13/10/2022 14:20
Bà Kiên Thị Chanh, ấp Bông Ven, xã Nhị Trường thu hoạch khổ qua.
Cầu Ngang là huyện nông nghiệp, có 37.507 hộ dân sinh sống, trong đó đồng bào Khmer chiếm gần 37% so với tổng số hộ dân. Kinh tế của người dân trong huyện sống chủ yếu bằng nghề sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nuôi thủy sản và dịch vụ. Với sự nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân, đến nay huyện đã thực hiện hoàn thành 07/09 tiêu chí huyện nông thôn mới. Đời sống người dân ngày càng nâng lên nhờ phát triển đa dạng các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản, vật nuôi, góp phần nâng thu nhập bình quân đạt trên 62 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo của huyện giảm còn 2.328 hộ nghèo, chiếm 6,21% so với tổng số hộ dân cư, hộ nghèo dân tộc Khmer 1.553 hộ, chiếm 66,75% so với tổng số hộ nghèo.
Thời gian gần đây, tái cơ cấu nông nghiệp của huyện được đẩy mạnh và triển khai hiệu quả với đề án, chính sách hỗ trợ ưu tiên nguồn lực thúc đẩy ứng dụng khoa học - kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đồng thời, thâm canh, đa canh và mở rộng vùng sản xuất hàng hóa nên đời sống của Nhân dân ngày càng ổn định, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp của địa phương phát triển.
Đặc biệt, Cầu Ngang có 08 xã đặc biệt khó khăn có đông đồng bào Khmer như Hiệp Hòa, Nhị Trường, Trường Thọ, Kim Hòa, Thạnh Hòa Sơn, Long Sơn, Thuận Hòa, Mỹ Hòa. Những năm gần đây, nông dân ở các xã đặc biệt khó khăn không ngừng chuyển đổi tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích, ổn định kinh tế gia đình, góp phần xây dựng thành công xã nông thôn mới.
Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phải kể đến gia đình bà Kiên Thị Chanh, ấp Bông Ven, xã Nhị Trường là một trong những hộ dân phá thế độc canh cây lúa sang trồng thâm canh cây màu với các loại khổ qua, dưa leo, đậu đũa luân canh 04 vụ/năm trên diện tích 0,5ha, đem lại hiệu quả kinh tế cao, tổng lợi nhuận từ 100 - 120 triệu đồng/năm/0,5ha.
Bà Chanh cho biết, trồng màu lợi nhuận gấp 04 - 05 lần so với trồng lúa, gần 10 năm chuyển đổi đất lúa sang trồng màu, kinh tế gia đình bà ngày càng phát triển, xây dựng nhà cửa khang trang, cuộc sống ổn định và bền vững. Với 0,5ha đất trồng màu hàng năm bà chọn trồng những loại cây rau ăn quả như đậu đũa, khổ qua, dưa leo, đây là những cây trồng có vốn đầu tư thấp, lợi nhuận cao, bình quân giá nông sản dao động từ 6.000 - 8.000 đồng/kg, lợi nhuận từ 10 - 12 triệu đồng/1.000m2. Cụ thể, 0,5ha vụ khổ qua đợt này hiện đang thu hoạch, ước tính vốn đầu tư ban đầu 05 triệu đồng, phần lớn sử dụng phân chuồng, chi phí phân thuốc bảo vệ thực vật ít, ước lợi nhuận đến cuối vụ đạt 75 triệu đồng.
Cùng canh tác 03 vụ lúa/năm trên diện tích 0,8ha, 04 năm gần đây, nông dân Thạch Ngane, ấp Ba So, xã Hiệp Hòa, huyện Cầu Ngang đã mạnh dạn chuyển đổi 0,2/0,8ha đất trồng lúa sang lên liếp trồng khổ qua, bầu, bí đao khoảng 03 vụ/năm mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Ngane cho biết: trước đây, gia đình là hộ nghèo, kinh tế dựa vào sản xuất nông nghiệp, từ khi chuyển đổi đất lúa sang trồng khổ qua, năng suất và lợi nhuận cao gấp 04 lần so với trồng lúa. Với ông Ngane, khổ qua thích hợp trồng vào mùa mưa, thời tiết mát, chi phí đầu tư thấp, năng suất cao, giá bán ổn định, luôn ở mức từ 5.000 đồng/kg trở lên, có thời điểm hút hàng, giá từ 20.000 - 30.000 đồng/kg.
Với 0,2ha khổ qua hiện đang phát triển hơn 20 ngày, giá bán khổ qua hiện nay trái loại 1 khoảng 10.000 đồng/kg, nếu giữ vững giá này đến ngày thu hoạch, lợi nhuận đạt 10 triệu đồng/1.000m2. Nhờ thu nhập từ trồng màu kết hợp trồng lúa, gia đình ông Ngane từ hộ nghèo đã vươn lên trở thành hộ khá xây dựng nhà cửa khang trang.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Ngà, Chủ tịch UBND huyện Cầu Ngang, với thế mạnh về tài nguyên biển, đất đai, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết tâm của địa phương, kinh tế của huyện không ngừng tăng trưởng và phát triển. Bên cạnh đó, tranh thủ các nguồn vốn của tỉnh, Trung ương, huyện cơ bản phát triển đồng bộ hạ tầng kinh tế, nhất là hạ tầng giao thông góp phần thuận lợi cho người dân đi lại và vận chuyển hàng hóa nông sản, thủy sản.
Song song đó, công tác đào tạo nghề phi nông nghiệp và nông nghiệp trên địa bàn huyện được quan tâm chú trọng, góp phần giải quyết việc làm cho 2.320 lao động, đạt 80% kế hoạch. Các chính sách an sinh xã hội, dân tộc, tôn giáo được thực hiện tốt; quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự xã hội được đảm bảo.
Để thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thúc đẩy kinh tế, góp phần giảm nghèo bền vững, thời gian tới, huyện tập trung đào tạo, tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, khoa học- công nghệ cho lao động nông thôn về sản xuất, thâm canh cây trồng, vật nuôi. Triển khai thực hiện các mô hình sản xuất hiệu quả, tổ chức lại sản xuất phù hợp với điều kiện và tiềm năng tại các địa phương, tạo những sản phẩm có chất lượng, an toàn phù hợp với nhu cầu thị trường, tạo bước đột thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững, góp phần thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu huyện nông thôn mới.
Bài, ảnh: MẪN QUÂN
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.