09/08/2022 07:11
Bà Trần Thị Kim Thanh (phải) hướng dẫn cách chọn quả táo để thu hoạch.
Xen canh, đa dạng con nuôi để cắt vụ
Với lợi thế vùng ngập mặn, lợ những năm qua người dân trong xã không ngừng phát triển và cải tiến nghề nuôi thủy sản. Đặc biệt, những năm gần đây người dân trên địa bàn mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ cao nuôi tôm theo mô hình khép kín thâm canh mật độ cao đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống của người dân.
Từ đầu năm 2022 đến nay, toàn xã có hơn 4.600 hộ nông dân thả nuôi hơn 375 triệu con tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cua biển, tôm càng xanh, cá các loại, trên 974ha. Trong đó, có 177 lượt hộ thả nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh mật độ cao trên diện tích 27,95ha. Đến nay, có 2.544 lượt hộ thu hoạch, trong đó có 200 hộ thu lợi nhuận trên 100 triệu đồng, 562 hộ đạt lợi nhuận từ 50 - 100 triệu đồng.
Để nghề nuôi thủy sản ngày càng hiệu quả, các hộ nuôi tự phát cải tiến bằng hình thức nuôi xen canh, đa dạng con nuôi để cắt vụ vừa giảm chi phí, vừa giảm mầm bệnh trong ao nuôi, như: nuôi 01 vụ tôm sú - 01 vụ tôm thẻ chân trắng, 01 vụ tôm càng xanh - 01 vụ tôm thẻ chân trắng hoặc xen 01 vụ cá phi, góp phần cải thiện môi trường nuôi.
Điển hình như nông dân Nguyễn Minh Thức, ấp Cái Già Bến, xã Hiệp Mỹ Đông có kinh nghiệm nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng thâm canh gần 10 năm qua, cho biết: nuôi tôm thâm canh tỷ lệ rủi ro cao hơn nuôi thâm canh mật độ cao, do đó người nuôi cần xen canh, đa dạng con nuôi để cắt vụ, xử lý mầm bệnh chặt chẽ, hạn chế thiệt hại. Nhờ kinh nghiệm cũng như ứng dụng khoa học - kỹ thuật, nên vụ nuôi vừa qua, với 01ha diện tích anh Thức thiết kế thả nuôi 02 ao tôm sú và 01 ao tôm thẻ chân trắng, sản lượng thu hoạch đạt 4,1 tấn, giá bán 230.000 đồng/kg tôm sú và 115.000 đồng/kg tôm thẻ chân trắng, lợi nhuận trên 200 triệu đồng.
Ông Trần Trường Giang, Chủ tịch UBND xã Hiệp Mỹ Đông cho biết: năm 2022, xã tiếp tục thực hiện kế hoạch tái cơ cấu sản xuất nông - ngư nghiệp chủ yếu những cây có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ ổn định đảm bảo diện tích màu xoay vòng đạt 560ha; chăn nuôi gia súc 8.000 con theo hướng tập trung và an toàn dịch bệnh. Đầu tư phát triển thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, theo hướng đa dạng đối tượng nuôi, như: tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh...
Phấn đấu sản lượng nuôi, khai thác thủy sản năm 2022 đạt 5.350 tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 4.830 tấn. Khuyến khích Nhân dân mở rộng các mô hình nuôi thủy sản khác, khai thác tôm, cá tự nhiên nhằm tăng sản lượng thủy sản; thực hiện hiệu quả chuyển giao khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, từng bước nâng cao tỷ trọng đóng góp vào giá trị tăng trưởng trong từng lĩnh vực sản xuất.
Táo Thái bén duyên vùng ngập mặn
Song song với con nuôi thủy sản, gần đây người dân trong xã mạnh dạn chuyển đổi đất nuôi tôm kém hiệu quả, đất vườn tạp sang trồng cây ăn trái (táo Thái) đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với cây trồng khác.
Nông dân Phạm Thanh Nhiều, ấp Cái Già Bến là hộ dân tiên phong chuyển đổi đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng táo Thái, với tổng thu nhập từ 200 - 400 triệu đồng/năm. Ông Nhiều cho biết: với 2.500m2 đất nuôi tôm trước đây, hàng năm ông thả nuôi 02 - 03 vụ tôm thâm canh, trồng hoa màu trên bờ ao tôm, phần đông gặp thất bại nhiều hơn thành công với điệp khúc “tôm thất thu, hoa màu thất giá”.
Nhờ giải pháp làm “kinh tế mới” trên vùng “đất cũ”, trong chuyến thăm người thân ở tỉnh Đồng Nai vào năm 2017, ông nhận thấy cây táo Thái có giá trị kinh tế cao và đầu ra ổn định ở vùng đất tỉnh bạn, nên mua về trồng thử nghiệm 500m2 đất xung quanh nhà. Sau 06 - 08 tháng trồng, táo Thái không chỉ phát triển tốt, năng suất cao, thị trường tiêu thụ ổn định, từ đó ông mua cây giống về nhân rộng và thiết kế trồng trong nhà lưới trên diện tích đất nuôi tôm kém hiệu quả 2.500m2. Hơn 50 gốc táo hiện đang cho trái 02 đợt/năm, 05 tấn/đợt, giá bán từ 40.000 - 60.000 đồng/kg, đặc biệt có cây cho trái to trọng lượng 05 trái/kg, giá bán 100.000 đồng/kg.
Từ vườn táo ban đầu bằng tre phủ lưới kín với tổng đầu tư trên 20 triệu đồng, nay ông Nhiều thiết kế vườn táo quy hợp thành khu tham quan thu nhỏ với tổng mức đầu tư gần 200 triệu đồng. Phía trên vườn táo ông Nhiều thiết kế bằng cây sắt đỡ tàn táo, phủ lưới khép kín, phía dưới đào ao nuôi cá, giữa ao bố trí không gian nhà phủ cây rau, củ, quả che mát, bàn, ghế, dưới nước còn có chiếc xuồng nhựa phục vụ khách tham quan, giải trí với giá vé vào vườn 50.000 đồng/người. Bên cạnh, ông Nhiều còn cung ứng giống, hướng dẫn kỹ thuật, thiết kế lập giàn lưới cho người dân có nhu cầu, bình quân giá bán từ 100.000 - 200.000 đồng/cây táo giống.
Theo ông Nhiều, số hộ tham gia trồng táo hiện nay khoảng 10 hộ, trong đó có 05 hộ có diện tích trồng từ 500 - 1.000m2, hiện nguồn cung không đủ cầu. Về lâu dài, mô hình trồng táo Thái gắn với phát triển khu du lịch tạo điểm nhấn riêng của địa phương, rất mong Nhà nước hỗ trợ kinh phí xây dựng tuyến đường nông thôn từ Hương lộ 35 đến Kênh T4, nhằm đáp ứng đi lại cũng như việc mở rộng sản xuất của người dân trồng táo nói riêng, của ấp nói chung.
Theo những hộ trồng táo, tuy chi phí đầu tư ban đầu cao, nhưng thu hồi vốn trong năm đầu tiên và lợi nhuận kéo dài ở những năm tiếp theo. Nhận thấy vườn táo của gia đình ông Nhiều đem lại hiệu quả kinh tế cao, nên bà Trần Thị Kim Thanh, ấp Cái Già Trên, xã Hiệp Mỹ Đông đầu tư 90 triệu đồng mua giống, lưới, cây sắt... thiết kế nhà lưới trồng táo.
Bà Thanh cho biết: 42 gốc táo trồng trên diện tích gần 500m2 hiện đang cho trái chiếng, giá bán từ 30.000 - 40.000 đồng/kg. Táo trồng khoảng 06 - 08 tháng cho thu hoạch. Thời gian thu hoạch liên tục kéo dài 03 tháng, sau đó cắt nhánh để tạo tàn mới, bón phân đúng, đủ hợp lý. Từ khi bước vào vụ thu hoạch đến nay, táo không đủ giao cho khách hàng, mặc dù bà rất muốn nhân rộng trồng thêm 4.000m2 nhưng do gia đình thiếu lao động, bà đang tìm giải pháp để nhân rộng loại cây trồng này.
Tuy táo là cây trồng mới nhưng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương, nhất là loại đất thịt, cát, triền giồng... Đây là loại cây trồng bước đầu có giá trị kinh tế, rủi ro thấp, đầu ra ổn định, tương lai có khả năng nhân rộng sang những xã lân cận trong huyện, góp phần nâng cao thu nhập cho những hộ dân ít đất, thiếu vốn đầu tư nuôi tôm.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.