12/12/2024 13:26
Anh Hứa Văn Hữu (bên trái) kiểm tra trọng lượng ếch trong mô hình.
Thời gian qua, các mô hình được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Làm vườn huyện và Trung tâm Kỹ thuật dịch vụ nông nghiệp huyện Cầu Kè triển khai cho các nông hộ trên địa bàn các xã Thông Hòa, Thạnh Phú, Tam Ngãi, An Phú Tân, Phong Thạnh… mang lại thu nhập cao cho người dân như mô hình nuôi bò vỗ béo; gà; ếch; mô hình chăn nuôi tuần hoàn (bò vỗ béo - trùn quế - ếch + cá); ốc bươu đen hay trồng rau màu xen trong vườn cây ăn trái mới chuyển đổi.
Trong đó, mô hình nuôi ếch; mô hình chăn nuôi tuần hoàn (bò vỗ béo - trùn quế - ếch + cá) đã triển khai thực hiện cho 06 hộ ở các xã Hòa Ân, Thông Hòa, Phong Thạnh với tổng diện tích 300m2; cung cấp 24.000 con ếch giống và 2.500 con cá trê vàng và số hộ tận dụng đàn bò 30 con để cung cấp chất thải (phân bò) cho nuôi trùn quế (diện tích 60m2/hộ)… Qua đó, bình quân mô hình mang lại thu nhập trên 17 triệu đồng/hộ.
Anh Hứa Văn Hữu, ấp Ô Chích, xã Thông Hòa cho biết: gia đình có gần 0,5ha vườn dừa, trong sản xuất, anh đã tận dụng các diện tích còn trống để phát triển chăn nuôi bò và nuôi cá. Năm 2024, được hỗ trợ từ Trung tâm Kỹ thuật dịch vụ nông nghiệp huyện Cầu Kè để thực hiện mô hình chăn nuôi tuần hoàn (bò vỗ béo - trùn quế - ếch + cá); trong này, gia đình đã thực hiện thả nuôi 4.000 con ếch giống và 417 con cá trê vàng.
Bên cạnh nguồn thức ăn viên công nghiệp, với nguồn phân bò từ đàn bò 05 con của gia đình được tận dụng nuôi trùng quế nhằm bổ sung lượng đạm cho ếch, cá… từ đó, giúp ếch và cá phát triển tăng trọng nhanh, đem lại thu nhập thêm cho gia đình trên 20 triệu đồng.
Đặc biệt trong phát triển lồng ghép các mô hình kinh tế vườn; Hội làm vườn huyện đã vận động các hộ có vườn cây ăn trái thực hiện mô hình VAC khép kín; hiện đạt khoảng 50% diện tích tham gia mô hình VAC. Hội phối hợp với UBND các xã phát triển 10 tổ hợp tác trên lĩnh vực cây ăn trái/62 thành viên/diện tích 31ha; nâng tổ hợp tác toàn huyện là 133 tổ/1.913 thành viên/840,35ha; góp phần giải quyết cho 2.667 lao động.
Theo ông Nguyễn Văn Tranh, Chủ tịch Hội Làm vườn huyện Cầu Kè, thông qua mô hình tổ hợp tác đã vận động các thành viên hùn vốn được 452,7 triệu đồng, giải quyết cho 4.430 lượt thành viên mượn vốn phục vụ trong mua vật tư nông nghiệp… Ngoài ra, trong năm 2024 Hội liên kết với hợp tác xã, tổ hợp tác và cơ sở thu mua trái cây để tiêu thụ sản phẩm cho nhà vườn được 3.908 tấn như mít, ổi, cam, thanh long, sầu riêng, dừa sáp…
Cũng theo anh Hứa Văn Hữu đây là mô hình khá phù hợp với điều kiện phát triển của người dân ở nông thôn trong việc tận dụng các diện tích xung quanh nhà để thực hiện; trong thời gian tới, gia đình tiếp tục mở rộng quy mô của mô hình chăn nuôi tuần hoàn (bò vỗ béo - trùn quế- ếch + cá) vào phát triển kinh tế hộ.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Xã Ngãi Hùng, huyện Tiểu Cần được Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao theo Quyết định số 967/QĐ-UBND, ngày 05/6/2024. Đạt được kết quả này là nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình ủng hộ của Nhân dân toàn xã, trong đó có sự đóng góp của Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Ngãi Hùng.