07/12/2021 07:15
Đời sống của nông dân huyện Châu Thành chủ yếu sản xuất nông nghiệp, trong đó, sản xuất lúa chiếm tỷ lệ cao. Trong thời gian gần đây, do ảnh hưởng của tình hình biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn và sâu bệnh ngày càng nhiều. Chính những yếu tố trên đã làm không ít vùng trồng lúa có hiệu quả sản xuất không cao. Do vậy, nhiều địa phương trên địa bàn huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân mạnh dạn chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, trồng cỏ nuôi bò, trồng màu, nuôi thủy sản… Đây được xem là một trong những định hướng hiệu quả trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện trong thời gian qua.
Ông Trương Kính Hoa, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành cho biết: để thực hiện có hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất, những năm qua, ngành nông nghiệp cùng với chính quyền địa phương thực hiện đồng bộ, có hiệu quả hàng loạt các nhóm giải pháp, như: rà soát diện tích sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả và xây dựng kế hoạch, lộ trình cho việc chuyển đổi; thu hút doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, hộ cá thể thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm...
Ngoài ra, huyện còn tận dụng các nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn, hỗ trợ nông dân về cây, con giống, kỹ thuật. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong năm 2021, nông dân trên địa bàn huyện chuyển đổi được 234,2ha từ đất vườn, đất giồng tạp và đất lúa chuyển sang trồng dừa, trồng màu và cây ăn trái, trong đó 212,8ha từ đất lúa sang 25,5ha chuyên trồng màu, 130,35ha luân canh màu, 0,4ha trồng lài, 6,3ha trồng cỏ, 36,85ha trồng trồng dừa, 0,3ha sang trồng bưởi, 1,7ha trồng mai, 11,4ha nuôi thủy sản và 21,4ha từ đất vườn, giồng tạp, cải tạo vườn cây ăn trái sang 4,3ha trồng bưởi, 10,55ha trồng dừa, 0,25ha nuôi thủy sản, 5,7ha trồng màu, 0,3ha trồng mai vàng, 0,3ha trồng chuối. Qua khảo sát, đánh giá của ngành chuyên môn và nông dân, hầu hết diện tích sau khi chuyển đổi đều đạt hiệu quả kinh tế bình quân cao từ 02 - 04 lần so với trước khi chưa chuyển đổi.
Ông Huỳnh Sa Rây, ấp Chà Dư, xã Lương Hòa A cho biết: hưởng ứng chuyển đổi cơ cấu sản xuất do địa phương phát động, tôi mạnh dạn chuyển 0,2ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng dưa lưới, mỗi năm lợi nhuận từ 40 - 50 triệu đồng. Ông Rây cho biết thêm: trồng dưa lưới trong nhà lưới được áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật tiên tiến gần như tự động hóa các khâu nên không tốn nhiều công lao động vừa tiết kiệm chi phí sản xuất, hạn chế sâu bệnh gây hại, năng suất cao, bình quân 30 tấn/ha, chất lượng sản phẩm an toàn, giá bán dao động 30.000 - 40.000 đồng/kg. Với mô hình chuyển đổi cơ cấu sản xuất này cho lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với độc canh cây lúa.
Bà Thạch Thị Sơn, ngụ ấp Hòa Lạc A, xã Lương Hòa A cho biết: nông dân ở đây mạnh dạn chuyển đổi đưa cây màu xuống chân ruộng hiệu quả; xây dựng nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, như: trồng bưởi da xanh, nuôi bò, gà, vịt… hiệu quả. Gia đình tôi cũng hưởng ứng chuyển đổi cơ cấu sản xuất và áp dụng mô hình trồng bưởi da xanh trên diện tích 0,4ha, trung bình mỗi năm lợi nhuận trên 200 triệu đồng, gia đình tôi rất phấn khởi.
Phong trào chuyển đổi cơ cấu sản xuất của nông dân trên địa bàn huyện Châu Thành đã và đang góp phần không nhỏ vào việc tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập cho nông dân; nhiều cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao, thị trường tiêu thụ tốt được đưa vào gieo trồng.
Thông qua chuyển đổi cơ cấu sản xuất đã góp phần đa dạng hóa các sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường nông sản, thủy sản nội địa và xuất khẩu. Luân canh cây trồng có tác dụng cải tạo đất, hạn chế sâu bệnh gây hại; từng bước thay đổi tập quán, tư duy sản xuất nông sản hàng hóa của nông dân, tăng cường sự liên kết trong đầu tư sản xuất, tiêu thụ hàng hóa giữa nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp.
Việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên, việc chuyển đổi trên địa bàn huyện đa phần còn thực hiện manh mún, nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết vùng, tập trung, quy mô lớn; phần lớn sản phẩm chưa có thương hiệu; thiếu sự gắn kết giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ; các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là đầu tư sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ còn ít. Năng lực tiếp cận thị trường, tiếp cận công nghệ của nông dân hạn chế, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp còn ít. Nguồn nhân lực, lao động có trình độ cao, có tay nghề trong nông nghiệp trên địa bàn thiếu và yếu.
Mục tiêu của huyện Châu Thành là tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp; nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; phát huy hiệu quả các sản phẩm chủ lực của địa phương, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý và truy xuất nguồn gốc; tổ chức sản xuất theo chuổi giá trị; liên kết hài hòa giữa nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp, nhằm giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất hướng đến sản xuất quy mô lớn; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến và thị trường.
Cơ cấu lại sản xuất theo từng tiểu vùng nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của mỗi vùng và của từng địa phương; tổ chức liên kết chặt chẽ giữa các xã, thị trấn, tạo đột phá trong phát triển nhanh, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh. Huyện tiếp tục khuyến cáo, vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa và chuyển đổi diện tích đất trồng lúa sang các loại cây trồng khác. Vận động nông dân cải tạo giồng tạp, vườn tạp và trồng mới đối với vườn cây ăn trái kém hiệu quả và vườn dừa già cỏi, hiệu quả thấp; sử dụng giống mới có năng suất và chất lượng cao; khuyến khích nông dân tập trung phát triển một số cây trồng chủ lực và có thị trường tiêu thụ; tiếp tục phối hợp thực hiện tốt các mô hình và các dự án đang đầu tư thực hiện trên địa bàn huyện.
PHAN TUẤN
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.