24/12/2022 15:59
Tuyến đường nông thôn ấp Sóc Giụp xây dựng hoàn thành trong tháng 11/2022.
Long Sơn khởi sắc
Về huyện Cầu Ngang trong những ngày này, chúng tôi cảm nhận được bức tranh NTM nơi đây ngày càng tươi mới, khởi sắc hơn bởi những công trình thiết chế văn hóa cùng với những tuyến đường nhựa, bê-tông trải khắp các nẻo đường, những ngôi nhà của hộ nghèo được xây dựng khang trang, kiên cố lan tỏa mạnh mẽ trên vùng quê nông thôn.
Sau khi được công nhận xã NTM vào tháng 7/2022, ngoài tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo vốn sản xuất, giải quyết việc làm, nhà ở,… xã Long Sơn tiếp tục đầu tư xây dựng 11 công trình đường nông thôn, với số tiền trên 7,5 tỷ đồng nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân.
Đồng chí Thạch Minh, Trưởng ban Nhân dân ấp Sóc Giụp, xã Long Sơn cho biết: khi triển khai XDNTM đông đảo người dân trong ấp hưởng ứng tích cực, đặc biệt là tuyến đường nông thôn của ấp nhận được sự ủng hộ của 22 hộ dân tham gia hiến đất, ngày công xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng khoảng 01 tháng nay, tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp và khang trang hơn.
Gia đình ông Thạch Rộng, một trong những hộ dân ấp Sóc Giụp đã hiến 60m2 đất xây dựng hoàn thành tuyến đường nông thôn của ấp bày tỏ: từng là xã đặc biệt khó khăn, tôi cũng như bà con trong ấp rất vui mừng và phấn khởi khi xã chúng tôi là 01 trong những xã được công nhận xã NTM trong năm 2022. Để cùng với xã giữ vững các tiêu chí NTM, gia đình tôi hiến phần đất của gia đình để XDNTM. Tôi hứa sẽ cùng với chính quyền địa phương tiếp tục bảo dưỡng và trồng hoa trên tuyến đường vừa được hoàn thành nhằm tạo cảnh quan và bảo vệ môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp. Với đà phát triển hiện nay, tôi tin rằng người dân ai cũng vui mừng khi được công nhận huyện NTM.
Đồng chí Thạch Ru La, Bí thư Đảng ủy xã Long Sơn cho biết: để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị địa phương cũng như duy trì giữ vững các tiêu chí NTM, góp phần xây dựng hoàn thành huyện NTM, xã tập trung tuyên truyền để Nhân dân nắm rõ ý nghĩa việc giữ vững và nâng chất từng tiêu chí NTM, đặc biệt tập trung tiêu chí y tế. Trên cơ sở đó, xã chỉ đạo các ngành, đoàn thể, phân công nhiệm vụ từng đảng viên, hội viên vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế toàn dân. Bên cạnh đó, xã kêu gọi các nhà đầu tư đến xã đầu tư phát triển kinh tế gắn với khai thác nuôi thủy sản; đồng thời tổ chức lại sản xuất đẩy mạnh cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo việc làm nâng cao thu nhập cho người dân đến nay trên 56 triệu đồng/người/năm, góp phần giảm 448 hộ nghèo, hộ cận nghèo. Hiện nay xã còn 209 hộ nghèo, cận nghèo (144 hộ nghèo, 65 hộ cận nghèo), trừ các đối tượng thuộc bảo trợ xã hội, chiếm tỷ lệ 3,94%.
Theo đồng chí Trần Thị Kim Chung, Bí thư Huyện ủy Cầu Ngang, qua 12 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM (2010 - 2022) trong bối cảnh chung có mặt thuận lợi và khó khăn, nhưng với tinh thần đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm cao, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân trong huyện thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn thể Nhân dân, đến nay huyện đã thực hiện đạt cơ bản 09/09 tiêu chí NTM; có 90/90 ấp văn hóa, NTM, trong đó có 07 ấp NTM kiểu mẫu; có 31.022/33.023 hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa, NTM; có 02 thị trấn đạt tiêu chí đô thị văn minh. Phối hợp với UBMTTQ Việt Nam tỉnh, huyện và các xã tổ chức lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân trong xây dựng huyện NTM, kết quả đạt 95%. |
Nâng cấp, mở rộng giao thông nông thôn
Xây dựng kết cấu hạ tầng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, góp phần đổi mới bộ mặt nông thôn, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Năm 2022, tổng nguồn vốn đầu tư công phân bổ 215,737 tỷ đồng, thi công 100 công trình; huy động vốn đầu tư toàn xã hội với tổng nguồn lực 5.160 tỷ đồng, tăng 19,88% so năm 2021.
Trong năm, huyện khảo sát thực địa vị trí đường dẫn ra vào bến xe huyện đấu nối với quốc lộ 53 và khu sinh hoạt văn hóa thể thao. Triển khai giải phóng mặt bằng các công trình thuộc lĩnh vực giao thông như: đường Tỉnh 915B (giai đoạn 2); đường kết nối cầu Chông Văn - Quốc lộ 54 (huyện Cầu Ngang - Châu Thành)... sửa chữa kịp thời cầu Ba So, xã Nhị Trường; sửa chữa, chống thấm các tuyến đường huyện tập trung xã Nhị Trường, Thuận Hòa, xã Hiệp Mỹ Đông, Mỹ Long Nam và Tỉnh lộ 912. Hiện trên địa bàn huyện có 622,16/727,67km đường nhựa hóa, bê-tông hóa, đạt 85,5%; có 13/13 xã đạt tiêu chí 2 về giao thông. Triển khai thi công công trình lắp đặt đèn tín hiệu giao thông và cải tạo nút giao trên đường Tỉnh 912, Đường huyện 35 giao với tuyến tránh quốc lộ 53.
Đồng thời chỉ đạo các ngành, đoàn thể huyện phối hợp các xã thực hiện công tác trồng, chăm sóc tuyến đường hoa trên tuyến Quốc lộ 53 trên địa bàn huyện; chăm sóc các tuyến đường hoa, vệ sinh môi trường trên các tuyến đường chính của xã. Bên cạnh đó, người dân tích cực phát triển sản xuất, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, liên kết hợp tác xã và tham gia phong trào kinh tế hợp tác, xã dựng gia đình văn hóa, NTM, giữ gìn vệ sinh môi trường,…
Bà Mai Thị Tổng, ấp Giồng Dài, xã Hiệp Mỹ Tây, huyện Cầu Ngang cho biết: khi thực hiện xây dựng huyện NTM, các tuyến đường được đầu tư xây mới và nâng cấp, mở rộng người dân hưởng ứng cao, nhất là mở rộng đường tránh Quốc lộ 53 nhiều hộ dân có nhà ở được hướng ra mặt lộ, khuôn viên nhà khang trang hơn, thuận lợi việc kinh doanh buôn bán.
Cùng với sự thay đổi về kết cấu hạ tầng nông thôn, cảnh quan môi trường luôn được người dân tích cực thực hiện. Nhờ đó ngày nay đi trên tuyến Quốc lộ 53 đều hiện lên những ngôi nhà khang trang, giao thông nông thôn cải thiện, những tuyến đường hoa, những luống rau nằm cặp ven đường đã góp phần tô điểm thêm bức tranh NTM của huyện thêm xanh, đẹp.
Điều đáng nói sắp tới Cầu Ngang sẽ đón nhận huyện NTM, người dân vùng quê yên bình này vô cùng phấn khởi. Tuy Quốc lộ 53 xây dựng mới khang trang, đèn đường lắp đặt bảo đảm an ninh trật tự, nhưng ven Quốc lộ 53 nơi đây chưa đầu tư đường điện, đây là một trong những khó khăn của người dân khi đầu tư chi phí đấu nối đường dẫn điện từ nhà ra đồng ruộng nên đường truyền tải chậm, chi phí sản xuất tăng cao.
Theo bà Tổng, trước đây khi chưa mở rộng Quốc lộ 53, ngoài diện tích nhà ở, đất còn lại chủ yếu nuôi thủy sản, trên bờ ao tôm trồng rau, cải các loại. Sau khi mở rộng đường tránh Quốc lộ 53 đi ngang qua đất sản xuất của gia đình, hệ thống thủy lợi không đảm bảo, nên bà lấp ao trồng rau diếp cá, hẹ với gần 0,3ha. Từ số tiền bồi hoàn đất để làm đường, nên bà có điều kiện trồng trọt kết hợp với nuôi 03 con bò sinh sản, cuộc sống ngày càng khấm khá.
Kinh tế - xã hội của huyện phát triển khá; kết cấu hạ tầng đầu tư đồng bộ, thiết thực theo chuẩn NTM; diện mạo NTM có nhiều đổi mới, khởi sắc; đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng nâng cao; hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn, ngày càng vững mạnh; dân chủ cơ sở được phát huy; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Đặc biệt, người dân luôn đoàn kết, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đánh dấu sự chuyển mình của huyện và làm tiền đề để địa phương tiếp tục phát triển trong những năm tiếp theo.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.