01/09/2020 15:24
Nông dân Huỳnh Văn An, chăm sóc đàn bò nuôi.
Theo ông Lê Văn Phi, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Cầu Ngang, từ khi có chủ trương thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Phòng NN-PTNT huyện phối hợp với các ngành, các cấp và địa phương tham mưu xây dựng kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm chuyển đổi cơ cấu lại sản xuất, phù hợp với từng tiểu vùng gắn với liên kết hợp tác, từ đó nâng cao giá trị nông sản trên địa bàn huyện.
Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện phát triển khá toàn diện, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân 12,01%/năm. Cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi và thủy sản. Đặc biệt chăn nuôi phát triển theo hướng trang trại, gia trại, an toàn sinh học, nuôi thủy sản phát triển những con nuôi chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng) có giá trị kinh tế cao được mở rộng; cây màu tiếp tục phát triển mạnh ở một số xã Mỹ Long Bắc, Long Sơn, Thạnh Hòa Sơn, Hiệp Hòa, Nhị Trường,… góp phần phục vụ ngành chăn nuôi gia súc trong huyện phát triển. Từ năm 2014 đến nay, nông dân trong huyện đã chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ngắn ngày và nuôi thủy sản với diện tích hơn 4.729ha đem lại hiệu quả kinh tế tăng gấp 02 - 03 lần so với trồng lúa, đặc biệt việc chuyển đổi sang nuôi thủy sản đem lại lợi nhuận tăng gấp 10 - 15 lần trên cùng đơn vị diện tích.
Long Sơn là một trong những xã của huyện có thế mạnh phát triển cây màu, chăn nuôi và thủy sản, 05 năm qua, Nhân dân trong xã tập trung chuyển đổi phát triển mạnh cây màu, trồng cỏ và tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để nuôi bò. Bên cạnh việc thực hiện chuyển đổi, xã góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn.
Ông Thạch Ru La, Bí thư Đảng ủy xã Long Sơn cho biết: bên cạnh nguồn thu nhập cao và ổn định thu nhập từ việc trồng màu, gần đây, xã chú trọng phát triển đàn bò sinh sản, bò thịt với hơn 6.200 con. Không chỉ mở ra triển vọng bền vững cho ngành chăn nuôi, mà xã còn hưởng lợi các công trình kết cấu hạ tầng từ dự án cánh đồng phục vụ ngành nuôi thủy sản, góp phần giúp ngành nông nghiệp, chăn nuôi và kinh tế của xã phát triển nhanh trong thời gian tới.
Song song đó, hiện xã tập trung đầu tư, mở rộng diện tích màu, bố trí chuyển dịch cơ cấu đưa cây màu xuống chân ruộng thay cho vụ lúa kém hiệu quả, hình thành các vùng chuyên canh với các loại màu có giá trị kinh tế và thị trường tiêu thụ ổn định; đồng thời tập trung chỉ đạo sản xuất theo hướng sạch, an toàn, hữu cơ, nhà lưới; phấn đấu diện tích trồng màu đạt 3.300ha/năm.
Hơn 03 năm trước, nông dân Huỳnh Văn An, ấp Huyền Đức, xã Long Sơn được xã hỗ trợ nguồn vốn phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế 12 triệu đồng đầu tư nuôi bò sinh sản, nhờ cần cù chịu khó đàn bò sinh sản 04 con. Song song với việc nuôi bò, ông An còn chuyển đổi 0,3ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng thâm canh cây màu ngắn ngày, như bí đao, khổ qua, dưa hấu từ 02 - 03 vụ/năm, lợi nhuận đạt trên 15 triệu đồng/vụ. Theo ông An, nuôi bò tuy vốn đầu tư ban đầu cao, chủ yếu lấy công làm lời và gần 02 năm mới thu hồi vốn nhưng hiệu quả kinh tế cao và bền vững. Nuôi bò sinh sản phù hợp với điều kiện kinh tế hộ có nguồn thu không ổn định.
Gia đình ông Đào Minh Tâm và bà Lê Thị Thùy Trang, ấp Mỹ Thập, xã Mỹ Long Bắc chuyển đổi 0,7ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng màu và trồng cỏ nuôi bò 04 năm qua đem lại kinh tế cao cho gia đình, thu nhập hơn 70 triệu đồng/năm. Theo bà Trang, với 1,4ha đất canh tác, hàng năm bà trồng dưa hấu, đậu phộng và một số loại rau màu ngắn ngày, khoảng 02 năm nay ông Tâm chồng bà bị bệnh tai biến, sức khỏe yếu. Do đó, bà tập trung canh tác 0,7ha màu 03 vụ/năm và nuôi 05 con bò sinh sản, số đất còn lại bà cho thuê. Hiện, bà trồng 0,4ha đậu bắp hơn 01 tháng tuổi.
Đến nay, huyện có hơn 70% diện tích sử dụng giống lúa xác nhận và chất lượng cao; 100% khâu làm đất, bơm tát nước, 90% khâu gặt tuốt lúa đều sử dụng bằng máy; mô hình tưới tiết kiệm nước, trồng màu bằng màng phủ nông nghiệp, nuôi tôm theo hướng siêu thâm canh, công nghệ cao, trồng lúa hữu cơ...
Song song với việc phát triển các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, việc phát triển các loại hình hợp tác đã góp phần không nhỏ vào việc hình thành các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 22 hợp tác xã thuộc lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản đang hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012, đáp ứng yêu cầu phát triển; làm cầu nối trong khâu liên kết theo chuỗi giá trị, tăng hiệu quả trong sản xuất, tăng thu nhập cho xã viên, nông dân.
Theo ông Lê Văn Phi, để nâng cao hiệu quả chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng liên kết hợp tác, nâng cao giá trị nông sản, thời gian tới, huyện tập trung 04 giải pháp: vận động chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả, đất giồng tạp sang trồng màu, trồng cỏ nuôi bò và nuôi thủy sản; khuyến khích sự tham gia của các tổ chức xã hội nhằm tạo sức mạnh tổng hợp để tổ chức thực hiện hiệu quả. Đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng tại các vùng chuyển đổi; áp dụng phương pháp sản xuất tiết kiệm nước, tăng cường liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn; đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại vùng trồng, vùng nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao; phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ trong và ngoài huyện. Tăng cường nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nhằm tạo đột phá về năng suất và chất lượng sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh thị trường.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.