14/02/2024 19:03
Hội viên Cựu chiến binh xã Mỹ Long Bắc ra quân chỉnh trang tuyến đường hoa Hương lộ 5 xây dựng đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu.
Đồng chí Thạch Thị Thu Hà, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Cầu Ngang cho biết: qua 12 năm XDNTM, đến nay diện mạo NTM ngày càng khởi sắc. Trong đó, 02 lĩnh vực chuyển biến tích cực là xây dựng kết cấu hạ tầng gắn phát triển sản xuất, góp phần tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững.
Đối với kết cấu hạ tầng, huyện đầu tư 100% đường giao thông kết nối liên thông phù hợp với quy hoạch mạng lưới giao thông phục vụ sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội. Hệ thống cầu, cống xây dựng kiên cố, phù hợp với cấp đường theo quy hoạch, đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của Nhân dân. Toàn huyện có 30,9km đê bao; 671 tuyến kênh đảm bảo điều tiết nước phục vụ sản xuất; hệ thống đê đầu tư gia cố thường xuyên góp phần ngăn mặn, bảo vệ các khu dân cư. Hệ thống lưới điện đầu tư phù hợp với quy hoạch, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của cả hệ thống và đáp ứng nhu cầu sử dụng điện trong sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Công tác kiên cố hóa trường lớp được quan tâm đầu tư đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu. Hệ thống cơ sở vật chất văn hóa - thể thao đầu tư xây dựng với quy mô phù hợp, đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân và cộng đồng. Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao và Khu Liên hợp thể thao của huyện đầu tư xây dựng mới với 29,5 tỷ đồng; 100% ấp, khóm có nhà văn hóa, khu thể thao ấp, bố trí điểm vui chơi giải trí cho trẻ em và người cao tuổi, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa và thể dục, thể thao của người dân. Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được đầu tư, nâng cấp; Bệnh viện Đa khoa khu vực Cầu Ngang đang được nâng cấp mở rộng đạt chuẩn bệnh viện loại II.
Thực hiện kế hoạch chuyển đổi sản xuất, những năm gần đây, huyện đầu tư 08 dự án thủy lợi phục vụ chuyển đổi sản xuất với hơn 600 tỷ đồng, phục vụ hơn 4.300ha nuôi trồng thủy sản. Triển khai thi công công trình Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá cửa Cung Hầu (Vàm Lầu); dự án công trình đê ven cửa sông Cổ Chiên bảo vệ khu dân cư thị trấn Mỹ Long; dự án kè chống sạt lở thị trấn Cầu Ngang và xã Thuận Hòa; nâng cấp đê quốc phòng thành Tỉnh lộ 915B. Cùng với việc đầu tư kiên cố hóa các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đã góp phần đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, đô thị hóa và nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai.
Ngoài ra, huyện chỉ đạo phát triển nông nghiệp toàn diện, theo hướng thâm canh tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả. Thực hiện hiệu quả kế hoạch chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông - ngư - lâm nghiệp và phát triển nông thôn, khai thác lợi thế tiềm năng của từng tiểu vùng sinh thái, tạo nhiều mô hình sản xuất đạt hiệu quả, bước đầu đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung với những cây màu có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ ổn định, nhất là các loại cây màu thực phẩm, rau ngắn ngày (mùa nghịch), lợi nhuận trung bình từ 30 - 50 triệu đồng/ha/vụ, cao gấp 05 lần trở lên so với trồng lúa.
Điển hình như mô hình sản xuất nông sản theo quy trình tuần hoàn hữu cơ đạt chuẩn châu Âu của bà Lê Thị Hạnh Dung, Giám đốc Công ty Cổ phần phát triển nông nghiệp Gia Hưng ở xã Long Sơn được đánh giá mang lại hiệu quả cao, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, giải quyết việc làm lao động trong vùng.
Nhân công thu hoạch cá rô phi tại hộ Võ Xuân Mai, ấp La Bang, xã Long Sơn.
Bà Dung cho biết: mô hình được đầu tư với tổng nguồn vốn 07 tỷ đồng, trong đó Sở Khoa học và Công nghệ, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hỗ trợ 300 triệu đồng và 50% kinh phí xây dựng nhà màng. Cây trồng chủ yếu dưa hấu, dưa lưới, dưa leo, rau ăn lá,… kết hợp nuôi gà đẻ trứng để tận dụng phụ phẩm chăn nuôi phục vụ trồng trọt. Sản lượng nông sản cung ứng thị trường từ 05 - 06 tấn/tháng, giá bán theo thị trường. Tổng lợi nhuận đạt 300 - 600 triệu đồng/tháng.
Huyện đẩy mạnh nuôi thủy sản ở 03 vùng nước mặn, lợ và ngọt theo hướng đa dạng hóa đối tượng nuôi như: tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh, cá, nghêu, cua biển,... Nổi bật là khai thác có hiệu quả vùng đất hoang hóa phèn mặn cánh đồng Tây để nuôi thủy sản, con nuôi chủ lực là tôm sú và tôm thẻ chân trắng, lợi nhuận trung bình từ 150 - 250 triệu đồng/ha/vụ, cao từ 20 lần trở lên so với trồng lúa.
Nông dân Võ Xuân Mai, người có kinh nghiệm nuôi tôm hơn 10 năm ở ấp La Bang, xã Long Sơn đạt lợi nhuận từ 500 - 700 triệu đồng/năm. Ông Mai cho biết: vụ nuôi năm 2023, ngoài 1,4ha mặt nước ông thả nuôi 07 ao tôm thẻ chân trắng, sản lượng đạt 17 tấn, do giá giảm nên lợi nhuận đạt 200 triệu đồng.
Cùng với đó, được Trung tâm Kỹ thuật dịch vụ nông nghiệp huyện hỗ trợ 7.000 con cá rô phi Genomar luân canh trong ao nuôi tôm trên 1.000m2 với tổng chi phí 170 triệu đồng. Sau gần 3,5 tháng nuôi, trọng lượng cá rô phi đạt từ 800 - 900gram/con và bao tiêu với giá 37.000 đồng/kg, sản lượng đạt 5,5 tấn, lợi nhuận hơn 40 triệu đồng. Nhận thấy nuôi cá rô phi ít bị bệnh, tỷ lệ sống cao, giảm rủi ro, năng suất cao, có thể nuôi ở những ao nuôi tôm bị nhiễm bệnh EHP và các bệnh về gan. Do đó, ông đầu tư thả nuôi 02 ao cá rô phi với 9.000 con giống, hiện đang phát triển tốt, hy vọng vụ mùa bội thu vào dịp cuối năm.
Theo đồng chí Thạch Thị Thu Hà: việc đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ ở nông thôn từng bước phát triển; các hình thức liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đã hình thành và phát triển đa dạng, phù hợp với điều kiện sản xuất của huyện.
Một số mô hình liên kết theo chuỗi giá trị đảm bảo an toàn thực phẩm, kết nối từ sản xuất đến tiêu thụ có hiệu quả, nâng cao thu nhập của người dân so với trước. Việc phát triển sản xuất, chuyển dịch có hiệu quả cơ cấu kinh tế trên địa bàn đã góp phần nâng thu nhập bình quân đến nay đạt 74,44 triệu đồng/người/năm, tăng trên 50 triệu đồng so với thời điểm bắt đầu triển khai thực hiện phong trào XDNTM.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Thực hiện phong trào thi đua Trà Vinh hoàn thành nhiệm vụ XDNTM trước năm 2025, xã Thạnh Phú, huyện Cầu Kè là 01 trong 02 xã (cùng với xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần) được tỉnh chọn xây dựng mô hình xã NTM thông minh. Hiện xã Thạnh Phú cơ bản hoàn thành các tiêu chí theo Công văn số 3445/BNN-VPĐP, ngày 29/05/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hướng dẫn tạm thời về triển khai xây dựng mô hình thí điểm xã NTM thông minh, xã thương mại điện tử.