05/02/2020 08:46
Nông dân Trầm Lan. Ảnh: HH
Từ khó khăn trên, huyện Trà Cú đã triển khai nhiều giải pháp trong sản xuất. Trong đó, tập trung chuyển đổi hoặc ngừng canh tác những diện tích lúa vụ đông-xuân do nằm xa kênh trục, không chủ động nguồn nước bơm tát, chuyển sang trồng các cây màu phù hợp với biến đổi khí hậu. Chia sẻ với chúng tôi, ông Trần Văn Đồng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Trà Cú cho biết: Hiện nay, huyện gặp khó khăn khi giảm diện tích lúa đông-xuân trước tình hình khô hạn, xâm nhập mặn. Do nông dân có tập quán sản xuất vụ đông-xuân cũng như liên tiếp 03 năm qua không xuất hiện mặn, thiếu nước. Việc chuyển đổi diện tích lúa sang màu hay cắt vụ lúa đông - xuân tại một số địa phương rất khó khăn. Cùng với đó, khi có diện tích chuyển sang trồng màu khá lớn sẽ gặp khó đầu ra; cộng với đó là một số vùng chưa có điện, nông dân không thể sử dụng giếng khoan để trồng màu… Dự kiến diện tích màu năm nay sẽ tăng cao hơn so với cùng kỳ 2019, từ chuyển đổi sản xuất.
Hàng năm, diện tích trồng màu của huyện Trà Cú ước trên 6.000ha, trong này vụ màu mùa khô khoảng 4.000ha, tập trung nhiều ở các xã: Tân Sơn, thế mạnh về cây dưa leo; Hàm Giang, cây bí đỏ; Đại An, mô hình trồng môn; Ngọc Biên với các loại màu như đậu phộng, ớt… Thu nhập từ trồng màu tương đối cao, từ 120 - 150 triệu đồng/ha/năm. Tại xã Hàm Giang, địa phương có truyền thống trồng màu mùa khô khá lớn, diện tích xuống giống hàng năm khoảng 750-800ha (diện tích màu năm 2019 trên 1.124ha). Theo ông Lâm Qui, Chủ tịch UBND xã Hàm Giang, thực hiện chỉ đạo của huyện về giảm diện tích sản xuất vụ lúa đông-xuân để chuyển sang màu hay các cây trồng khác, xã có khoảng 340ha. Hiện nay, các ấp đang vận động, tuyên truyền cho nông dân biết tình hình xâm nhập mặn, thiếu nước trong sản xuất lúa để chủ động chuyển đổi hoặc cắt vụ.
Ông Lý Thành Dân với sản phẩm bí non được trồng liên kết trong nông dân ở vụ màu mùa khô 2019-2020. Ảnh: HH
Nhằm đảm bảo cung cấp nước phục vụ sản xuất diện tích 9.000ha sản xuất lúa vụ đông-xuân năm 2019 - 2020 và đầu vụ hè - thu năm 2020 khoảng 14.700ha, huyện Trà Cú triển khai các nhiệm vụ và giải pháp như đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình thủy lợi để đưa vào khai thác, sử dụng nhằm tăng cường khả năng ứng phó diễn biến hạn hán và xâm nhập mặn, tăng khả năng trữ nước ngọt phục vụ sản xuất. Tiến hành đóng triệt các cống đầu mối khi độ mặn từ 01‰ trở lên tại vàm Bắc Trang; vận hành hợp lý các cống đầu mối đến nội đồng theo hướng tích trữ nước ngọt, đảm bảo mực nước ngọt đệm trong nội đồng phải đạt cao trình ≥ +0.5m (tại cống Trà Cú), để đảm bảo nguồn nước tưới phục vụ sản xuất tiết kiệm theo yêu cầu thực tế tại từng thời điểm, từng khu vực, từng cánh đồng. Trong trường hợp mực nước ngọt đệm trong nội đồng dưới cao trình <+0.5m (tại cống Trà Cú) khi không còn nguồn nước để tiếp, việc lấy nước ngọt tưới cho sản xuất gặp nhiều khó khăn; nhất là tại các địa phương có địa hình cao, kênh cấp III không còn nước để tưới cho lúa- màu. Theo đó, Trà Cú có khoảng 575ha, cần bơm tát chuyền từ kênh cấp II sang kênh cấp III để tạo nguồn nước cho dân tự bơm tát lên ruộng lúa, không để cho lúa bị chết khô.
Để “bắt tay” cùng nông dân hưởng ứng việc cắt giảm sản xuất vụ lúa, chuyển sang trồng màu nhằm tránh các thiệt hại do xâm nhập mặn; Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Hàm Giang đã liên kết với nhiều hộ trồng màu và thực hiện thu mua sản phẩm cho nông dân. Ông Lý Thành Dân, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc HTX nông nghiệp Hàm Giang cho biết: Hiện HTX có 50 thành viên, với diện tích 40ha đang liên kết trồng và thu mua sản phẩm các loại màu (trừ rau muống và cải xà lách). Nhìn chung, khi thông qua HTX, các hộ trồng màu an tâm vì đầu ra tương đối ổn định, như mô hình trồng bí siêu bông và bí non…cho thu nhập trên 259 triệu đồng/vụ/ha.
Với diện tích được HTX triển khai trong vụ màu mùa khô là 03ha, giống bí non (thu hoạch bông và trái), thời gian từ lúc trồng đến thu hoạch bông khoảng 30 ngày; thời gian thu bông bí kéo dài 20-25 ngày. Sau khi bông bí giảm năng suất, người trồng chuyển sang để trái. Nông dân Sơn Ngọc Thái, ấp Nhuệ Tứ A, xã Hàm Giang, cho biết: Gia đình mới trồng vụ đầu tiên trên diện tích 0,2ha; đã thu hoạch 07 tấn trái với giá 6.000 - 7.000 đồng/kg và 1,2 tấn bông bí, giá 10.000 đồng/kg. Tổng thu nhập trên 70 triệu đồng, trong đó chi phí khoảng 15 triệu đồng. Trồng bí lấy bông và trái non cho thu nhập rất cao và phù hợp với những diện tích chuyển từ lúa sang.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang trồng màu mặc dù có thu nhập cao, nhưng diện tích để liên kết bao tiêu còn quá ít so với diện tích trồng màu chung của xã Hàm Giang. Nông dân Trầm Lan, ấp Trà Tro chia sẻ: Gia đình có 1,1ha đất trồng lúa, vụ thu-đông đạt năng suất trên 5,5 tấn. Ở vụ đông-xuân 2019-2020, gia đình được địa phương khuyến cáo không sản xuất lúa vì khó khăn về nguồn nước ngọt và xâm nhập mặn. Do diện tích đất nằm xa nhà, không có điện để bơm tưới và thiếu lao động nên khó chuyển sang trồng màu; buộc phải cắt bỏ vụ và chờ xuống giống vụ hè-thu 2020.
HỮU HUỆ
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.