12/06/2020 11:13
Thi công công trình Kênh Giữa (xã Phong Phú) phục vụ trữ ngọt và điều tiết nguồn nước trong sản xuất.
Trong tác động của BĐKH ở huyện Cầu Kè, đối với triều cường thường diễn ra vào tháng 10 đến tháng 02 năm sau, gây ra ngập úng ở một số khu vực làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp và môi trường sinh thái; cùng với đó là hiện tượng sạt lở, thường xảy ra ở khu vực ven Sông Hậu và các sông trục chính trên địa bàn...
Theo bà Ngô Thị Hồng Nghi, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Kè, do đặc điểm của Cầu Kè nằm ven Sông Hậu nên các tác động như triều cường, sạt lở và gần đây là mặn lấn sâu lên thượng nguồn Sông Hậu đã làm ảnh hưởng đến sản xuất của nông dân, nhất là các các xã ven Sông Hậu như Ninh Thới, Hòa Tân, An Phú Tân và một phần của xã Tam Ngãi, Thông Hòa…
Trước thực trạng trên, huyện đã chủ động các phương án, kế hoạch trong ứng phó với thiên tai và cũng như các tác động do BĐKH gây ra. Trong này, hàng năm công tác rà soát các điểm trọng yếu ven Sông Hậu có nguy cơ cao và triển khai thi công các công trình thủy lợi, đê bao.
Riêng năm 2020, các địa phương trong huyện đã đề xuất thực hiện 63 công trình thủy lợi, dài 74,1km để trữ ngọt, chống khô hạn trong sản xuất, ước kinh phí thực hiện gần 02 tỷ đồng. Ngoài ra, huyện triển khai 09 công trình đê bao, bọng và giao thông kết hợp, tổng kinh phí trên 8,1 tỷ đồng. Qua đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã triển khai nạo vét 15 tuyến kênh thủy lợi nội đồng cấp thiết nhất (xã Thông Hòa 04 kênh; xã Châu Điền 03 kênh; xã Phong Phú 02 kênh; xã Tam Ngãi 02 kênh; xã Ninh Thới 01 kênh; xã Hòa Tân 01 kênh; xã An Phú Tân 01 kênh; xã Hòa Ân 01 kênh) nhằm tăng khả năng trữ nước ngọt phục vụ tốt cho công tác phòng chống hạn, mặn, bảo vệ sản xuất.
Cũng theo bà Ngô Thị Hồng Nghi, ngoài thi công các công trình, đối với hệ thống cống đầu mối, huyện tổ chức vận hành linh hoạt theo hướng tăng cường trữ nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt; đo và giám sát độ mặn tại vị trí các cống đầu mối và bên trong nội đồng, vận hành các cống đầu mối đến nội đồng theo hướng tích ngọt dần; đảm bảo mực nước ngọt đệm trong nội đồng, trữ nước ngọt để đảm bảo nguồn nước tưới phục vụ cho sản xuất hợp lý tiết kiệm theo yêu cầu thực tế tại từng thời điểm, từng khu vực.
Ghi nhận tại xã Ninh Thới, huyện Cầu Kè, do khu vực trên địa bàn hiện có khoảng 09km nằm ven Sông Hậu chưa có đê bao (tuyến Tỉnh lộ 915) thường xuyên chịu tác động của triều cường (gây sạt lở) và mặn xâm nhập từ phía Vàm Cầu Quan (huyện Tiểu Cần).
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Ngọc Hiền, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Thới cho biết: Hiện trên địa bàn xã tại khu vực Cồn Rồng (ấp Xẻo Cạn) qua khảo sát có 04 điểm (dài khoảng 160m) có nguy cơ sạt lở cao do ảnh hưởng BĐKH trong mùa mưa bão sắp tới; địa phương đang kiến nghị về trên để hỗ trợ gia cố trước mùa mưa bão. Trong khắc phục và ứng phó với khô hạn và mặn xâm nhập, xã đã đẩy nhanh tiến độ nạo vét 02 tuyến kênh nội đồng dài 1,1km để trữ ngọt và vận động nông dân ở 02 ấp Mỹ Văn, Đồng Điền chuyển đổi các diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái (khoảng 11ha). Nhờ chủ động rà soát và kiểm tra các khu vực trọng yếu dễ ảnh hưởng do BĐKH tác động để kịp thời xử lý, nên hàng năm luôn đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân cũng như trong sản xuất…
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.