26/02/2023 08:34
Rẫy dưa hấu của bà Đoàn Thị Thu.
Xác định phát triển giao thông nông thôn là khâu đột phá, đáp ứng nhu cầu thiết yếu trong đời sống, phát triển sản xuất của người dân. Trong 12 năm triển khai thực hiện XDNTM, được sự đồng thuận của Nhân dân, huyện đã láng nhựa, bê-tông hóa, đal hóa hơn 520 tuyến đường nông thôn trên địa bàn, chiều dài 692,93km; nâng cấp, sửa chữa 191 cây cầu nông thôn.
Bên cạnh đó, hệ thống thủy lợi được xem đòn bẩy quan trọng cho phát triển sản xuất nông nghiệp, góp phần thúc đẩy đề án tái cơ cấu cây trồng, cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Do đó, những năm gần đây, tranh thủ các nguồn lực huyện đầu tư nạo vét, nâng cấp hệ thống kênh, mương, cống, bọng nhằm khơi thông dòng chảy các tuyến kênh nội đồng phục vụ sản xuất. Đến nay hệ thống thủy lợi của huyện đã cơ bản nạo vét đồng bộ, tạo thành một hệ thống thủy lợi liên xã theo đúng quy hoạch, đáp ứng nhu cầu nước phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh.
Hiện trên địa bàn 13 xã NTM có 03 kênh tạo nguồn trục chính, dài 40.500m; kênh cấp I có 06 tuyến dài 50.865m; kênh cấp II có 203 tuyến dài 352.518m; kênh cấp III có 448 tuyến dài 410.092m, đảm bảo phục vụ diện tích đất sản xuất nông nghiệp đạt từ 90% trở lên; riêng đối với vùng sản xuất tập trung đạt 100%. Đến nay huyện cơ bàn hoàn thành các tiêu chí huyện NTM.
Chia sẻ về những đổi thay của địa phương, nông dân Thạch Minh, ấp Sóc Mới, xã Long Sơn cho biết: trước đây đường đi ra rẫy màu không thuận tiện, nhiều người dân chưa có việc làm, còn những lao động trong độ tuổi đi làm ăn xa, nên đời sống còn khó khăn. Hiện nay giao thông nông thôn của ấp đầu tư xây dựng mới, thuận lợi trong việc vận chuyển hàng hóa nông sản, từ đó người dân thực hiện chuyển đổi thâm canh và luân canh cây trồng nhiều vụ trọng năm, góp phần nâng cao thu nhập, đặc biệt là giải quyết việc làm nhiều lao động tham gia xuống giống, thu hoạch hoa màu,… với thu nhập từ 150.000 - 300.000 đồng/ngày/lao động. Với 0,5ha đất trồng đậu phộng của gia đình, năng suất đạt từ 900 - 1.000kg/0,1ha, giá bán bình quân 16.000 đồng/kg, lợi nhuận 08 triệu đồng/0,1ha, giải quyết việc làm cho 07 lao động tham gia thu hoạch đậu phộng.
Bà Đoàn Thị Thu, ấp Bến Kinh, xã Mỹ Long Bắc cho biết thêm: trước đây, điều kiện đất đai thấp (vùng trũng) sản xuất 01 vụ lúa/năm, những năm gần đây, Nhà nước đầu tư nâng cấp kênh thủy lợi nội đồng nên gia đình bà sản xuất được 01 vụ lúa - 01 vụ màu, có năm điều kiện thời tiết thuận lợi sản xuất 02 vụ màu - 01 vụ lúa. Với hơn 0,5ha đất sản xuất, khi kết thúc vụ lúa, bà xuống giống trồng từ 01 - 02 vụ màu chủ yếu dưa hấu hoặc bí đỏ, ớt chỉ thiên. Bình quân năng suất dưa hấu đạt từ 2,5 - 03 tấn/0,1ha, ớt chỉ thiên và bí đỏ đạt từ 1,8 - 2,5 tấn/0,1ha, lợi nhuận đạt từ 10 - 12 triệu đồng/0,1ha.
Theo đồng chí Trần Thị Kim Chung, Bí thư Huyện ủy Cầu Ngang, đến nay kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư đồng bộ, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện tập trung chỉ đạo phát triển nông nghiệp toàn diện, theo hướng thâm canh tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả; tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông - ngư - lâm nghiệp và phát triển nông thôn, khai thác được lợi thế tiềm năng của từng tiểu vùng sinh thái, tạo được nhiều mô hình sản xuất đạt hiệu quả, đã hình thành nên một số vùng sản xuất tập trung mang tính sản xuất hàng hóa cao; từ đó, giá trị sản xuất bình quân 01ha đất nông nghiệp đạt gần 171 triệu đồng.
Từ năm 2014 đến nay đã thực hiện chuyển đổi 5.428ha trồng lúa kém hiệu quả, trong đó chuyển sang trồng cây ngắn ngày là 3.216ha, cây lâu năm là 0,5ha, kết hợp nuôi thủy sản 435,5ha và chuyên nuôi thủy sản 1.775ha, tập trung ở các xã Mỹ Long Bắc, Nhị Trường, Hiệp Hòa, Long Sơn, Mỹ Hòa, Thạnh Hòa Sơn, Vinh Kim, Hiệp Mỹ Tây, Hiệp Mỹ Đông và Mỹ Long Nam.
Diện tích trồng lúa của huyện tuy có giảm do một phần diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả được chuyển đổi sang nuôi thủy sản, trồng màu, nhưng sản lượng lúa vẫn đảm bảo. Sản xuất một số loại cây màu có giá trị kinh tế cao có thị trường tiêu thụ ổn định, nhất là các loại cây màu thực phẩm, rau ngắn ngày (mùa nghịch) sản lượng đạt khá cao, lợi nhuận trung bình từ 30 - 50 triệu đồng/ha/vụ, cao gấp từ 05 lần trở lên so với trồng lúa như: cây bắp giống năng suất trung bình 08 tấn/ha, lợi nhuận từ 25 - 30 triệu đồng/ha; dưa hấu năng suất trung bình từ 20 - 30 tấn/ha, lợi nhuận từ 30 - 50 triệu đồng/ha; riêng cây đậu phộng, năng suất trung bình từ 8,5 - 9,5 tấn đậu tươi/ha, lợi nhuận từ 30 - 50 triệu đồng.
Những năm qua, việc đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ ở nông thôn từng bước phát triển; các hình thức liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đã từng bước hình thành và phát triển đa dạng, phù hợp với điều kiện sản xuất của huyện, một số mô hình liên kết theo chuỗi giá trị đảm bảo an toàn thực phẩm, kết nối từ sản xuất đến tiêu thụ có hiệu quả, nâng cao thu nhập của người dân so với trước đây như: Mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, năng suất bình quân 5,8 tấn/ha, có trên 6.000ha sản xuất lúa chất lượng cao tập trung ở các xã Kim Hòa, Hiệp Hòa, Nhị Trường, Trường Thọ, Long Sơn, Thạnh Hòa Sơn; mô hình sản xuất lúa giống, năng suất trung bình 06 tấn/ha, thực hiện ở 02 xã Hiệp Hòa, Trường Thọ; mô hình sản xuất lúa hữu cơ, năng suất bình quân khoảng 4,5 tấn/ha thực hiện ở các xã Long Sơn, Mỹ Hòa, Vinh Kim, Hiệp Hòa và Kim Hòa.
Song song đó, tình hình chăn nuôi gia súc từng lúc chưa ổn định do ảnh hưởng của dịch bệnh, tuy nhiên tổng đàn heo vẫn còn duy trì tương đối khoảng 90.000 con. Chăn nuôi bò sinh sản và vỗ béo đem lại hiệu quả kinh tế tương đối cao so với chăn nuôi một số đối tượng khác, quy mô chăn nuôi mở rộng ra toàn huyện, tổng đàn bò hiện có khoảng 58.000 con. Huyện đã xây dựng, triển khai, nhân rộng mô hình nâng cao tầm vóc đàn bò (Zebu hóa đàn bò) bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, đến nay đàn bò có 100% các giống lai có năng suất cao.
Lĩnh vực nuôi thủy sản huyện tiếp tục phát triển mạnh ở 03 vùng nước mặn, lợ và ngọt theo hướng đa dạng hóa đối tượng nuôi như: tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh, cá, nghêu, cua biển,... nhất là khai thác hiệu quả vùng đất hoang hóa phèn mặn cánh đồng Tây để nuôi thủy sản, con nuôi chủ lực là tôm sú và tôm thẻ chân trắng mang lại hiệu quả kinh tế cao, cho lợi nhuận trung bình từ 150 - 250 triệu đồng/ha/vụ, cao gấp từ 20 lần trở lên so với trồng lúa.
Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo phát triển mở rộng diện tích rừng phòng hộ và hình thành nên một vành đai rừng phòng hộ ổn định cho khu vực ven biển của huyện, tạo môi trường tốt cho việc phát triển sản xuất nông nghiệp, thích hợp phát sinh các nguồn lợi thủy sản đáng kể như: nghêu, sò huyết, cua biển, các loại cá nước lợ,... từ đó giúp cho người dân có thêm thu nhập từ việc nuôi, khai thác các sản phẩm thủy sản dưới tán rừng.
Ngoài ra, huyện triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ vào nông nghiệp với số tiền trên 134 tỷ đồng. Đồng thời tranh thủ nguồn vốn sự nghiệp Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, huyện đầu tư gần 2,8 tỷ đồng hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, góp phần giúp nông dân ổn định, phát triển được sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm thiểu rủi ro đói nghèo do thiên tai, dịch bệnh gây ra. Từ đó, góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người trong năm 2022 lên 62,41 triệu đồng/năm, tăng 49,7 triệu đồng so với cuối năm 2010.
Thời gian tới, huyện đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng. Xây dựng phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã theo mô hình kinh doanh đa ngành, kể cả mở rộng loại hình dịch vụ tín dụng nội bộ, dịch vụ tiêu thụ sản phẩm; sử dụng đất đai theo hướng hiệu quả thông qua chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Hỗ trợ kinh tế hộ phát triển, liên kết nông dân với nông dân và liên kết nông dân - doanh nghiệp theo chuỗi giá trị, đảm bảo chất lượng, có quy mô lớn, từng bước xây dựng thương hiệu hàng hóa nông sản của huyện. Phát huy vai trò hợp tác xã nông nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, sơ chế, bảo quản và tiêu thụ nông sản.
Bài, ảnh: MẪN QUÂN
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.