18/03/2021 07:07
Nông dân vùng trọng điểm nuôi tôm Mỹ Long Nam tăng cường chăm sóc tôm nuôi đầu vụ 2021.
Để đảm bảo kế hoạch sản xuất tôm nước lợ năm 2021 đạt hiệu quả, hạn chế rủi ro thiệt hại, tránh để xảy ra dịch bệnh trên diện rộng ảnh hưởng đến sản xuất của người dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có Công văn số 152/SNN-CCTS, ngày 29/01/2021 đề nghị UBND các huyện Cầu Ngang, Châu Thành, Trà Cú, Duyên Hải; UBND thị xã Duyên Hải và UBND thành phố Trà Vinh chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, Phòng Kinh tế thị xã, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn tuyên truyền và khuyến cáo người nuôi tôm hạn chế thả giống trong giai đoạn nhiệt độ giảm thấp hiện nay, theo dõi diễn biến thời tiết, môi trường chờ đến khi nhiệt độ ổn định trong khoảng 27-330C mới tiến hành thả giống nhằm để hạn chế rủi ro thiệt hại, tránh để xảy ra dịch bệnh trên diện rộng ảnh hưởng đến sản xuất tôm nước lợ năm 2021. Đồng thời, đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo tuyên truyền và khuyến cáo cho người nuôi hạn chế thả giống tôm nước lợ đầu mùa vụ nuôi để đảm bảo vụ nuôi tôm nước lợ năm 2020 - 2021 đạt hiệu quả và chỉ tiêu đề ra.
Ông Lê Văn Phi, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Ngang cho biết: trước tình hình bất lợi của thời tiết đầu vụ nuôi tôm 2021, tiếp thu tinh thần chỉ đạo của tỉnh, UBND huyện Cầu Ngang, ngành nông nghiệp tăng cường cán bộ kỹ thuật xuống cơ sở hướng dẫn hộ nuôi tôm; đồng thời vận động hộ nuôi tôm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, hộ nuôi có tôm bị thiệt hại không được xả nước thải chưa xử lý ra môi trường. Theo kế hoạch năm 2021, huyện Cầu Ngang phấn đấu đưa diện tích nuôi nước lợ - mặn là 7.660 ha; trong đó tôm sú 2.780ha, tôm thẻ chân trắng 4.450ha. Sản lượng tôm nuôi thương phẩm đạt 29.400 tấn.
Để thực hiện đạt mục tiêu này, Phó Chủ tịch UBND huyện Cầu Ngang Nguyễn Đức Mậu, cho rằng năm 2021 và những năm tiếp theo, huyện tập trung đầu tư phát triển nuôi thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ tăng trưởng cao và bền vững, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm phù hợp với yêu cầu thị trường. Do đó, song song với tiếp tục đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng: điện, thủy lợi, giao thông… huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân để nâng cao trình độ sản xuất, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, đảm bảo để nghề nuôi phát triển bền vững. Đẩy mạnh phát triển nuôi thủy sản toàn diện ở cả 3 vùng nước mặn, lợ, ngọt theo hướng đa dạng hóa đối tượng nuôi có giá trị kinh tế và xuất khẩu cao, như: tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh, cá lóc, nghêu,… trong đó, tập trung phát triển vùng nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh.
Xác định vùng nuôi thủy sản tập trung ở các xã như Hiệp Mỹ Đông, Hiệp Mỹ Tây, Mỹ Long Nam, Mỹ Hòa, Thuận Hòa, Thạnh Hòa Sơn, Long Sơn, Vinh Kim...; tăng cường hướng dẫn, triển khai kế hoạch sản xuất đồng thời kiểm tra và giám sát chất lượng vật tư đầu vào, như thức ăn, con giống, chất lượng hóa chất, chế phẩm sinh học, chất xử lý cải tạo môi trường sử dụng trong nuôi trồng thủy sản…
Trước tình hình bất lợi của thời tiết đầu vụ nuôi hơn lúc nào hết hộ nuôi tôm cần ứng dụng tốt các tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất; tuân thủ lịch thời vụ thả nuôi và quy trình kỹ thuật theo khuyến cáo ngành nông nghiệp. Kiểm soát chặt chẽ và khống chế tốt dịch bệnh trên tôm; nâng cao ý thức cộng đồng trong bảo vệ môi trường để hạn chế rủi ro…
Bài, ảnh: ĐÌNH CẢNH
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.