03/02/2021 18:09
Theo đó, tỉnh chia làm 04 tiểu vùng gồm: ngọt, ngọt hóa, mặn và cù lao. Ở tiểu vùng ngọt gồm các huyện Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, một phần ở phía Bắc huyện Châu Thành, huyện Trà Cú và một số phường, xã thuộc thành phố Trà Vinh, tập trung phát triển sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, thâm canh, quy mô lớn. Những nơi sản xuất lúa nhỏ lẻ, khó liên kết vùng, tỉnh khuyến khích nông dân chuyển đổi sang cây trồng khác hoặc nuôi thủy sản. Ngoài ra, vận động nông dân cải tạo đất giồng tạp, vườn tạp, nâng cấp, mở rộng các vườn cây ăn trái đặc sản, cây dừa thành vùng tập trung, chuyên canh quy mô lớn, chất lượng cao; nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp phát triển du lịch sinh thái miệt vườn. Các vật nuôi lợi thế của vùng này là heo, bò, gia cầm theo hướng an toàn sinh học; nuôi tôm, cá nước ngọt, vườn cây lâu năm kết hợp nuôi thủy sản.
Tiểu vùng ngọt hóa gồm phần lớn diện tích huyện Cầu Ngang, Trà Cú và một phần huyện Duyên Hải, Châu Thành, thành phố Trà Vinh, tỉnh chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác hoặc nuôi thủy sản. Đồng thời phát triển diện tích lúa đặc sản, hữu cơ, các loại rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày. Đàn vật nuôi lợi thế là bò, heo, dê, gia cầm và các loại thủy sản thế mạnh như tôm, cá nước lợ. Đặc biệt, vùng này phát triển mạnh nuôi tôm thâm canh ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển nuôi thủy sản lồng bè.
Tiểu vùng mặn gồm phần diện tích phía Nam Tỉnh lộ 914 tiếp giáp Biển Đông, nằm ngoài đê ngăn mặn của Dự án Nam Măng Thít, tỉnh củng cố, bảo vệ các khu rừng phòng hộ ven biển, ven sông để chắn sóng và hạn chế sạt lở, phục hồi và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn kết hợp du lịch biển. Bên cạnh đó, phát triển nuôi thủy sản sinh thái kết hợp rừng sản xuất; nhân rộng mô hình lúa - tôm/cua, rừng - tôm/cua, nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh ứng dụng công nghệ cao; nuôi thủy sản ven biển, lồng bè và sản xuất một số loại rau màu đặc thù như hành tím, dưa hấu, khoai lang Nhật…
Đối với tiểu vùng cù lao, gồm: Hòa Minh, Long Hòa của huyện Châu Thành, các cù lao thuộc thuộc thành phố Trà Vinh và huyện Cầu Ngang, cùng với việc phát triển rừng phòng hộ tạo thành vành đai bảo vệ chống sạt lở, tỉnh phát triển con nuôi thủy sản lợi thế như cá da trơn, tôm, cua, nghêu, sò…; đồng thời, nhân rộng mô hình sản xuất lúa đặc sản, lúa hữu cơ, tôm - lúa, chuyên tôm.
Để tăng hiệu quả sản xuất, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030, diện tích canh tác lúa còn khoảng 78.000ha, giảm hơn 4.700ha so với hiện nay để chuyển sang canh tác cây ăn trái, dừa và nuôi trồng thủy sản. Đối với ngành lúa gạo, vận động người dân tăng diện tích sử dụng giống xác nhận, giống chất lượng cao, chống chịu hạn, mặn. Huy động các nguồn lực đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu, hiện đại hóa công trình thủy lợi ứng phó với biến đổi khí hậu, hoàn chỉnh hạ tầng phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển nuôi trồng, khai thác thủy sản; huy động nguồn vốn tín dụng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nhất là nguồn vốn vay trung và dài hạn phù hợp với chu kỳ sản xuất, kinh doanh của từng đối tượng. Đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng phát triển chuỗi giá trị ngành hàng nông sản, phát triển kinh tế tập thể, thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm); đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; nhân rộng các mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu; phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản lý tài nguyên và môi trường.
Để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là ngành chế biến, tỉnh thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách phát triển toàn diện nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh liên kết vùng và tiểu vùng, tăng cường hợp tác quốc tế…
THANH HÒA
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.