03/11/2022 10:11
Sản phẩm “Dừa sáp Hòa Tân” của Hợp tác xã Dừa sáp Hòa Tân được chứng nhận OCOP 4 sao năm 2022 và có nhãn hiệu, mã vạch truy xuất nguồn gốc.
Với nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả, Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm OCOP, huyện Cầu Kè đã và đang thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình tập trung nâng cao chất lượng, giá trị và đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp của địa phương, gắn với XDNTM. Từ vài sản phẩm được công nhận OCOP, đến cuối tháng 10/2022, Cầu Kè có 12 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP; trong đó, 06/12 sản phẩm 4 sao, 04/06 sản phẩm 4 sao có tiềm năng 5 sao.
Đáng chú ý, vài năm gần đây, huyện Cầu Kè tập trung chuyển đổi nhiều diện tích vườn, lúa kém hiệu quả sang trồng bưởi da xanh, dừa sáp, cam sành và một số cây trồng khác theo tiêu chuẩn VietGAP, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm nông sản của địa phương.
Bên cạnh đó, năm 2022, phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh hỗ trợ cơ sở tham gia Chương trình OCOP theo nguồn vốn thực hiện Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND: hỗ trợ 100% kinh phí thiết kế bao bì, nhãn mác sản phẩm và xây dựng câu chuyện sản phẩm, mức hỗ trợ không quá 10 triệu đồng/sản phẩm; huyện Cầu Kè được phê duyệt hỗ trợ cho 02 sản phẩm của 02 chủ thể là “Bưởi da xanh” của Hợp tác xã nông nghiệp Ninh Thới, xã Ninh Thới và “Dừa sáp Hòa Tân” của Hợp tác xã Dừa sáp Hòa Tân, xã Hòa Tân.
Bình quân các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn huyện thu mua trái dừa sáp cho người dân từ 4.000 - 5.000 trái/ngày để chế biến các sản phẩm mứt, kẹo các loại…
Bà Nguyễn Thị Cẩm Hằng, chủ cơ sở mứt dừa sáp Cẩm Hằng (thị trấn Cầu Kè) chia sẻ: sản phẩm của cơ sở được UBND tỉnh chứng nhận đạt OCOP 3 sao và đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Nam năm 2020. Hiện nay, diện tích trồng dừa sáp ở Cầu Kè phát triển nhanh, đầu ra của sản phẩm chủ yếu là tiêu thụ nguyên trái.
Sau khi cơ sở sản xuất thành công mứt dừa sáp, kẹo dừa sáp, đã hướng đến việc liên kết giữa người trồng dừa với cơ sở sản xuất bánh mứt, đây cũng là dịp để xây dựng và nâng cao giá trị sản phẩm dừa sáp Cầu Kè đến với người tiêu dùng. Hàng ngày, cơ sở thu mua từ nhà vườn khoảng 300 - 400 trái dừa sáp (bình quân khoảng 10.000 trái dừa sáp/tháng) để cung cấp về Thành phố Hồ Chí Minh, Bến Tre…
Được biết, tại Công ty TNHH chế biến dừa sáp Cầu Kè hiện có 04/09 sản phẩm OCOP: dừa sáp sợi (VICOSAP), kẹo dừa sáp nguyên chất, kẹo dừa sáp lá dứa, kẹo dừa sáp cacao đang là một trong những sản phẩm được định hướng xây dựng sản phẩm OCOP cấp quốc gia, được tỉnh đề xuất sản phẩm tiềm năng 5 sao.
Về tham gia sàn thương mại điện tử, trong 12 sản phẩm OCOP của Cầu Kè đã được chứng nhận, hiện có 07 sản phẩm đã tham gia sàn thương mại điện tử: “Dừa sáp Hòa Tân” tham gia sàn thương mại điện tử PostMart.vn. “Củ cải muối Chịt Sa” tham gia sàn thương mại điện tử Voso.vn; travinhtrade.vn; Sendo.vn.
Các sản phẩm: dừa sáp sợi VICOSAP, kẹo dừa sáp cacao, kẹo dừa sáp nguyên chất, kẹo dừa sáp lá dứa và dừa sáp Bảo Châu của Công ty TNHH chế biến dừa sáp Cầu Kè tham gia sàn thương mại điện tử Shopee.vn; Tiki.vn; Lazada.vn; VietnamPost; App hệ thống VICOSAP.
Trong XDNTM, đặc biệt là tạo hướng đi mới cho người dân vùng nông thôn, nhằm phát huy các giá trị sản phẩm nông sản tiềm năng của địa phương để đưa vào thị trường. Qua đó, huyện đã vận động người dân, các tổ chức sản xuất, các địa phương tập trung phát triển sản xuất, đăng ký nâng cao chất lượng, giá trị và đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp nông thôn.
Theo đồng chí Diêu Hùng Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Cầu Kè: từ nay đến cuối năm 2022, Cầu Kè sẽ đề nghị tỉnh thẩm định và chấp thuận cho 11 sản phẩm đăng ký mới của các tổ chức kinh tế tham gia chu trình OCOP, như: lươn thịt phi lê Thiện Nhân (xã Phong Thạnh); chuối tá quạ tươi (xã Tam Ngãi); mứt chuối tá quạ (xã An Phú Tân); sữa chua dừa sáp, dừa sáp sấy khô giòn tan, kẹo chuối gân (xã Thạnh Phú)... Phối hợp với các cơ sở sản xuất tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng, quy mô các sản phẩm đã tham gia chu trình OCOP. Hướng tới sẽ phát triển thêm nhiều sản phẩm tham gia sàn thương mại điện tử như: Hotdeal, Zalora, Adayroi, Lotte, Zanado…
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.