20/07/2023 07:31
Nông dân Thạch Dũng với mô hình xen canh trong vườn dừa sáp được hỗ trợ chuyển đổi theo Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh.
Theo đó, giai đoạn 2021 - 2022, trên địa bàn huyện Cầu Kè đã triển khai thực hiện Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND, ngày 19/3/2021 của HĐND tỉnh Trà Vinh về Quy định chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025, được 42 dự án, tổng diện tích 344ha/618 hộ được hỗ trợ đầu tư chuyển đổi sản xuất (cải tạo, trồng mới diện tích vườn già cỗi, kém hiệu quả và đất trồng lúa sang trồng dừa, cam sành, bưởi…). Nghị quyết số 98/2019/NQ-HĐND, ngày 10/12/2019 của HĐND tỉnh Trà Vinh về Quy định mức hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh, đã đầu tư cho nông dân ở 07/10 xã, tổng diện tích 89,1ha được lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước, tổng kinh phí đầu tư trên 3,564 tỷ đồng.
06 tháng đầu năm 2023, thông qua các chính sách hỗ trợ chuyển đổi đã tạo điều kiện cho nông dân trong huyện chủ động được nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất, đồng thời nhờ ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất… đã đưa diện tích gieo trồng và sản lượng rau màu tăng hơn so cùng kỳ: tổng diện tích màu gieo trồng 5.357ha, đạt 57,12% kế hoạch, tăng 695,66ha so với cùng kỳ, sản lượng ước đạt 110.031 tấn, đạt 55,35% so kế hoạch.
Diện tích cải tạo vườn kém hiệu quả, thành vườn chuyên canh; chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái… 130,6ha, nâng diện tích vườn cây ăn trái của toàn huyện hiện có 7.960,4ha; sản lượng thu hoạch gần 142.461 tấn trái cây các loại, đạt 72,83% kế hoạch, tăng 32.671,9 tấn so cùng kỳ.
Nông dân Thạch Dũng, Tổ trưởng Tổ hợp tác dừa sáp Hòa Tân, xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè cho biết: được sự hỗ trợ từ Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND, đã đầu tư cho 17 hộ, diện tích 6,4ha; trong đó, có trên 90% số hộ là đồng bào Khmer. Các hộ được hỗ trợ 30 triệu đồng/ha để chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng dừa sáp kết hợp với trồng màu, theo hình thức “lấy ngắn nuôi dài”.
Cũng theo nông dân Thạch Dũng, gia đình được hỗ trợ 12 triệu đồng để chuyển đổi 4.000m2 đất lúa sang trồng 85 gốc dừa sáp. Trong thời gian chờ hiệu quả của dừa sáp, diện tích chuyển đổi được gia đình trồng xen các loại rau màu và cây họ bí, cùng với hơn 60 gốc ổi Nữ hoàng; qua gần 02 năm chuyển đổi, đến nay, nguồn thu nhập phụ từ dưới tán dừa khoảng 50 triệu đồng. Nhờ có nguồn vốn hỗ trợ từ Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND, nên nhiều nông dân thực hiện chuyển đổi được cây trồng trên đất canh tác của gia đình.
Nói về tính hiệu quả từ Nghị quyết số 98/2019/NQ-HĐND, nông dân Cao Văn Phụ, ấp Hòa An, xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè chia sẻ: gia đình có 1,3ha đất vườn tạp, được Nhà nước hỗ trợ 50%/tổng chi phí lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm (54 triệu đồng). Với hệ thống tưới tiết kiệm kết hợp tưới thuốc cùng với phân bón, giúp gia đình giảm chi phí về nhân công, nhiên liệu (xăng) so với bơm tát truyền thống như trước đây. Do không phải thuê nhân công (250.000 đồng/ngày) và nhiên liệu chạy máy bơm tưới vườn, với chu kỳ tưới 15 ngày/tháng, gia đình tiết kiệm trên 4,5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, nhà vườn còn tiết kiệm được thời gian để sử dụng vào các công việc khác của gia đình, do sử dụng cầu dao tưới tự động và tự động ngắt theo chu kỳ cài đặt thời gian cho máy bơm hoạt động.
Đồng chí Phạm Văn Kha, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Kè cho biết: từ các chính sách hỗ trợ của Nghị quyết số 03 và Nghị quyết số 98 của HĐND tỉnh, đã tác động tích cực cho nhà vườn ở Cầu Kè đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bám sát vào quy hoạch của huyện và ứng dụng khoa học - kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa nông sản.
Đối với các diện tích chuyển đổi sang cây ăn trái, đạt từ 250 - 300 triệu đồng/ha; tiết kiệm chi phí nhân công và vật tư nông nghiệp khi ứng dụng công nghệ tưới phun sương kết hợp pha thuốc trong phun xịt cho vườn cây ăn trái.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.