là nguyên nhân của mọi nguyên nhân trộm, cướp và các tệ nạn xã hội khác, vướng vào ma túy là có thể hỏng một kiếp người.
Tôi đề nghị thời gian tới, cơ quan có thẩm quyền xử lý kiên quyết (không phải để đến khi tội phạm xảy ra mới điều tra, truy tốt, xét xử) bằng nhiều biện pháp, như: áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn; áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng; áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buột, kể cả điều tra, truy tố, xét xử phải nghiêm minh, nghiêm khắc.
Cùng với đó, HĐND tỉnh tăng cường, quan tâm nhiều hơn công tác giám sát việc thực hiện tại một số nơi để đánh giá những khó khăn, vướng mắc, đề ra giải pháp thiết thực, hiệu quả liên quan đến công tác đấu tranh phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh.
Bài, ảnh: KIM LOAN
Vừa qua, tại hội nghị giao ban công tác Mặt trận quý III/2024, với chủ đề “Phát huy vai trò của Mặt trận trong tham gia XDNTM, nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu”, nhiều đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp hay nhằm nâng cao chất lượng các tiêu XDNTM, NTM nâng cao, NTM mới kiểu mẫu gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh” trên địa bàn tỉnh. Phóng viên Báo Trà Vinh đã lược ghi những cách làm hiệu quả của Mặt trận các địa phương trong tham gia XDNTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.