15/07/2023 07:11
Xuất phát điểm thấp, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hạn chế; tỷ lệ hộ nghèo cao... nhưng với tinh thần đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm cao, đến nay đã đạt thành quả quan trọng trong xây dựng huyện Cầu Ngang đạt chuẩn NTM. Đây là kết quả nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong huyện đã đoàn kết, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đánh dấu sự chuyển mình và làm tiền đề để phát triển trong những năm tới.
Cống Thầy Phán thuộc địa phận xã Đa Lộc, huyện Châu Thành dẫn nước đến xã Trường Thọ vừa được đưa vào sử dụng nhằm phục vụ vùng sản xuất lúa toàn xã Trường Thọ.
Nông thôn mới - sức sống mới
Đồng chí Nguyễn Văn Ngà, Chủ tịch UBND huyện Cầu Ngang cho biết: thực hiện lộ trình XDNTM, với xuất phát điểm các tiêu chí NTM ở các xã trên địa bàn huyện đạt thấp, trung bình 4,6 tiêu chí/xã; tăng trưởng kinh tế và thu nhập bình quân đạt thấp.
Qua 12 năm thực hiện XDNTM, đến nay huyện đã phát triển khá toàn diện, hạ tầng nông thôn đầu tư đồng bộ; 100% đường trục xã, liên xã, liên ấp được trải nhựa, cứng hóa, bê-tông hóa; 09 tuyến đường huyện đều được đầu tư, nâng cấp và trồng cây xanh dọc 02 bên tuyến đường. Nông thôn đổi mới, chất lượng môi trường sống ngày càng được nâng lên, cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch đẹp hơn với 15 tuyến đường xanh - sạch - đẹp được công nhận; xây dựng 137 tuyến đường sáng liên xã, liên ấp; 118 tuyến đường hoa.
Hệ thống thủy lợi liên xã đồng bộ với hệ thống thủy lợi các xã thực hiện khép kín, chủ động nước phục vụ tưới tiêu trên 98% diện tích đất nông nghiệp của toàn huyện. Hệ thống lưới điện đầu tư đảm bảo và đáp ứng nhu cầu sử dụng điện trong sinh hoạt, sản xuất và kinh doanh của Nhân dân; hộ sử dụng điện đạt 99,71%; người dân khu vực nông thôn tham gia bảo hiểm y tế đạt 95,12%; có 03 trường THPT đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, chiếm 75%. Công tác đào tạo nghề lao động nông thôn được quan tâm, thu hút nhiều lao động tham gia đạt 79,81%. Thu nhập bình quân đạt 64,26 triệu đồng/người/năm; nghèo đa chiều còn 3,05%.
Bên cạnh đó, năm 2022, huyện huy động cả hệ thống chính trị và sự hài lòng của người dân đóng góp, hiến đất thực hiện xây dựng huyện NTM với tổng nguồn vốn trên 1,8 tỷ đồng. Ông Trương Ngọc Miệt, ấp Cós Xoài, xã Trường Thọ đã hiến gần 100m2 đất sản xuất làm đường nông thôn cho biết: khi Nhà nước triển khai xây dựng đường nông thôn người dân trong ấp vô cùng phấn khởi. Trước đây, đường lầy lội vào mùa mưa nên việc buôn bán lúa sau khi thu hoạch rất vất vả. Tuy phần đất hiến làm đường không nhiều, nhưng gia đình ông rất vui khi đóng góp cùng địa phương thực hiện XDNTM.
Những ngày này, đi về trung tâm huyện, trên các tuyến đường cờ hoa rợp bay trong gió, người dân luôn phấn khích với niềm vui chờ đón huyện NTM. Bà Nguyễn Thị Phấn, ấp Hạnh Mỹ, xã Mỹ Long Bắc cho biết: từ khi xã, huyện thực hiện XDNTM đã góp phần đổi mới đường làng, ngõ xóm khang trang, đời sống vật chất tinh thần của người đổi thay rất nhiều. Đường nông thôn được đầu tư trải rộng vào trong ấp, tạo điều kiện cho người dân thuận lợi đi lại và giao thương hàng hóa, nên người dân nơi đây cùng chung tay vệ sinh cảnh quan môi trường, trồng hoa, cây xanh góp phần tạo nên tuyến đường hoa sáng - xanh - sạch - đẹp hơn.
Chuyển dịch cơ cấu, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung
Với lợi thế tiềm năng huyện nông nghiệp, hầu hết người dân chủ động việc tưới tiêu nên khá thuận lợi, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Đặc biệt, từ năm 2014 đến nay, huyện đã chuyển đổi 5.428ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ngắn ngày, trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản và chuyên nuôi thủy sản, nâng giá trị sản xuất bình quân đạt gần 171 triệu đồng/ha.
Hội Liên hiệp phụ nữ xã Vinh Kim đào tạo nghề, giải quyết việc làm nhàn rỗi cho phụ nữ ấp Rẩy A.
Đến vùng trồng thâm canh cây màu ở ấp Huyền Đức, xã Long Sơn vào dịp nông dân thu hoạch dưa hấu. Nông dân Huỳnh Văn An, ấp Huyền Đức cho biết: nông dân vùng này quanh năm sống bằng nghề trồng màu chủ yếu đậu phộng, dưa hấu, củ cải từ 03 - 04 vụ/năm. 02 năm gần đây, người trồng màu lợi nhuận không cao như trước, do chi phí đầu vào tăng cao (phân, thuốc bảo vệ thực vật, nhân công lao động), giá bán nông sản bấp bênh. Vụ dưa hấu này, với 0,4ha, sản lượng đạt 12 tấn, giá bán 4.500 đồng/kg, lợi nhuận từ 30 - 50 triệu đồng/ha.
Đi từ trung tâm huyện về xã Trường Thọ, là xã vùng sâu của huyện, nơi hình thành những mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, lúa hữu cơ. Đồng chí Thạch Ngọc Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Thọ cho biết: xã có trên 73% đồng bào Khmer, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất 03 vụ lúa/năm với diện tích 1.749ha. Tuy diện tích trồng lúa của xã có giảm do một phần diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả được chuyển đổi sang trồng màu, trồng cỏ và một số cây ăn trái nhưng sản lượng lúa vẫn đảm bảo. Người trồng lúa đã ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất tăng cao.
Nông dân Thạch Vuông, ấp Cós Xoài, xã Trường Thọ cho biết: từ khi tham gia sản xuất lúa hữu cơ, lúa chất lượng cao, giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận. Vụ lúa đông - xuân vừa qua được mùa, được giá, nông dân ai cũng phấn khởi. Với 08ha lúa trồng theo quy trình hữu cơ và chất lượng cao, năng suất đạt 6,3 - 8,3 tấn/ha, giá bán từ 6.500 - 7.200 đồng/kg tùy loại, lợi nhuận từ 13 - 14 triệu đồng/ha.
Nông dân Thạch Vuông, ấp Cós Xoài, xã Trường Thọ (trái) thông tin với công chức nông nghiệp xã Lâm Chí Hướng (giữa) tình trạng lúa hè - thu bị nhiễm vi khuẩn để được hướng dẫn thuốc đặc trị hiệu quả.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Ngà, tiếp nối thành quả đạt được, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện đã và đang hoạch định mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phấn đấu đến năm 2025 có 08 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 02 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 02 thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh; huyện đạt chuẩn NTM nâng cao. Đây là tiền đề để huyện tiếp tục đoàn kết, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, thống nhất tập trung chỉ đạo xây dựng thành công xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu, huyện NTM nâng cao, góp phần đưa quê hương Cầu Ngang ngày càng văn minh, giàu đẹp, bền vững. Tập trung rà soát, điều chỉnh và thực hiện quy hoạch gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; quy hoạch vùng sản xuất các loại nông sản chủ lực, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của người dân.
Với những kết quả trên, diện mạo NTM khởi sắc, đời sống người dân ngày càng được nâng lên. Bằng những kết hợp hài hòa, khoa học và đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân sẽ tạo nên bức tranh NTM tươi sáng hơn trong tương lai.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.