12/11/2020 15:03
Ông Nguyễn Văn Đảm, Trưởng Ban Nhân dân ấp Tân Hạnh, xã Đại Phúc (bên trái) tham quan vườn bưởi của nông dân trong ấp.
Là huyện thuần nông, hơn 75% dân số có nguồn thu nhập chính dựa vào sản xuất nông nghiệp. Năm 2016, huyện Càng Long xây dựng kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng năng suất và giá trị để tăng sức cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp của huyện.
Cùng thời điểm đó, UBND huyện Càng Long ban hành Kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện, giai đoạn 2016 - 2020, tổ chức triển khai tập trung đẩy mạnh sản xuất theo hướng nâng cao giá trị trên cây lúa là sản phẩm chủ lực của huyện với diện tích sản xuất là 35.435ha, sản lượng 200.397 tấn; hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa tập trung, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trên thị trường như: đẩy mạnh sản xuất lúa chất lượng cao, xây dựng cánh đồng lớn ở các xã: An Trường A, Tân Bình, An Trường, Bình Phú, Phương Thạnh và Mỹ Cẩm với diện tích 1.460,6ha, sử dụng các loại giống OM5451, OM4900. Lúa thuộc cánh đồng lớn cho năng suất bình quân đạt 7,2 tấn/ha, cao hơn 0,3 tấn/ha so với lúa thường; lợi nhuận bình quân cao hơn so với sản xuất lúa IR50404 từ 06 - 08 triệu đồng/ha; xây dựng mô hình sản xuất lúa an toàn thân thiện với môi trường thích ứng biến đổi khí hậu theo hướng nông nghiệp sạch sử dụng phân hữu cơ, phân bón thông minh, liên kết theo chuỗi giá trị gắn tiêu thụ sản phẩm (quy mô liên xã, do Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Huyền Hội thực hiện). Trong năm 2018 - 2019 sản xuất trên 300ha, năng suất bình quân đạt từ 6,3 - 6,5 tấn/ha, giá bán cao hơn từ 250 - 300 đồng/kg so với sản xuất lúa sử dụng bằng phân hóa học.
Ngoài ra, để chủ động trong sản xuất, huyện đã ứng dụng công nghệ thông tin trong canh tác như đưa công nghệ tự động quan trắc ứng dụng phần mềm để theo dõi, quản lý độ mặn, có 03 trạm quan trắc được lắp đặt tại 03 địa điểm trên địa bàn huyện, qua đó chủ động trong khâu quản lý nước cũng như vận hành các cống, bọng để ngăn mặn, trữ ngọt kịp thời, làm tăng hiệu quả sản xuất, giảm chi phí, tăng lợi nhuận bình quân từ 05 - 5,5 triệu đồng/ha.
Phát triển mô hình trồng chuyên màu, cây công nghiệp ngắn ngày và cây khác với diện tích 7.742ha, tập trung ở các xã Đức Mỹ, Nhị Long, Nhị Long Phú, Đại Phước, Phương Thạnh, Huyền Hội, An Trường, An Trường A, Bình Phú… trong đó, diện tích trồng màu chủ yếu là chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng màu khoảng 744ha, chủ yếu trồng rau các loại, bắp, dưa leo, khổ qua, ớt, hành, dưa hấu, đậu các loại...
Trong sản xuất nông nghiệp, huyện tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, xây dựng mô hình khuyến nông nhân rộng mang lại thu nhập bình quân đạt 125 triệu đồng/ha, cao hơn so với năm 2011 từ 70 - 75 triệu đồng/ha. Điển hình như mô hình trồng cây màu dưới chân ruộng, mô hình trồng màu trong nhà lưới, tưới tiết kiệm nước, sản xuất lúa theo phương pháp “1 phải 5 giảm”…; nhiều mô hình chăn nuôi hiệu quả kinh tế cao, như mô hình nuôi lươn không bùn cho lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng/0,1ha/01 vụ nuôi (05 tháng); mô hình nuôi cá chạch lấu, cá thác lác cườm lợi nhuận trung bình từ 160 triệu đồng/0,1ha/vụ nuôi (08 tháng).
Huyện Càng Long có diện tích dừa 7.767ha, thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, diện tích dừa của huyện được cải tạo, trồng mới, chăm sóc theo quy trình áp dụng khoa học cho năng suất cao, hiệu quả và giá trị thu nhập bình quân trên đơn vị diện tích 65 triệu đồng/ha, cao hơn từ 20 - 30 triệu đồng/ha so với năm 2011. Cây ăn trái cũng chiếm phần quan trong trong việc tăng thu nhập của nông dân, với diện tích trồng cây ăn trái khoảng 5.655ha, chủ yếu là bưởi da xanh, quít đường, cam sành, thanh long ruột đỏ, xoài, mít... trong đó, thanh long ruột đỏ và bưởi da xanh được người dân mạnh dạn chuyển đổi từ đất kém hiệu quả sang đầu tư sản xuất mang giá trị cao trên một đơn vị canh tác, diện tích bưởi da xanh toàn huyện hiện có trên 200ha, đã thành lập hợp tác xã chuyên về trồng và tiêu thụ bưởi da xanh (Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Phúc) với diện tích 22ha, có 42 hộ tham gia, sản phẩm bưởi da xanh được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Ông Nguyễn Văn Đảm, Trưởng Ban Nhân dân ấp Tân Hạnh, xã Đại Phúc cho biết: những năm 2015, 2016, ấp Tân Hạnh là vùng đất lúa kém hiệu quả, đến mùa thu hoạch lúa nông dân phải bù thêm tiền phân, thuốc, nên một số hộ quyết định chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả lên vườn. Ban đầu, nông dân chưa biết trồng cây gì mang lại hiệu quả kinh tế cao; một số hộ trồng bưởi da xanh ruột hồng, chưa biết giá cả thế nào nhưng thấy cây thích nghi, phát triển tốt, sau đó thấy được hiệu kinh tế mang lại nên Nhân dân mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây loại cây này, ngoài ra còn trồng thêm cam sành, quít đường. Sau khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhiều hộ vươn lên khá, điển hình như hộ ông Phạm Văn Minh Hải, với diện tích 0,8ha trồng bưởi da xanh, từ đầu năm 2020 đến nay lợi nhuận trên 300 triệu đồng; hộ ông Nguyễn Văn Chói với mô hình trồng bưởi da xanh gắn với nuôi bò mang vỗ béo, hàng năm gia đình ông thu lợi nhuận khoảng 400 triệu đồng…
Cùng với trồng trọt, chăn nuôi được phát triển theo hướng trang trại, gia trại tập trung quy mô vừa và nhỏ. Hiện tổng đàn gia súc trên địa bàn huyện ước khoảng 101.400 con, tăng 5,4% so với năm 2011 (năm 2011 là 95.925 con), đàn gia cầm ước 2.220.000 con, tăng 67% so năm 2011 (năm 2011 là 1,487 triệu con). Nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện phát triển khá mạnh, toàn huyện thả nuôi với diện tích 1.084 ha, sản lượng 6.350 tấn, với các đối tượng thả nuôi có giá trị kinh tế cao như: cá tra, cá lóc, cá thác lác cườm, lươn, ếch, cá sặc rằn, tôm càng xanh… hiện các mô hình chăn nuôi tiếp tục được duy trì và phát triển, hoạt động hiệu quả mang lại lợi nhuận hàng năm từ 120 - 320 triệu đồng/01 mô hình, quy mô và giá trị mang lại gấp nhiều lần so với hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ.
Tổng giá trị sản xuất bình quân trên một hec-ta đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt bình quân 194 triệu/ha, tăng 74 triệu đồng/ha so với năm 2011 (năm 2011 là 120 triệu đồng/ha). Trong đó, cây hàng năm 93,66 triệu đồng/ha (cây lúa 84 triệu đồng/ha, cây màu 145 triệu đồng/ha, cây khác 52 triệu đồng/ha), tăng17,8 triệu đồng/ha so năm 2011; cây lâu năm 285,6 triệu đồng/ha, tăng 117,4 triệu đồng/ha so năm 2011 (cây ăn trái 168 triệu đồng/ha, cây dừa 34 triệu đồng/ha)... |
Theo ông Nguyễn Văn Nhủ, thực hiện Kế hoạch tái cơ cấu nông nghiệp và kế hoạch phát triển ngành chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2025, huyện Càng Long tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện theo hướng nâng cao giá trị, tập trung triển khai các mô hình ứng dụng công nghệ cao, trồng rau trong nhà lưới, phát triển và nhân rộng mô hình trồng cây ăn trái sản xuất theo hướng hữu cơ, vi sinh an toàn để nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích. Đối với sản phẩm chủ lực, tiếp tục triển khai Đề án “Phát triển mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2018 - 2020 và định hướng đến năm 2030” theo Quyết định số 1905/QĐ-UBND, ngày 27/9/2018 của UBND tỉnh, trong đó tập trung xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa cho các sản phẩm chủ lực của từng địa phương (cây lúa, cây lác, cây dừa, cây ăn trái…), đồng thời xây dựng vùng sản xuất hàng hóa có chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc để hướng đến xây dựng quy trình sản xuất quy chuẩn quy định, xây dựng được nhãn hiệu, thương hiệu cho các sản phẩm, nông nghiệp nhất là các sản phẩm chủ lực của huyện và các loại nông sản khác khi đủ điều kiện.
Bài, ảnh: KIM LOAN
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.