01/10/2020 15:28
Toàn xã có 2.578ha đất nông nghiệp (đất trồng lúa 1.412,63ha; trồng màu 85,81ha; trồng cây lâu năm 131ha; nuôi trồng thủy sản 949,38ha). Hiện nay, xã Đôn Châu đã hình thành 02 vùng sản xuất rõ rệt: vùng I, cặp Tỉnh lộ 914 về hướng Nam, có 04 ấp: Bà Nhì, La Bang Kinh, La Bang Chợ và La Bang Chùa, nguồn kinh tế chủ yếu nuôi trồng thủy sản và dịch vụ thương mại; vùng II, Tỉnh lộ 914 về hướng Bắc có 06 ấp: Ba Sát, Bào Môn, Mồ Côi, Tà Rom A, Tà Rom B và Sa Văng, nguồn kinh tế chính sản xuất nông nghiệp.
Mô hình nuôi tôm công nghiệp của ông Huỳnh Ngọc Thảo, ấp La Bang Chợ, xã Đôn Châu.
Ông Sơn Cô Sol, Chủ tịch UBND xã Đôn Châu chia sẻ: những năm qua, kinh tế và đời sống Nhân dân phát triển đáng kể, nông thôn có nhiều đổi mới, trật tự an toàn xã hội luôn ổn định. Việc cụ thể hóa các kế hoạch, nghị quyết của huyện, tỉnh và địa phương về thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn đã tạo hiệu quả. Nổi bật là năm 2019, lĩnh vực trồng trọt có 41 hộ chuyển đổi gần 09ha (từ 02 vụ lúa sang 01 vụ lúa 02 vụ màu), nâng tổng số đến nay toàn xã có 120 lượt hộ tham gia chuyển đổi, diện tích 51ha. Trong đó, 07 hộ thực hiện mô hình trồng màu trong nhà lưới; 27 hộ chuyển đổi các hình thức từ nuôi tôm sú sang nuôi tôm thẻ thâm canh, bán thâm canh; từ quảng canh sang thâm canh gần 10ha, nâng số hộ chuyển đổi nuôi tôm sú, thẻ chân trắng 94 hộ, 43ha.
Để thực hiện đạt kế hoạch chuyển đổi, theo phương châm: chuyển đổi đến đâu, tạo nền tảng kiến thức vững chắc cho nông dân đến đó, UBND xã thành lập Ban chỉ đạo phát triển kinh tế của xã, với 24 thành viên, Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban, Phó Chủ tịch UBND xã làm Phó trưởng ban và 22 thành viên. Năm 2019, Ban Chỉ đạo triển khai quán triệt trong nội bộ và Nhân dân 15 cuộc, có 525 lượt người tham gia. Mặt trận và các hội đoàn thể xã, ấp phối hợp lồng ghép tuyên truyền vận động thực hiện kế hoạch chuyển đổi sản xuất. Thông qua tuyên truyền, Nhân dân nhận thức rõ vai trò chủ thể thực hiện kế hoạch, nhằm tổ chức lại sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn, tạo thu nhập ổn định.
Nói về hiệu quả của chuyển đổi, ông Huỳnh Ngọc Thảo, nông dân ấp La Bang Chợ cho biết: ông có 0,16ha mặt nước, trước đây, khi chưa có điện, chỉ nuôi hình thức thả lan, đến năm 2018, nhờ Nhà nước hạ điện, ông chuyển sang nuôi tôm công nghiệp, tuy diện tích ít, nhưng vụ nào cũng có lời, vụ cao nhất gần 100 triệu đồng; các vụ còn lại bình quân từ 50-60 triệu đồng/vụ.
Quá trình triển khai kế hoạch, được thực hiện công khai, dân chủ thông qua ý kiến Nhân dân, rõ nhất là tổ chức công bố kế hoạch chuyển đổi sản xuất giai đoạn 2016 - 2020, niêm yết công khai tại trụ sở tiếp công dân xã và Ban Nhân dân 10 ấp. Hàng năm, Ban Chỉ đạo rà soát đánh giá kết quả thực hiện các vùng quy hoạch nhằm điều chỉnh, bổ sung kịp thời phù hợp với điều kiện thực tế; lĩnh vực thủy sản tập trung con tôm sú, tôm thẻ chân trắng và vọp; lĩnh vực trồng trọt cây đậu phộng, bắp, ớt chỉ thiên; lĩnh vực chăn nuôi là con bò, dê.
08 tháng đầu năm 2020, xã có gần 100 lượt hộ thả nuôi tôm sú, gần 40ha, gần 30 triệu con giống. Trong đó, 07 lượt hộ nuôi siêu thâm canh, 1,26ha, khoảng 04 triệu con giống. Đáng chú ý, mô hình nuôi tôm sú xen cua biển được nông dân quan tâm, có 251hộ, diện tích 335ha, gần 21 triệu con tôm sú và 1,8 triệu con cua giống. Ngoài ra, trên địa bàn xã có 24 hộ nuôi vọp, gần 03ha, hơn 290.000 con giống. Đối với tôm thẻ chân trắng, có 27 hộ nuôi, diện tích 7,9ha, gần 08 triệu con giống. |
Nhờ công khai, dân đồng thuận, nên từ năm 2013 đến nay, chuyển đổi đã thành công. Đó là nhờ Đôn Châu thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp: hệ thống đường nhựa, đường đal được đầu tư xây dựng 10/10 ấp từ các nguồn Chương trình 135, dự án AMD, trái phiếu Chính phủ, các chương trình lồng ghép… cơ bản phục vụ chuyển đổi sản xuất. Hoàn thành đê bao công trình 773, dài 03km, thuận lợi đi lại vào mùa mưa và hoàn thành tuyến đal nội đồng ở ấp Sa Văng, Mồ Côi, Tà Rom A và Tà Rom B. Một số tuyến giao thông đến khu vực ven láng ấp La Bang Chùa, La Bang Kinh và Bà Nhì cũng hoàn thành. Về thủy lợi, cơ bản đáp ứng chuyển đổi sản xuất, nạo vét 05 tuyến kênh, dài 09km, nạo vét 02 tuyến kênh sường phòng, chống hạn; lắp 02 bọng thoát nước tại ấp Mồ Côi, Bào Môn.
Song song đó, điện phục vụ sản xuất thuộc dự án Chương trình 135 của Chính phủ, Dự án IMPP (Dự án Cải thiện sự tham gia thị trường cho người nghèo), dự án kéo điện cho 20.000 hộ dân chưa có điện đã cơ bản đáp ứng chuyển đổi sản xuất. Đường điện trung thế phục vụ nuôi trồng thủy sản tại ấp Bà Nhì, La Bang Kinh và La Bang Chùa đã hoàn thiện. Ngoài ra, Công ty Điện lực đầu tư giai đoạn 2016-2020 với 07 tuyến, nhằm phục vụ nuôi thủy sản… nhìn chung, kết cấu hạ tầng đầu tư phục vụ chuyển đổi sản xuất ở một số vùng trên địa bàn xã đáp ứng yêu cầu, điện lưới phát huy hiệu quả, hệ thống thủy lợi ở một số vùng cơ bản chủ động tưới tiêu.
Thời gian tới, xã Đôn Châu tiếp tục rà soát điều chỉnh, bổ sung kế hoạch có hiệu quả, tuyên truyền sâu rộng trong Nhân dân về kế hoạch đã phê duyệt. Đồng thời, khuyến khích nông dân tham gia thực hiện các mô hình sản xuất, áp dụng khoa học - kỹ thuật; triển khai thực hiện các đề án, chương trình, xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm trên cơ sở khai thác, tận dụng hiệu quả tiềm năng, lợi thế nông nghiệp của địa phương, khai thác hợp lý đất nông nghiệp. Phát huy và nhân rộng các hình thức liên kết sản xuất, trên cơ sở xác định rõ vai trò chủ yếu của mỗi đối tác để theo dõi, quản lý và thực hiện chính sách hỗ trợ phù hợp.
Bài, ảnh: TRƯỜNG HIẾU
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.