12/01/2023 08:09
Lực lượng đoàn viên thanh niên và người dân xã Long Sơn phát quang bụi rậm, vệ sinh môi trường.
Đồng chí Trần Thị Kim Chung, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Cầu Ngang cho biết: thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM giai đoạn 2010 - 2022 trong bối cảnh chung có những thuận lợi và khó khăn do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, dịch bệnh Covid-19, bệnh dịch tả heo châu Phi, bệnh viêm da nổi cục trên bò… đã ảnh hưởng đến hầu hết các lĩnh vực đời sống xã hội. Với tinh thần đoàn kết, nỗ lực và quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong huyện đã phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt, đến nay đã đạt được những thành tựu quan trọng.
Điểm nổi bật sau gần 12 năm triển khai thực hiện XDNTM, bộ mặt nông thôn và đời sống của Nhân dân đã chuyển biến rõ nét. Kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội được đầu tư đồng bộ; đặc biệt nâng cấp mở rộng hạ tầng, đáp ứng ngày càng cao cho yêu cầu sản xuất, tạo đà cho kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển. Xây dựng cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn luôn được quan tâm, toàn huyện xây dựng 15 tuyến đường xanh - sạch - đẹp; 118 tuyến đường hoa; 100% tỉnh lộ, hương lộ, đường liên ấp, những tuyến đường có đông dân cư sinh sống đều có hệ thống đèn chiếu sáng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, góp phần bảo đảm an ninh trật tự khu dân cư, xóm, ấp.
Đường do huyện quản lý được 100% nhựa hóa, bê-tông hóa, đảm bảo ô-tô đi lại thuận tiện quanh năm và kết nối liên thông từ trung tâm huyện đến trung tâm hành chính các xã, phù hợp với quy hoạch mạng lưới giao thông của huyện. Hệ thống cầu, cống trên các tuyến đường huyện đã xây dựng kiên cố, phù hợp với cấp đường theo quy hoạch, đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa. Hàng năm, huyện có kế hoạch bảo trì, sửa chữa các tuyến đường, cầu bị hư hỏng, đảm bảo giao thông thông suốt đạt 100%.
Huyện có đoạn Quốc lộ 53, dài 28,4km; 01 tuyến Tỉnh lộ 912, dài 15,71km; 09 tuyến đường huyện, dài 86,8km đạt chuẩn theo quy hoạch 100%. Toàn huyện có 35,2km đê bao, 657 tuyến kênh đảm bảo điều tiết nước phục vụ sản xuất. Hệ thống thủy lợi Nam Măng Thít với các kênh dẫn nước, cống, đê ngăn mặn cục bộ đầu tư làm mới và gia cố thường xuyên, tạo điều kiện phát triển hệ thống thủy lợi nội đồng, phục vụ ngăn mặn và chống triều cường. Đầu tư xây dựng 08 dự án thủy lợi phục vụ chuyển đổi sản xuất, kinh phí hơn 600 tỷ đồng phục vụ hơn 4.300ha nuôi trồng thủy sản ở các xã: Mỹ Long Nam, Mỹ Long Bắc, Hiệp Mỹ Đông, Hiệp Mỹ Tây, Thạnh Hòa Sơn, Long Sơn, Mỹ Hòa; thi công công trình khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá cửa Cung Hầu (Vàm Lầu); dự án công trình đê ven cửa sông Cổ Chiên bảo vệ khu dân cư thị trấn Mỹ Long; dự án kè chống sạt lở thị trấn Cầu Ngang và xã Thuận Hòa; nâng cấp đê quốc phòng thành Tỉnh lộ 915B... góp phần đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, đô thị hóa và nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai trên địa bàn huyện. Hệ thống lưới điện đầu tư phù hợp với quy hoạch, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của cả hệ thống và đáp ứng nhu cầu sử dụng điện trong sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của Nhân dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Nhờ hệ thống thủy lợi đồng bộ, những năm gần đây, một số người dân xã Long Sơn đã mạnh dạn phá thế độc canh cây lúa ở khu vực tiểu vùng II sang nuôi thủy sản, đặc biệt nông dân mạnh dạn đầu tư nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh mật độ cao mang lại hiệu quả kinh tế cao, đưa xã đặc biệt khó khăn đạt xã NTM.
Trong thực hiện chuyển đổi mô hình nuôi tôm siêu thâm canh mật độ cao phải kể đến nông dân Trần Văn Ca, ấp Tân Lập, xã Long Sơn là một trong những nông dân ứng dụng thành công mô hình nuôi tôm công nghệ mới, lợi nhuận đạt từ 300 - 400 triệu đồng/năm.
Lãnh đạo xã Long Sơn tham quan mô hình nuôi tôm của nông dân Trần Văn Ca (giữa).
Ông Ca cho biết: thời gian gần đây, tình hình thời tiết bất lợi, dịch bệnh tiềm ẩn trong ao nuôi. Vì thế, tôi đầu tư hơn 2,3 tỷ đồng thiết kế ao nuôi theo hình thức thâm canh có lót bạt đáy ao và bạt bờ nhằm kiểm soát dịch bệnh, hạn chế rủi ro nuôi tôm trong ao đất.
Với 07 ao nuôi trong năm 2022, ông chia thành nuôi 03 đợt và xoay vòng với khoảng 03 triệu con tôm giống, tổng sản lượng thu hoạch đạt 15 tấn, trọng lượng đạt từ 30 - 60 con/kg, giá bán từ 140.000 - 200.000 đồng/kg, tổng thu nhập 2,6 tỷ đồng, lợi nhuận 300 triệu đồng. Hiện ông đang thả nuôi vụ mới trên 04 ao với 600.000 con tôm giống. Hiện tôm đang phát triển tốt, nếu thuận mùa thuận giá, ông lợi nhuận vài trăm triệu đồng vào dịp cuối năm.
Theo đồng chí Trần Thị Kim Chung, song song với thực hiện đồng bộ hạ tầng nông thôn gắn với phát triển kinh tế, huyện chú trọng công tác kiên cố hóa trường lớp được quan tâm đầu tư, huyện hiện có 59 trường, trong đó có 16 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Hệ thống cơ sở vật chất văn hóa - thể thao ở cơ sở được đầu tư xây dựng với quy mô phù hợp, đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân và cộng đồng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được đầu tư nâng cấp, xây dựng mở rộng Bệnh viện Đa khoa khu vực huyện quy mô từ 200 giường bệnh lên 260 giường bệnh. Công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế được thực hiện đến tuyến xã đã góp phần cải thiện tình trạng sức khỏe cho người dân vùng nông thôn. Tỷ lệ xã đạt chuẩn quốc gia về y tế và có bác sĩ làm việc đạt 100%.
Công tác đào tạo nghề lao động nông thôn được quan tâm, thu hút nhiều lao động tham gia học tập kiến thức nghề nghiệp, kỹ thuật sản xuất, có việc làm và thu nhập ổn định. Từ năm 2010 đến nay, đã tổ chức 142 lớp đào tạo nghề cho 3.326 học viên; tư vấn, giới thiệu việc làm và đưa 483 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Theo kết quả tổng điều tra, rà soát hộ nghèo theo Nghị định số 07/2021/NĐ-CP, ngày 27/01/2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, đến cuối năm 2021 tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 6,21% (giảm 21,29% so cuối năm 2010), phấn đấu cuối năm 2022 tỷ lệ nghèo đa chiều của huyện còn dưới 04%, đạt tiêu chí huyện NTM.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.