06/09/2023 08:39
Tuyến giao thông vùng đồng bào Khmer huyện Càng Long được đầu tư xây dựng kiên cố.
Năm 2023, huyện Càng Long được phân bổ nguồn vốn 22 tỷ đồng thực hiện chính sách đối với đồng bào dân tộc, xây dựng kết cấu hạ tầng vùng đồng bào dân tộc. Trong đó vốn Trung ương hỗ trợ trên 15,7 tỷ đồng. Với nguồn vốn được phân bổ, các địa phương khẩn trương triển khai hỗ trợ cho đồng bào Khmer hưởng lợi.
Từ đầu năm 2023 đến nay, huyện Càng Long tập trung triển khai thực hiện 06 dự án, nội dung hoạt động của Chương trình. Trong đó dự án 1“giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt”, huyện giải quyết cho 01 hộ được hưởng lợi về đất ở, 03 hộ về nhà ở, 01 hộ về nước sinh hoạt, giải ngân vốn 187 triệu đồng. Thực hiện dự án “Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, huyện triển khai thực hiện 11 công trình gồm: 08 công trình xây dựng mới, 02 công trình chuyển đổi từ năm trước và 01 công trình duy tu bảo dưỡng. Các công trình đều tập trung cho các xã có đông đồng bào Khmer.
Cụ thể như xã Phương Thạnh đầu tư xây dựng 03 công trình gồm: đường đal ấp Đầu Giồng với chiều dài 510m, ngang 2,5m, tổng kinh phí xây dựng 945 triệu đồng; đường nhựa ấp Hưng Nhượng B, tổng chiều dài 1,24km, ngang 3m với tổng kinh phí 2,264 tỷ đồng, đã giải ngân được hơn 950 triệu đồng, đạt 42%; công trình đường nhựa Phú Hòa - Hưng Nhượng A giai đoạn 2, thời gian thực hiện năm 2022 - 2023, mặt đường rộng 2,5m, dài 1,8km, kế hoạch vốn năm 2023 là 1,980 tỷ đồng, thi công đạt 100%. Đến nay, huyện đã kiểm tra nghiệm thu chất lượng công trình, giải ngân vốn đạt 86,54%.
Triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia không chỉ giúp cho vùng đồng bào Khmer thêm khởi sắc mà còn giúp cho đời sống đồng bào Khmer không ngừng được phát triển.
Bà Thạch Thị Hoàn, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Càng Long cho biết: nhờ triển khai kịp thời Chương trình đến với đồng bào Khmer được hưởng lợi nên mức sống của đồng bào Khmer được nâng cao hơn. Hiện nay, thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số đạt 64 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo hàng năm trong đồng bào Khmer giảm 1,7%. Dự kiến đến cuối năm 2023 các ấp đặc biệt khó khăn, ấp vùng đồng bào dân tộc Khmer được công nhận ấp đạt chuẩn nông thôn mới.
Đến huyện Càng Long, chúng ta cảm nhận ngay sự đổi thay rõ rệt trong vùng đồng bào Khmer là 100% ấp có đường ô-tô đến trung tâm được cứng hóa; 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 99,5% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 85% hộ đồng bào Khmer được xem truyền hình và nghe đài phát thanh.
Song song đó, các địa phương đã giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề cho đồng bào Khmer; 67,24% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện; 100% ấp có nhà sinh hoạt cộng đồng; 100% ấp có đội văn hóa, văn nghệ truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng. Công tác giải quyết việc làm cho lao động dân tộc Khmer cũng được quan tâm đúng mức, qua đó huyện tổ chức tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, xây dựng đội ngũ cán bộ là dân tộc Khmer tại chỗ, bảo đảm tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức là dân tộc Khmer phù hợp với tỷ lệ dân số là người dân tộc Khmer ở từng địa phương.
Nhờ được sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh nhiều địa phương cũng thuận lợi trong việc triển khai thực hiện Chương trình. Thời gian tới huyện Càng Long tiếp tục tranh thủ các nguồn vốn lồng ghép khác để giải quyết tình trạng nước sạch cho hộ phân tán cùng những phần việc khác có liên quan nhằm giúp cho việc triển khai chính sách đối với đến đồng bào Khmer đạt được kết quả cao hơn.
Bài, ảnh: SÂM BÁT
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.