13/01/2020 09:08
Cơ giới hóa trên đồng ruộng xã VH-NTM Phong Phú, huyện Cầu Kè.
Ngày mới trên những công trình nông thôn mới
Dưới tiết trời se lạnh của những ngày cuối năm 2019, khi mỗi người đang nô nức chuẩn bị đón Xuân Canh Tý 2020, chúng tôi có dịp về thăm quê hương của Nữ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Út (Út Tịch) ở xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè. Hình ảnh những con đường hoa đang rực rỡ khoe sắc đón chào huyện Cầu Kè, là đơn vị thứ 03 của tỉnh (sau thị xã Duyên Hải và huyện Tiểu Cần) đang hoàn tất thủ tục để chờ công nhận huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào đầu năm 2020.
Thành công của nông thôn mới ở Cầu Kè chính là “cốt ở lòng dân”, quan điểm này được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Cầu Kè xác định và bám sát trong quá trình đổi mới. Trên nhiều lĩnh vực, người dân được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra; đặc biệt là ở các công trình phục vụ dân sinh, các nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế ở Cầu Kè đã được phát huy tính dân chủ… Qua đó, đã xuất hiện nhiều phong trào người dân hiến đất mở đường được lan tỏa ngày càng mạnh mẽ vào những ngày đầu XDNTM. Từ năm 2010 đến nay, người dân trong huyện đã hiến hàng trăm ngàn mét vuông đất và ngày công lao động làm đường làng, ngõ xóm. Hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn được phát triển mở rộng, với 428 tuyến đường, bao gồm trục xã và liên xã, đường trục ấp, liên ấp, đường ngõ xóm, đường trục chính nội đồng dài 642km, khang trang, sạch đẹp; cùng với đó là hệ thống thủy lợi đã xây dựng 339 tuyến kênh, dài gần 578km và 44 cống, bọng đầu mối đảm bảo ngăn mặn, trữ ngọt, phục vụ tốt nhu cầu sản xuất và dân sinh.
Đến cuối tháng 10/2019, huyện Cầu Kè có 10/10 xã được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn văn hóa-nông thôn mới (VH-NTM). Qua đó, đã làm chuyển biến nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong toàn huyện, tạo sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực của mọi tầng lớp nhân dân. Người dân đã nhận thức được mình là chủ thể và là người được hưởng thụ trực tiếp thành quả của chương trình XDNTM nên tích cực tham gia thực hiện.
Lão nông Mai Lưu Y, Ấp III, xã Thạnh Phú, huyện Cầu Kè đưa tay chỉ về cầu Kênh Giữa (do bắc qua trục của 02 kênh tiếp giáp xã Thông Hòa-Thạnh Phú) bộc bạch: Công trình này được Nhà nước và nhân dân cùng tham gia xây dựng để giúp người dân ở khu vực Kênh Giữa đi lại thuận tiện và vận chuyển hàng hóa nông sản từ hơn 20 năm nay. Gia đình tôi cũng được hưởng lợi từ công trình này, vì vậy khi địa phương phát động phong trào đóng góp xây dựng đường đal và làm cầu nông thôn, không chỉ cá nhân tôi mà còn có nhiều hộ khác trong Ấp III hưởng ứng tích cực. Ngoài đóng góp ngày công lao động, bản thân gia đình cùng các hội viên và nông dân trong khu vực còn tham gia đóng góp tiền, phương tiện để cùng chia sẻ với địa phương trong thực hiện công trình “cây nhà lá vườn”.
“Cú hích” từ phong trào XDNTM
Trong quá trình XDNTM, nông nghiệp Cầu Kè đang thực sự khởi sắc, từ những kết quả khởi đầu của các Đề án hỗ trợ phát triển nông nghiệp đã khẳng định hướng đi đúng và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của địa phương có thế mạnh là sản xuất lúa (9.500ha) và cây ăn trái (8.800ha). Ông Ngô Thanh Xuân, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Cầu Kè cho biết: Hiện trên địa bàn huyện đã hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện, cụ thể: Xã Hòa Tân (dừa sáp, xoài); xã Ninh Thới (bưởi da xanh, nhãn); xã Tam Ngãi (bưởi, xoài); xã An Phú Tân (sầu riêng, chôm chôm); xã Hòa Ân, Thông Hòa, Thạnh Phú, Châu Điền, Phong Phú và Phong Thạnh (lúa hữu cơ). Huyện đã xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án mỗi xã 01 sản phẩm, từ đó các xã đã cụ thể từng địa phương để triển khai thực hiện đạt kế hoạch. Qua triển khai thực hiện có 06 xã đăng ký thực hiện cánh đồng lớn về lúa (Châu Điền, Phong Phú, Hòa Ân, Phong Thạnh, Thông Hòa và Thạnh Phú) với tổng diện tích đăng ký 832ha; liên kết là Công ty TNHH Phân bón Trường Sơn-TSBio (tỉnh Long An). Mô hình lúa sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm với diện tích 264,6ha, 311 hộ tham gia; mô hình lúa sản xuất theo hướng sử dụng phân bón thông minh, với diện tích 30ha, 26 hộ ở Ấp III (xã Phong Phú) tham gia... Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cây chôm chôm (quy mô 20ha) đạt tiêu chuẩn VietGAP hướng đến xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cây chôm chôm An Phú Tân, liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất rau an toàn theo hướng nông nghiệp sạch, liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, quy mô 10ha tại xã Hòa Ân và Hòa Tân.
Nói về chặng đường 10 năm XDNTM (2010 - 2019), ông Nguyễn Thế Ngoan, Bí thư Huyện ủy Cầu Kè cho biết: Khi bắt tay vào XDNTM, qua khảo sát, Cầu Kè chỉ có 04/10 xã đạt từ 05-06/19 tiêu chí về xã VH-NTM; 06/10 xã đạt từ 02-03/19 tiêu chí xã VH-NTM. Năm 2011 toàn huyện có 6.644 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 21,81%, chỉ xã An Phú Tân đạt tiêu chí. Từ khó khăn trên, hàng năm để đạt mục tiêu xóa 02-03% hộ nghèo/năm, Huyện ủy giao các cấp ủy Đảng xây dựng kế hoạch cụ thể, phân công cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, từng chi bộ, chi tổ hội tiến hành khảo sát hộ nghèo, phân loại hộ nghèo để xây dựng đề án cụ thể, kế hoạch giảm nghèo theo hướng bền vững…Cùng với đó, Ban Thường vụ Huyện ủy kịp thời phân công các đồng chí trong Ban Thường vụ có năng lực, có kinh nghiệm chỉ đạo phụ trách địa bàn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, hội viên đoàn thể và các tầng lớp nhân dân hiểu rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của việc XDNTM.
Qua triển khai thực hiện nhiều giải pháp giảm nghèo, chú trọng đầu tư cho những vùng đặc biệt khó khăn nhằm kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn ở mức trung bình so với mặt bằng chung của các xã trong huyện. Cuối năm 2018, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện còn 2,51%. Về thu nhập bình quân, huyện đạt 44,537 triệu đồng/người/năm (năm 2018), tăng 29,329 triệu đồng/người/ năm so năm 2011 (15,208 triệu đồng/người/năm). Hệ thống trường học được đầu tư đồng bộ, khang trang, hiện đại; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học THPT, bổ túc, học nghề trong huyện 1.140/1.237 học sinh, chiếm 92,16%; tỷ lệ lao động qua đào tạo 45.534/71.857 (đạt 63,37%). Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với XDNTM từng bước được nâng lên, có 27.918/30.522 hộ đạt chuẩn gia đình VH-NTM, đạt 91,5%; 51/62 ấp VH-NTM, đạt 82,3%...
Bài ảnh: HỮU HUỆ
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.