31/08/2022 07:31
Thông qua nguồn vốn vay ủy thác từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), đã tác động tích cực trong việc góp phần làm thay đổi đời sống kinh tế hộ của người dân nông thôn trên địa bàn huyện Cầu Kè. Các hội đoàn thể: Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên đã làm “cầu nối” hiệu quả trong việc đưa nguồn vốn vay ủy thác đến với hội viên và triển khai, xây dựng các dự án để hội viên tiếp cận vốn...
Nông dân Nguyễn Văn Tuấn nhờ đồng vốn vay ủy thác từ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện, gia đình đã phát triển đàn bò vỗ béo được 12 con.
Hàng năm, từ nguồn vốn ủy thác đã tạo điều kiện cho người dân phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của gia đình và thực hiện các tiêu chí trong xây dựng xã NTM về môi trường, xóa nhà tạm… góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Ông Dương Văn Khén, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Cầu Kè cho biết: qua 20 năm triển khai nguồn vốn vay ủy thác, thông qua vai trò của các Hội đoàn thể nhận ủy thác đã phát huy vai trò “cầu nối” giữa Nhà nước và Nhân dân thông qua việc tổ chức thành lập và chỉ đạo hoạt động của các Tổ Tiết kiệm và Vay vốn tại cơ sở. Từ đó, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội của Nhà nước được chuyển tải đến với người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tiếp cận các dịch vụ tín dụng ưu đãi thuận tiện, dễ dàng, giúp khách hàng sử dụng vốn vay; nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội và vươn lên thoát nghèo bền vững.
Tính đến cuối tháng 7/2022, thông qua 04 tổ chức Hội đoàn thể đã phát triển được 329 Tổ Tiết kiệm và Vay vốn, với tổng dư nơ trên 379 tỷ đồng, có 14.357 khách hàng vay với 16 chương trình tín dụng chính sách; tăng 378,056 tỷ đồng (tăng gấp 40 lần so với thời điểm mới thành lập và đi vào hoạt động). Thực hiện cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đạt hiệu quả, góp phần quan trọng thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và XDNTM.
Hội viên nông dân Nguyễn Văn Tuấn, Chi hội Nông dân ấp Rạch Nghệ, xã Thông Hòa chia sẻ: gia đình có cuộc sống khá như hôm này cũng nhờ vào 03 lần vay vốn ủy thác từ Ngân hàng CSXH. Lần vay vốn gần nhất là tháng 9/2021, với số tiền 50 triệu đồng để đầu tư mua 02 con bò (nuôi vỗ béo) với 32 triệu đồng, số tiền còn lại mua thêm thức ăn và rơm. Sau 06 tháng nuôi, khi hoàn trả vốn xong, gia đình vẫn còn 02 con bò. Hiện tổng đàn bò của gia đình có trên 12 con bò thịt và nghé.
Ông Hứa Thanh Sang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thông Hòa cho biết: địa phương có thế mạnh là nuôi bò và trồng cam sành; nhờ nguồn vốn ủy thác từ Ngân hàng CSXH đã giúp cho hàng trăm hộ hội viên nông dân vươn lên thoát nghèo (hiện xã không còn hộ nghèo). Tổng nguồn vốn do Hội đang quản lý và đầu tư cho nông dân vay trên 13,6 tỷ đồng, với 10 Tổ Tiết kiệm và Vay vốn, có 523 thành viên vay. Thông qua nguồn vốn vay ủy thác, hiện có nhiều nông dân đã vươn lên khá hơn trước và đang mở rộng quy mô sản xuất; thời gian tới, Hội mong muốn nguồn vốn vay ủy thác tăng theo nhu cầu phát triển của kinh tế hộ trong sản xuất và gắn với XDNTM nâng cao…
Bà Nguyễn Thị Lờ, Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn ấp Bà Mi, xã Hòa Ân cho biết: ấp có đông đồng bào Khmer và chủ yếu là làm nông nghiệp kết hợp với mua bán nhỏ, nên chị em có nhu cầu về vốn vay trong sản xuất rất lớn. Từ thực tế, thông qua Hội LHPN xã và Chi hội Phụ nữ ấp đã vận động các chị em vào tổ vay vốn; sau khi tiếp cận được nguồn vốn vay, trong Tổ đã định hướng và trao đổi với hộ nhận vốn trong quá trình sử dụng nguồn vốn có hiệu quả nhất; hạn chế việc sử dụng vốn sai mục đích. Đến nay, Tổ có 42 thành viên (trong đó trên 60% là hộ Khmer) vay ủy thác với số tiền gần 900 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện; trong này 100% thành viên vay vốn đều làm ăn có hiệu quả và tích lũy sau 01 chu kỳ vay.
Cũng theo ông Dương Văn Khén, 16 chương trình được triển khai, thì Chương trình tín dụng hộ nghèo có tổng doanh số cho vay 171,1 tỷ đồng với 17.488 lượt hộ vay. Trong 20 năm qua, nguồn vốn đã giúp cho 10.988 hộ thoát nghèo, giải quyết cho vay kịp thời không để hộ nghèo thiếu vốn sản xuất kinh doanh. Chương trình tín dụng hộ cận nghèo, sau 09 năm thực hiện với tổng doanh số cho vay đạt 88,5 tỷ đồng với 5.564 lượt hộ đã được vay vốn.
Chương trình tín dụng hộ mới thoát nghèo, nhằm giúp các hộ mới thoát nghèo có vốn để tiếp tục đầu tư sản xuất, kinh doanh, đảm bảo thoát nghèo bền vững, tránh tái nghèo; qua 07 năm thực hiện với tổng doanh số cho vay đạt 284,4 tỷ đồng; hiện dư nợ của chương trình đạt 155,8 tỷ đồng, với 6.851 hộ mới thoát nghèo còn dư nợ; đây là chương trình có dư nợ lớn nhất trong các chương trình tín dụng CSXH đang triển khai tại huyện.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.