27/07/2020 12:46
Vườn thanh long của bà Nguyễn Thị Khuyên (bên phải), ấp Chợ, xã Phương Thạnh, huyện Càng Long đang chuẩn bị cho trái.
Từ năm 2010 đến nay, cùng với cả nước, cán bộ, đảng viên, hội viên các đoàn thể và quần chúng Nhân dân trên địa bàn huyện Càng Long tích cực hưởng ứng tham gia XDNTM. Hầu hết các xã trên địa huyện chưa có quy hoạch phát triển chung, tổng thể, kết cấu hạ tầng thiết yếu còn hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo cao (chiếm gần 12,5%), thu nhập bình quân đầu người của huyện vào thời điểm đó chỉ đạt gần 25,5 triệu đồng/năm.
Càng Long là huyện có mật độ dân cư tương đối đông, trên 33.000 hộ với 147.694 nhân khẩu, đây cũng là huyện có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên, hệ thống kết cấu hạ tầng còn nghèo nàn, lạc hậu. Qua rà soát, đánh giá theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM vào năm 2011 cho thấy, bình quân mỗi xã của huyện chỉ đạt 8,5/19 tiêu chí so với Bộ tiêu chí quốc gia về XDNTM (xã đạt cao nhất là 12,5 tiêu chí, xã đạt thấp nhất là 05 tiêu chí), nhiều tiêu chí NTM thiết yếu, như giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, hộ nghèo… hầu như không xã nào đạt.
Ông Nguyễn Văn Nhủ, Chủ tịch UBND huyện Càng Long cho biết: từ khi huyện hưởng ứng phong trào cùng cả nước chung tay XDNTM, việc xây dựng kết cấu hạ tầng như: điện, đường, trường, trạm, cơ sở vật chất văn hóa… bắt đầu được rà soát, đưa vào quy hoạch, xây dựng kế hoạch thực hiện cho cả giai đoạn 2010 - 2015. Tuy nhiên, giai đoạn đầu trong quá trình thực hiện, huyện Càng Long còn gặp nhiều khó khăn, nguyên nhân do nguồn lực còn hạn chế, đầu tư không đồng bộ, nhiều mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, XDNTM không đạt được như dự kiến. Hơn nữa, do dân cư đông và sống dựa vào sản xuất nông nghiệp là chủ yếu (chiếm trên 80%), công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ phát triển chậm, nên thu nhập bình quân đầu người của huyện không cao, tỷ lệ hộ nghèo cao, việc huy động đóng góp của người dân để xây dựng kết cấu hạ tầng còn khó khăn.
Nhìn chung, giai đoạn 2011 - 2015, kết quả XDNTM trên địa bàn huyện Càng Long đạt thấp. Cuối năm 2015, 02 xã đầu tiên (Nhị Long Phú và An Trường) được UBND tỉnh công nhận là xã đạt chuẩn NTM. Song, từ năm 2016 đến nay, huyện Càng Long đã có nhiều cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả hơn trong thực hiện phong trào thi đua XDNTM. Đơn cử như, tháng 7/2016, Huyện ủy Càng Long ban hành Kế hoạch số 28-KH/HU về XDNTM giai đoạn 2016 - 2020. Cùng với đó, nhiều chỉ tiêu về NTM được cụ thể hóa trong các nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của huyện. Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia và Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” các cấp được kiện toàn và hoạt động hiệu quả rõ rệt.
Sau 10 năm XDNTM, huyện Càng Long đã huy động các nguồn lực gần 1.226 tỷ đồng phục vụ cho chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM (giai đoạn 2010 - 2015 huy động 458,831 tỷ đồng; giai đoạn 2016 - 2020 huy động 767,169 tỷ đồng), trong đó vốn Nhân dân đối ứng bằng nhiều hình thức 66,157 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 5,22%). Đến nay, huyện Càng Long có 10/13 xã đạt chuẩn xã NTM, tăng 08 xã so với năm 2015, bình quân mỗi xã tham gia XDNTM đạt 17,84 tiêu chí (tăng 9,34 tiêu chí) so với năm 2015; có 92/111 ấp được công nhận ấp NTM (chiếm tỷ lệ 82,88%), tăng 69 ấp so năm 2015; có 25.938 hộ văn hóa - NTM, đạt 81,56%; thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 58 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều chiếm 1,73%, giảm gần 10,72% so với năm 2010, toàn huyện có 100% xã đạt tiêu chí về thu nhập, 100% xã đạt tiêu chí về hộ nghèo. |
Hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu, từ điện, đường, trường, trạm, cơ sở vật chất văn hóa, nước sạch cho tới nhà ở dân cư ngày càng được hoàn thiện, góp phần trực tiếp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Nhiều mô hình sản xuất, cách làm kinh tế hay, mới đã giúp người dân nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu, như mô hình chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng thanh long ruột đỏ, cam sành, bưởi da xanh, quýt đường, lác... nhiều mô hình chăn nuôi theo hình thức công nghiệp cũng hình thành, như mô hình nuôi heo, bò, gà, vịt, cá lóc, cá thác lác cườm, ếch, lươn… từng bước hình thành được những vùng sản xuất tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao, hiện, 01ha đất sản xuất trên địa bàn huyện Càng Long cho thu nhập bình quân trên 110 triệu đồng/năm.
Trong XDNTM, huyện Càng Long luôn xem việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là một trong những mục tiêu quan trọng nhất, đây được xác định là nền tảng để Càng Long XDNTM ngày càng bền vững hơn. Bà Nguyễn Thị Khuyên, người dân ấp Chợ, xã Phương Thạnh phấn khởi cho biết: chung tay cùng với chính quyền địa phương XDNTM, gia đình tôi mạnh dạn chuyển đổi 04 công đất lúa kém hiệu quả sang trồng thanh long. Tôi thấy vùng đất ở đây rất thích hợp với cây trồng này, nhiều hộ gia đình ở đây vươn lên khấm khá nhờ chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây thanh long. Vườn thanh long của tôi chỉ nặng vốn đầu tư ban đầu hơn 100 triệu đồng, hiện cây đang phát triển khá tốt, nhiều hộ xung quanh thấy vậy cũng đang học tập làm theo. Bản thân tôi thấy, vấn đề chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn huyện đang phát triển đúng hướng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần tích cực trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM trong thời gian qua.
Mục tiêu mà Nghị quyết số 04-NQ/HU, ngày 30/11/2011 của Huyện ủy Càng Long về XDNTM giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020 đề ra là, đến năm 2020 huyện Càng Long phải có trên 50% số xã đạt chuẩn NTM, đến nay, huyện đã thực hiện đạt và vượt so với chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.
Ông Nguyễn Văn Nhủ cho biết thêm: giai đoạn 2021 - 2025, huyện Càng Long tập trung xây dựng các kế hoạch, đề ra các mục tiêu cụ thể phù hợp với điều kiện cụ thể từng địa phương. Trong xây dựng kết cấu hạ tầng, chú trọng hơn đến yếu tố liên kết vùng, gắn với thích ứng biến đổi khí hậu. Huyện tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt việc lồng ghép các chương trình, dự án để hỗ trợ, xây dựng các mô hình phát triển sản xuất, tổ hợp tác, hợp tác xã theo chuỗi giá trị. Đồng thời chú trọng hơn đến công tác giảm nghèo, nhất là đối với các khu vực có đông đồng bào dân tộc sinh sống. Bên cạnh việc kiến nghị các ngành chức năng sớm ban hành khung văn bản pháp lý cho việc XDNTM giai đoạn tiếp theo (sau năm 2020), huyện cũng kiến nghị tỉnh bố trí thêm vốn để hoàn thành các tiêu chí về kết cấu hạ tầng, như nâng cấp đường nông thôn đạt chuẩn theo quy định về cấp đường của Bộ Giao thông - Vận tải, hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi phục vụ nhu cầu sản xuất, thích ứng với biến đổi khí hậu, hoàn thiện các thiết chế văn hóa, cơ sở vật chất của các trạm y tế, tăng cường đầu tư cấp nước sạch sinh hoạt khu vực nông thôn, cải tạo nâng cấp mạng lưới điện… phấn đấu đến tháng 8/2020 huyện Càng Long được UBND tỉnh kiểm tra và công nhận thêm 03 xã của huyện đạt chuẩn xã NTM (Nhị Long, Bình Phú, Huyền Hội) và đến tháng 12/2020 huyện Càng Long được Trung ương kiểm tra và công nhận đạt chuẩn huyện NTM.
Bài, ảnh: KIM LOAN
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.