22/10/2020 10:50
Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp trong tỉnh đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới
Ông Trần Văn Tiến, Phó Trưởng ban Ban Tổ chức Tỉnh ủy. Ảnh: KL |
Quán triệt và cụ thể hóa NQ số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng (khóa XII), Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh ban hành Kế hoạch số 91-KH/TU, ngày 17/8/2018 thực hiện NQ số 26 của BCH Trung ương Đảng, trong đó xác định đến năm 2020 tập trung vào việc xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp ngang tầm nhiệm vụ, đủ về số lượng, có chất lượng và cơ cấu phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ, đủ sức lãnh đạo đưa tỉnh Trà Vinh phát triển nhanh và bền vững.
Cụ thể, phấn đấu đến năm 2025, có 100% cán bộ cấp xã có trình độ chuyên môn từ cao đẳng, đại học trở lên và trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên. Đối với cán bộ cấp phòng và tương đương, 100% có trình độ đại học và cao cấp lý luận chính trị hệ tập trung theo độ tuổi quy định; 100% cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng trình độ trung cấp, cao cấp chính trị; 100% cán bộ trong độ tuổi theo quy định có trình độ cao cấp tập trung. Đối với cấp ủy tỉnh, từ 30% trở lên trong BCH có trình độ đại học hệ chính quy, thạc sĩ, tiến sĩ và cao cấp lý luận chính trị hệ tập trung. Phấn đấu đến năm 2030, đối với cấp tỉnh có từ 15 - 20% cán bộ lãnh đạo, quản lý dưới 40 tuổi, từ 25 - 35% đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế (trong tổng số cán bộ lãnh đạo, quản lý), từ 20 - 25% cán bộ lãnh đạo chủ chốt và Ủy viên Ban Thường vụ cấp ủy huyện dưới 40 tuổi.
Để đạt được mục tiêu NQ Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Kế hoạch số 91 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra, trước hết, cần nâng cao nhận thức, tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên. Trong đó, chú trọng nội dung xây dựng Đảng về đạo đức, truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc, kết hợp chặt chẽ, hiệu quả đào tạo với rèn luyện trong thực tiễn, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Các cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương chỉ đạo thường xuyên rà soát, bổ sung quy hoạch nhiệm kỳ 2020 - 2025, xây dựng quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2025 - 2030 bảo đảm đội ngũ kế thừa trước mắt và lâu dài, đúng nguyên tắc tập trung dân chủ. Quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý của từng địa phương, cơ quan, đơn vị phải gắn với các khâu khác trong công tác cán bộ, từ khâu đánh giá, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, chính sách cán bộ và quy hoạch chung đội ngũ cán bộ của tỉnh. Trên cơ sở quy hoạch, rà soát lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng một cách khoa học, đào tạo bài bản về chuyên môn, nghiệp vụ, đào tạo phải gắn với quy hoạch, vị trí việc làm và đào tạo lại đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0.
Thực hiện tốt việc đánh giá, sàng lọc cán bộ theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều, đánh giá cán bộ phải đánh giá cả năng lực, phẩm chất và uy tín. Đánh giá phải căn cứ vào kết quả, hiệu quả thực hiện từng công việc bằng sản phẩm cụ thể, có tính định lượng. Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý phải căn cứ vào kết quả, hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị; có tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nói đi đôi với làm; đoàn kết, kỷ luật nghiêm, có khả năng thích ứng nhanh với tình hình thực tiễn, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành.
Chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với cơ chế thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu
Ông Phạm Minh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ảnh: KL |
05 năm qua, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt được kết quả khá quan trọng. Giá trị sản xuất toàn ngành năm 2020 đạt 29.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng tăng bình quân 05 năm qua đạt 2,41%/năm, chiếm khoảng 30% GRDP của toàn tỉnh. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi và thủy sản. Giá trị sản xuất/ha đất trồng trọt đạt 130 triệu đồng, tăng 6,3 triệu đồng so với năm 2015; giá trị sản xuất/ha đất nuôi trồng thủy sản đạt 360 triệu đồng/năm, tăng hơn 110 triệu đồng so với năm 2015; xây dựng và duy trì được 26 nhãn hiệu nông sản; các mô hình sản xuất có hiệu quả và mô hình hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị được nhân rộng... từ đó, góp phần nâng cao thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn đạt khoảng 32 triệu đồng, tăng gấp 1,27 lần so với năm 2015 và giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 7,22% năm 2015 xuống còn 1,72% năm 2020; tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo đạt 60%, tăng 20% so với năm 2015.
Thời gian tới cần tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh đến năm 2030 và kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh đến năm 2025 theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức và thay đổi tư duy về phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm cho cả hệ thống chính trị và tổ chức, cá nhân sản xuất.
Đổi mới tổ chức sản xuất và phát triển chuỗi giá trị, thúc đẩy tập trung, tích tụ đất đai hình thành các hộ nông dân quy mô lớn, tổ chức nông hộ thành các hợp tác xã kiểu mới, liên kết với doanh nghiệp gắn với xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu và chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc và quản lý tốt chất lượng các sản phẩm nông sản thế mạnh; xây dựng và thực hiện chương trình thu hút đầu tư phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp, thủy sản và hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác.
Đẩy mạnh nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0 thích ứng với biến đổi khí hậu cho các ngành hàng với sự tham gia và liên kết với các viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức khuyến nông, doanh nghiệp, hợp tác xã, chính quyền địa phương và các tổ chức, các cá nhân sản xuất để chọn tạo và sản xuất giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng tốt, thích nghi với hạn mặn và giá trị thương mại cao, tạo đột phá mới về năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng của ngành; áp dụng mạnh mẽ công nghệ tiên tiến, đạt hiệu quả cao, bền vững, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu vào sản xuất.
Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư và xúc tiến thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; tạo thuận lợi thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản nông thủy sản áp dụng công nghệ tiên tiến và quy mô phù hợp vừa nâng cao hiệu quả sản xuất, vừa tiêu thụ kịp thời nông sản cho nông dân và đa dạng hóa sản phẩm cho tiêu dùng. Mời gọi doanh nghiệp đầu tư để phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, tăng cường ứng dụng cơ giới hóa trong tất cả các khâu của chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, phù hợp với điều kiện của địa phương, từng loại cây trồng, vật nuôi.
Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, đánh giá lại hiệu quả toàn bộ hệ thống thủy lợi hiện có để ưu tiêu đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, nhất là đầu tư hoàn thiện hệ thống thủy lợi để phân vùng sản xuất phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thủy sản phù hợp với biến đổi khí hậu.
Huy động nguồn lực đầu tư phát triển Khu Kinh tế Định An
Ông Nguyễn Huỳnh Thiện, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh. Ảnh: KL |
Được sự quan tâm của Chính phủ, các bộ ngành Trung ương, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát và kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, địa phương cùng với sự đồng hành của các doanh nghiệp, nhà đầu tư và sự quyết tâm, phấn đấu của Ban Quản lý Khu kinh tế (KKT) đã tạo điều kiện cho KKT Định An được hình thành và phát triển, tạo được diện mạo mới cho KKT.
Dự ánTrung tâm Điện lực Duyên Hải được hình thành, dự án Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu hoàn thành đi vào hoạt động, đã đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông trục chính KKT, gồm tuyến đường số 01 (dài 6,8km), tuyến đường số 02 (dài 2,2km) và cầu C16 (dài 1,1km), chuẩn bị thi công tuyến đường số 05 (dài 8,4km), cơ bản kết nối giao thông của KKT với các Tỉnh lộ, Quốc lộ… Quốc lộ 53 đoạn từ thành phố Trà Vinh - Duyên Hải đang được xây dựng nâng cấp mở rộng sẽ kết nối đến KKT… tạo điều kiện là động lực để thu hút đầu tư phát triển.
Đến nay, KKT Định An đã thu hút được trên 50 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư là 154.855,8 tỷ đồng (tương đương 6,7 tỷ USD), trong đó nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm 2,71 tỷ USD với các lĩnh vực như: cảng biển, logisties, nhiệt điện, điện gió, điện mặt trời, kho xăng dầu, siêu thị, nhà máy chế biến thủy sản, khu ươm tôm giống, vật liệu xây dựng (gạch tuynen, gạch không nung), du lịch sinh thái biển, giải trí, lĩnh vực giáo dục, y tế, khu đô thị…giải quyết việc làm thường xuyên trên 5.000 lao động địa phương, đóng góp đáng kể cho nguồn thu ngân sách tỉnh và có tăng trưởng ổn định hàng năm.
Thời gian tới, để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước, tập trung đầu tư phát triển KKT Định An trở thành KKT ven biển trọng điểm của tỉnh và khu vực, Ban Quản lý KKT đề xuất chủ trương điều chỉnh, bổ sung, ban hành cơ chế, chính sách mới mang tính đột phá gắn với đặc thù của tỉnh Trà Vinh (như xin cơ chế giải phóng mặt bằng 01 khu chức năng tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư, cơ chế cấp quyền khai thác vật liệu san lắp cho các dự án lớn để giảm chi phí đầu tư…) để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế trong phát triển KKT Định An trở thành động lực trong phát triển kinh tế của tỉnh và của vùng trong giai đoạn tới.
Huy động tổng hợp các nguồn vốn (như ODA, FDI, ADB, WB, ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ…) và nhiều hình thức đầu tư (trực tiếp, gián tiếp, mô hình đối tác công tư - PPP…), kể cả cách thức truyền thống là đổi đất lấy hạ tầng… để tiếp tục đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu, quan trọng trong KKT để tạo điều kiện đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển KKT. Tiếp tục định hướng, quy hoạch phát triển KKT, lấy hiệu quả kinh tế - xã hội làm tiêu chí cao nhất và bảo đảm phát triển bền vững; đảm bảo sử dụng một cách hiệu quả cả quỹ đất, mặt nước và không gian của KKT, phải hướng tới hình thành khu chức năng nòng cốt, như Khu Đô thị - Dịch vụ - Công nghiệp, cảng nước sâu, khu phi thuế quan, khu dịch vụ logisties... tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án động lực hiện đã thu hút được (như Cảng Tổng hợp Định An, các dự án điện gió…) và kết cấu hạ tầng kỹ thuật thiết yếu trong KKT để làm tiền đề cho việc hình thành khu vực phát triển công nghiệp chiến lược trong KKT và thu hút các nhà đầu tư tiềm năng khác.
KIM LOAN (lược ghi)
Vừa qua, tại hội nghị giao ban công tác Mặt trận quý III/2024, với chủ đề “Phát huy vai trò của Mặt trận trong tham gia XDNTM, nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu”, nhiều đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp hay nhằm nâng cao chất lượng các tiêu XDNTM, NTM nâng cao, NTM mới kiểu mẫu gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh” trên địa bàn tỉnh. Phóng viên Báo Trà Vinh đã lược ghi những cách làm hiệu quả của Mặt trận các địa phương trong tham gia XDNTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.