15/10/2021 08:23
Nhà vườn Trần Văn Dện thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm từ mô hình đa cây trong sản xuất.
Thông tin tại hội nghị sơ kết tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội quý III và triển khai chương trình công tác quý IV năm 2021 của Đảng bộ huyện Cầu Kè, đối với số lao động đang từ các tỉnh, thành trở lại quê nhà do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 khá đông (khoảng 4.000 lao động) là trách nhiệm cho địa phương trong vấn đề giải quyết việc làm.
Trong khi đó, đối với Cầu Kè thời gian tới, các cơ sở, doanh nghiệp đang triển khai xây dựng và đưa vào sản xuất như Công ty TNHH Phú Thành, Công ty TNHH Một thành viên may Hòa Phú, Công ty Vĩ Tú… khả năng đáp ứng giải quyết việc làm cho khoảng 2.000 - 2.200 lao động. Qua đó, đòi hỏi các ngành cần có kế hoạch cụ thể, chi tiết trong việc triển khai công tác đào tạo nghề, hỗ trợ và giải quyết việc làm số lao động còn lại.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Hoàng Lam, Trưởng Phòng Lao động -Thương binh và Xã hội huyện Cầu Kè cho biết: trước mắt, huyện đang khôi phục và vận động học viên tham gia xuất khẩu lao động, hiện số lao động đã đi xuất khẩu được 19 người (đạt 17,27% nghị quyết); còn lại 31 lao động đang chờ tổ chức lớp đào tạo, vừa qua phải tạm dừng do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh đó, huyện đang xin chủ trương với tỉnh cho kéo dài thời gian khai giảng các lớp dạy nghề nông thôn (kế hoạch năm 2021 tổ chức 12 lớp), hiện chỉ mới khai giảng được 02 lớp với 60 học viên.
Đối với các doanh nghiệp khi đủ các điều kiện “03 tại chỗ” hay “01 cung đường 02 điểm đến” sẽ tạo thuận lợi cho cơ sở, doanh nghiệp trở lại hoạt động. Đối với các nghề thủ công mỹ nghệ như đan giỏ bằng dây nhựa giả mây, lục bình, lác… sẽ vận động đoàn thể liên kết làm vệ tinh cho các cơ sở để đưa nguyên liệu về cho các hộ nhận làm gia công sản phẩm, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho người dân…
Thời gian qua, mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn huyện Cầu Kè, nhưng do phần lớn tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ hàng hóa của địa phương tập trung ở quy mô nhỏ và vừa (chủ yếu tác động giảm từ tháng 6 đến tháng 9/2021).
09 tháng đầu năm 2021, tổng giá trị sản xuất thực hiện được 622,7/885 tỷ đồng, đạt 70,34% kế hoạch năm (tăng 11,96% so cùng kỳ); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 3.769,8 tỷ đồng, đạt 78,69% kế hoạch (tăng 14,95% so cùng kỳ). Đẩy mạnh phát triển sản xuất và phục hồi sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, đặc biệt là trong sản xuất nông nghiệp được huyện tập trung phát huy thế mạnh về các mô hình trồng trọt (cây ăn trái, hoa màu và lúa), chăn nuôi (bò, heo…).
Nông dân Trần Văn Dện, ấp An Bình, xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè cho biết: mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, giá một số trái cây tuy có giảm, nhưng nhìn chung thu nhập của nhà vườn tương đối ổn định. Với số tiền 30 triệu đồng được Nhà nước đầu tư làm mô hình tưới tiết kiệm nước trên diện tích 02ha vườn trồng cây ăn trái (chủ lực là xoài Đài Loan, khoảng 1.200 cây) cùng với 3.000 cây tắc và 1.100 gốc ổi không hạt được trồng xen khi xoài còn nhỏ.
Hàng năm, cây tắc cho sản lượng khoảng 40 tấn trái, giá bán từ 4.000 - 8.000 đồng/kg và sản lượng ổi 30 tấn/năm, giá bán 3.000 - 5.000 đồng/kg, từ nguồn thu từ tắc và ổi sau khi trừ các chi phí còn khoảng 250 triệu đồng/năm/02ha, giúp gia đình ổn định cuộc sống và đầu tư chăm sóc vườn xoài đang cho trái chiếng.
Ông Phạm Văn Kha, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Kè cho biết: trong 09 tháng đầu năm 2021, giá trị trong lĩnh vực nông - lâm - thủy sản của huyện đạt 75,4% kế hoạch năm (ước thực hiện 4.214 tỷ đồng) tăng 4,3% so cùng kỳ.
Đặc biệt, đối với sản lượng lương thực tăng hơn so với cùng kỳ trên 18.369 tấn, tổng sản lượng lương thực 97.763 tấn. Sản lượng cây ăn trái các loại thu hoạch trên 117.332 tấn (tăng 6.798 tấn so cùng kỳ), đạt 84,17% kế hoạch; cùng với đó giá dừa khô từ tháng 9/2021 đến nay tăng cao, dao động 73.000 - 75.000 đồng/chục (12 trái), tạo thu nhập rất lớn cho nhà vườn, hiện toàn huyện có trên 853.000 cây (tương đương 3.878ha).
Đối với đàn gia súc và gia cầm đều tăng, đàn heo 63.469 con (tăng 30.791 con so cùng kỳ), đàn bò 21.380 con (tăng 2.746 con so với đầu năm 2021) và trên 1,024 triệu con gia cầm (tăng 285.840 con so cùng kỳ)…
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.