24/12/2020 13:00
Ông Nguyễn Thế Ngoan, Phó Trưởng ban Ban Tổ chức Tỉnh ủy,
đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Cầu Kè
Ông Nguyễn Thế Ngoan. Ảnh: KL |
Bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số hạn chế: đầu tư kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu, phát triển KT-XH; hệ thống thủy lợi có quan tâm đầu tư nhưng thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất, phục vụ tưới tiêu, trữ nước ngọt Tốc độ tăng trưởng kinh tế có tăng nhưng còn thiếu tính bền vững, phần lớn phụ thuộc vào năng lượng nhiệt điện, doanh nghiệp đa số nhỏ và vừa, đóng góp vào nền kinh tế chưa cao. Trà Vinh có lợi thế đa dạng về nông nghiệp (lúa, vườn cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản), nhưng chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế, chưa xây dựng được nhãn hiệu, thương hiệu đủ sức cạnh tranh với thị trường trong nước và xuất khẩu.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2021 và 05 năm tới, trước hết tôi đồng tình với nhiệm vụ và giải pháp mà nghị quyết kỳ họp đề ra, đặc biệt là từ nay đến năm 2030 để Trà Vinh trở thành một trong những tỉnh nằm trong tốp đầu của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tôi đề xuất: Thứ nhất, tập trung quy hoạch tổng thể KT-XH của tỉnh, trong chiến lược phát triển chung của cả nước, cần quan tâm phát triển theo hướng tiềm năng lợi thế của tỉnh một cách phù hợp với điều kiện sẵn có. Thứ hai, từ quy hoạch tổng thể, có kế hoạch và chiến lược đầu tư một cách tập trung hơn, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải như hiện nay. Nhiều nơi, nhiều huyện có khu kinh tế, cụm công nghiệp, nhưng nguồn lực không đảm bảo sẽ phân tán vốn và thiếu hiệu quả. Trong lĩnh vực công nghiệp, nên dồn sức đầu tư cho được khu công nghiệp có tầm cỡ quốc gia để thu hút kêu gọi đầu tư tốt hơn. Trước tiên, nên tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, đất sạch chớ không chỉ nằm trên quy hoạch, khi có mới tiến hành xúc tiến kêu gọi đầu tư; cần chọn nhà đầu tư cho phù hợp theo hướng chất lượng và ứng dụng khoa học - công nghệ cao hơn, sử dụng lao động chất lượng hơn. Thứ ba, quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ nông nghiệp tốt hơn, tập trung quy hoạch lại hệ thống thủy lợi, hệ thống cống đầu mối các tuyến kênh cấp 1, cấp 2 đảm bảo vừa phục vụ đủ nước tưới tiêu, vừa trữ nước ngọt, phòng khi hạn mặn kéo dài. Thứ tư, tập trung cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân sản xuất nông nghiệp sạch và hữu cơ một cách căn cơ, bày bản hơn, góp phần tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng hơn, hướng tới cạnh tranh với thị trường trong nước, xuất khẩu.
Bà Thạch Thị Thu Hà, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh,
đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Tiểu Cần
Bà Thạch Thị Thu Hà. Ảnh: KL |
Thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát KT-XH năm 2020 và giai đoạn 2016 - 2020, trong điều kiện nhiều khó khăn, thách thức như: hạn, mặn, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, dịch tả lợn Châu Phi, đặc biệt là dịch Covid-19 ảnh hưởng toàn diện đến các lĩnh vực của đời sống, xã hội… Trước tình hình khó khăn trên, được sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh, sự nỗ lực, phấn đấu của các ngành, các địa phương và Nhân dân trong tỉnh, đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Tuy nhiên, năm 2020 và giai đoạn 2016 - 2020 cũng còn những tồn tại, hạn chế nhất định, tôi đề xuất lãnh đạo tỉnh tiếp tục chỉ đạo, điều hành một số vấn đề bản thân quan tâm. Đó là, việc dự báo lịch thời vụ, dự báo tình hình hạn, mặn xâm nhập được ngành chức năng quan tâm thực hiện, nhưng tình trạng hạn, mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, gây thiệt hại lớn trong sản xuất nông nghiệp, tình trạng thiếu nước ngọt sản xuất, sinh hoạt của Nhân dân vẫn xảy ra hàng năm. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo, nghiên cứu giải pháp căn cơ, lâu dài, nhất là hệ thống thủy lợi, trữ nước ngọt cho các vùng sản xuất, vì Trà Vinh làm tốt công tác ngăn mặn nhưng lại thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất.
Công tác giải ngân vốn đầu tư công hàng năm rất chậm và đạt thấp so kế hoạch, mặc dù Tỉnh ủy, UBND tỉnh nhắc nhở, uốn nắn liên tục nhưng chuyển biến chậm, năm 2020 tính đến ngày 13/11 chỉ giải ngân đạt 54,2%. Qua theo dõi, tỉnh cũng chưa xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân có liên quan đến hạn chế, yếu kém này, đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo tốt hơn trong thời gian tới.
Bà Thân Thị Ngọc Kiều, Chủ tịch HĐND huyện Càng Long,
đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Càng Long
Bà Thân Thị Ngọc Kiều. Ảnh: KL |
Trong những hạn chế, cử tri, Tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Càng Long quan tâm nhất, đó là tình trạng khai thác khoáng sản trái phép chưa được xử lý triệt để. Điển hình là khai thác cát trên sông Cổ Chiên, quanh khu vực Cồn Hô. Đề nghị tỉnh không nên gia hạn và cấp phép mới cho các mỏ khai thác từ khu vực gần Cồn Hô đến cầu Cổ Chiên, để đảm bảo an toàn các móng cầu và Cồn Hô không bị sạt lở.
Vấn đề mua sắm tập trung đã được kiến nghị nhiều lần nên có biện pháp, giải pháp khả thi hơn để tạo điều kiện cho các trường trong việc dạy và học. Máy tính là thiết bị chuyên dùng để dạy tin học cho học sinh có khi bị hỏng hóc, nếu đợi đến thời gian mua sắm một lần trong năm là không đảm bảo. Để đáp ứng yêu cầu kịp thời máy vi tính cho các trường học dạy tin học cho học sinh, thời gian tới, xin đề xuất nên cho đăng ký mua sắm tập trung nhiều lần trong năm hoặc cho mua sắm tập trung tại huyện.
Theo Thông tư số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, ngày 16/03/2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Nội vụ quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, tại khoản 1, Điều 6 có quy định: “nấu ăn: nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non có tổ chức bán trú thì được hợp đồng lao động để thực hiện nhiệm vụ nấu ăn như sau: cứ 35 trẻ nhà trẻ hoặc 50 trẻ mẫu giáo thì được ký 01 lao động hợp đồng để bố trí vào vị trí nấu ăn”.
Tuy nhiên, qua làm việc với Phòng Tài chính và Kế hoạch huyện, Sở Tài chính không cho chi hợp đồng, hiện nay việc trả tiền cho nhân viên nấu ăn không bằng nguồn ngân sách Nhà nước mà phụ huynh trẻ phải tự đóng góp để trả phần kinh phí thuê hợp đồng cho hợp đồng nấu ăn. Kiến nghị Sở Tài chính xem xét và phân bổ kinh phí để chi trả cho lao động hợp đồng nấu ăn của các trường mầm non như trước đây.
Hiện nay trên địa bàn huyện Càng Long có một số ấp đội trưởng giải ngạch không có chế độ (không phải trường hợp sáp nhập ấp, khóm). Nhưng theo Luật dân quân tự vệ (DQTV), tại khoản 10 Điều 18 quy định hệ thống chỉ huy DQTV trong đó có thôn đội trưởng và tại khoản đ Điều 19 của Luật DQTV có quy định chức vụ DQTV trong đó có thôn đội trưởng kiêm chỉ huy đơn vị dân quân tại chỗ (là ấp đội trưởng). Ấp đội trưởng cũng là chức vụ chỉ huy trong hệ thống chỉ huy DQTV thì không thể tính giống như người có nghĩa vụ tham gia DQTV, nhưng khi giải ngạch thì không có một chế độ chính sách nào, như vậy sẽ thiệt thòi cho lực lượng này, đề nghị các ngành chức năng quan tâm xem xét.
KIM LOAN (lược ghi)
Vừa qua, tại hội nghị giao ban công tác Mặt trận quý III/2024, với chủ đề “Phát huy vai trò của Mặt trận trong tham gia XDNTM, nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu”, nhiều đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp hay nhằm nâng cao chất lượng các tiêu XDNTM, NTM nâng cao, NTM mới kiểu mẫu gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh” trên địa bàn tỉnh. Phóng viên Báo Trà Vinh đã lược ghi những cách làm hiệu quả của Mặt trận các địa phương trong tham gia XDNTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.