26/04/2022 09:30
Để hướng đến mô hình chuỗi liên kết bền vững trong sản xuất cho nông dân trên địa bàn huyện, nhất là kéo giảm chi phí trong canh tác trước tình hình phân bón tăng cao như hiện nay, Huyện ủy, UBND huyện Cầu Kè đã thực hiện chỉ đạo 02 đơn vị là Hội Nông dân, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với các địa phương và doanh nghiệp tổ chức triển khai mô hình liên kết, hỗ trợ vật tư đầu vào cho nông dân gắn với tiêu thụ sản phẩm… trong này, cây lúa, cây ăn trái và chăn nuôi là những đối tượng được tập trung triển khai trong nông dân.
Ông Trương Thanh Đệ và cán bộ nông nghiệp huyện, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời triển khai mô hình liên kết “vật tư rẻ, chất lượng cao” trong sản xuất lúa với nông dân xã Phong Thạnh.
Ông Trương Thanh Đệ, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cầu Kè cho biết: trong năm 2022, huyện sẽ tập trung xây dựng chuỗi liên kết với các doanh nghiệp như Công ty Sinh học Thế Kỷ; Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời; Công ty Cổ phần GreenFeed nhằm giúp nông dân tiếp cận vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y đầu vào theo mô hình “Vật tư rẻ, chất lượng cao”.
Đối với cây ăn trái, trước mắt thực hiện mô hình cho cây chôm chôm ở cù lao Tân Qui, xoài ở xã Hòa Tân, ớt ở xã Tam Ngãi và bưởi ở xã Ninh Thới. Riêng địa bàn xã Phong Phú ưu tiên sử dụng phân bón sinh học. Đối với chăn nuôi tập trung cho gia cầm (gà, vịt…), bên cạnh đó, các cán bộ kỹ thuật sẽ hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân, người chăn nuôi tham gia vào mô hình.
Riêng mô hình trên cây lúa sẽ triển khai ngay trong vụ hè - thu năm 2022, với tổng diện tích đăng ký liên kết với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời 1.000ha, ở các xã Phong Phú, Châu Điền, Hòa Ân và Phong Thạnh. Mục tiêu hướng đến của mô hình trong giai đoạn đầu nhằm giúp cho người dân được tiếp cận với nguồn vật tư đầu vào phục vụ trong sản xuất với giá cả hợp lý, chất lượng ổn định. Từ đó góp phần mang lại hiệu quả kinh tế hơn trong sản xuất, từng bước ổn định cuộc sống cho người dân.
Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Kè, hàng năm, diện tích canh tác lúa của huyện đạt khoảng 24.000ha (sản lượng lúa khoảng 148.000 tấn); diện tích cây ăn trái hơn 8.000ha (sản lượng trên 161.000 tấn trái cây các loại) và gần 70.000 con heo, 1,2 triệu con gia cầm… Với việc triển khai các giải pháp liên kết giữa nông dân - doanh nghiệp sẽ có tác động tích cực trong việc giúp nông dân tiết kiệm nhiều chi phí đầu tư cũng như tiếp cận các tiến bộ kỹ thuật nhằm giảm giá thành trong sản xuất, tăng lợi nhuận cho nông dân. Năm 2022 là năm khởi động nhiều kết nối đã được Huyện ủy, UBND huyện Cầu Kè tập trung kêu gọi, xây dựng các mô hình nông nghiệp - nông dân theo hướng phát triển bền vững, ổn định…
Nông dân Trần Văn Chiên, Tổ trưởng Tổ hợp tác Ấp 3, xã Phong Thạnh, huyện Cầu Kè chia sẻ: trong tổ có 20 thành viên với diện tích gần 25ha sản xuất lúa. Qua mô hình liên kết do Hội Nông dân huyện và Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời triển khai cho nông dân; bản thân thấy có nhiều ưu điểm đó là người sản xuất không phải lo lắng về giá phân, thuốc trong sản xuất (công ty bảo đảm cung cấp vật tư chất lượng, bằng giá đại lý cấp I và cuối vụ mới thu hồi); ngoài ra, về kỹ thuật cũng được cán bộ xuống tư vấn, theo dõi suốt quá trình sản xuất cùng nông dân; thực hiện thu mua sản phẩm lại trong mô hình. Tuy nhiên nông dân cũng thấy bộ giống đưa ra của công ty chưa được phong phú, chỉ gói gọn 02 giống, vì vậy về điều kiện vùng đất canh tác ở đây có phù hợp không nông dân còn lo lắng.
Cũng theo ông Trương Thanh Đệ, trong mô hình liên kết, về phía Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời sẽ đầu tư toàn bộ vật tư đầu vào như giống lúa OM5451 và OM18 (hỗ trợ cho không 100kg giống/ha); phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, thông qua hợp tác xã (HTX) thực hiện cung cấp cho nông dân bằng với giá gốc (giá đại lý cấp I) và đầu tư các dịch vụ từ khâu làm đất đến khâu thu hoạch. Công ty sẽ cử cán bộ xuống hỗ trợ người dân về mặt kỹ thuật trong suốt quá trình sản xuất. Cuối vụ, công ty sẽ thu mua hết sản lượng lúa của người dân tham gia mô hình, với giá thoả thuận giữa người dân và công ty (chốt giá trước 14 ngày thu hoạch), sau đó trừ lại các khoản chi phí mà công ty đã đầu tư. Đồng thời, cuối mỗi vụ lúa, công ty có hỗ trợ thêm một khoản thù lao quản lý cho HTX.
Ngoài ra, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời dự kiến mở HTX tại vùng sản xuất, bước đầu mời gọi các thành viên là người có kinh nghiệm trong sản xuất, tham gia vào hội đồng quản trị HTX cùng với thành viên của Công ty để tiện trong việc điều hành, về lâu dài Công ty sẽ giao toàn bộ cho HTX là người địa phương quản lý và vận hành.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.