14/12/2020 16:45
Cầu nông thôn ấp Sóc được xây dựng tình Quân - Dân.
Từ khi công trình cầu nông thôn liên ấp Sóc, Trà On, Giồng Mới xây dựng hoàn thành, 70 hộ dân hưởng lợi trực tiếp từ cây cầu này vô cùng phấn khởi. Trước đây, khi chưa xây dựng cây cầu, người dân ở 03 ấp này gặp nhiều khó khăn trong đi lại và vận chuyển hàng hóa. Theo những người dân nơi đây, hàng ngày người dân đi lại bằng cầu khỉ (cầu tre) dài hơn 46m, hoặc bằng ghe, xuồng khi vận chuyển vật tư nông nghiệp và các nông cụ phục vụ sản xuất lúa. Năm 2020, thông qua Thượng tọa Thích Nguyên Ngọc, Trụ trì chùa Long Hòa, huyện Trà Cú kết nối với Hội từ thiện ở Thành phố Hồ Chí Minh, xã vận động hơn 242 triệu đồng và người dân ở dọc hai bên cầu hiến đất, đóng góp ngày công để xây dựng cây cầu liên ấp. Hiểu được ý nghĩa của việc làm này, toàn bộ người dân ở 03 ấp tự nguyện hiến đất, ngày công cùng với 50 chiến sĩ thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tham gia xây dựng hoàn thành trước Đại hội Đảng bộ tỉnh.
Dọc theo tuyến đường vừa được rải đá chuẩn bị láng nhựa dẫn đến cây cầu nông thôn liên ấp Sóc, Trà On, Giồng Mới, đâu đâu cũng nghe tiếng cười nói vui vẻ của người dân ở ven đường. Một số người ngồi thăm chừng ruộng rơm rạ đang đốt, một số người xử lý cỏ, phun xịt ruộng để chuẩn bị vụ mùa mới. “Tuyến đường dẫn đến cây cầu liên ấp Sóc, Trà On, Giồng Mới trước đây chỉ là tuyến đường đất, mùa mưa thì lầy lội, mùa nắng thì gập ghềnh, nên chỉ có 02 khe nhỏ vừa đủ cho bánh xe gắn máy hai chiều lưu thông qua lại. Nay tuyến đường này được trải nhựa gần xong, phấn đấu hoàn thành trước tết Nguyên đán 2021, người dân xóm này vui lắm”- nhiều người dân ở đây chia sẻ.
Ngôi nhà đầu tiên chúng tôi đến nằm dưới dốc cầu sau lũy tre phủ kín, đó là nhà bà Thạch Thị Trưng, ấp Sóc, xã Huyền Hội, trong lúc loay hoay gom lúa đang phơi, thấy chúng tôi đến bà niềm nở bày tỏ: từ khi Nhà nước có chủ trương xây dựng cầu nông thôn liên ấp, gia đình tôi tự nguyện hiến đất gần 30m2 gần khu vực để đổ móng xây dựng cầu. Trong quá trình xây dựng gia đình tôi còn đóng góp ngày công, hỗ trợ nước uống cho các chiến sĩ, thành viên Hội từ thiện. Cây cầu hoàn thành, không chỉ gia đình tôi mà toàn bộ người dân trong xóm vô cùng phấn khởi.
Nhớ lại trước đây khi chưa xây dựng cầu, người dân đi lại rất khó khăn, người nào biết bơi thì dầm mình lội qua sông để thăm đồng, còn bà, do không biết bơi nên mỗi khi vào vụ lúa, bà phải trông chờ có ghe, xuồng đi ngang để xin quá giang. Với 0,5ha đất trồng lúa bên kia sông mỗi năm sản xuất 03 vụ, do việc vận chuyển vật tư nông nghiệp và lúa khó khăn, nên tiền thu nhập từ lúa bà mất khoảng 100 - 200 đồng/kg.
Bà Thạch Thị Sa Lau, ngụ ấp Sóc vui mừng kể thêm: khi địa phương chủ trương xây dựng cầu nông thôn, chúng tôi rất hoan nghênh và ủng hộ việc làm này. Trong quá trình thi công, chồng và 03 người con trai của tôi tích cực tham gia đóng góp ngày công để xây dựng cây cầu mau hoàn thành, còn tôi phụ giúp các chiến sĩ lo bữa cơm, nước uống phục vụ những chiến sĩ và người thợ đang xây cầu. Mặc dù các chiến sĩ lưu trú ở gia đình bà trong thời gian ngắn nhưng tình cảm và sự đóng góp công sức của các chiến sĩ là món quà ý nghĩa, tạo dấu ấn trong lòng dân.
Không chỉ xây cầu, Nhà nước tiếp tục triển khai xây dựng tuyến đường nhựa nối liền cây cầu đến trung tâm xã, niềm vui tiếp nối niềm vui, người dân trong ấp vô cùng phấn khởi. Bà Lau cho biết thêm: tuy cây cầu đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhưng chỉ phục vụ đi lại và lưu thông xe gắn máy, hy vọng Nhà nước quan tâm tạo điều kiện để người dân đưa nông cụ vào sản xuất, giảm chi phí, tăng lợi nhuận. Hiện nay, 02ha đất trồng lúa của gia đình bà bên kia sông còn khó khăn do việc vận chuyển vật tư nông nghiệp và máy cày, máy cuộn rơm vẫn bằng trẹt nên mùa thu hoạch bị giảm lợi nhuận. Với 02ha lúa, mỗi vụ thu hoạch nếu trúng mùa, trúng giá lợi nhuận 15 - 20 triệu đồng/ha.
Ông Phan Trường Khoa, Bí thư Đảng ủy xã Huyền Hội cho biết: cầu nông thôn liên ấp được xây dựng từ nguồn vốn xã hội hóa và ngày công lao động của các chiến sĩ thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, cán bộ, đoàn viên, hội viên và người dân địa phương đóng góp đã giải quyết vấn đề lưu thông ở khu vực. Bên cạnh đó, diện mạo khu xóm thêm thông thoáng, sáng đẹp hơn. Mặt khác công trình cầu đường nông thôn liên ấp Sóc, Trà On, Giồng Mới hoàn thành không những mang lại lợi ích cho Nhân dân, giá trị kinh tế, đời sống người dân được nâng lên đáng kể. Từ đầu năm 2020 đến nay, tranh thủ sự hỗ trợ của trên và nguồn vốn xã hội hóa, xã đầu tư xây dựng 06 công trình đường nhựa, đường đal, nhà văn hóa ấp và 08 cây cầu nông thôn liên ấp với số tiền 9,211 tỷ đồng. Việc triển khai xây dựng các công trình tạo không khí sôi nổi giữa quân và dân, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần củng cố lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, cổ vũ các tầng lớp Nhân dân tham gia XDNTM ngày càng giàu đẹp. Thời gian tới, xã tiếp tục cân đối và bố trí kinh phí để xây mới, nâng cấp một số công trình dân sinh để Nhân dân hưởng lợi, đồng thời tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn phát triển.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.