22/02/2022 09:24
Cùng với đó, các hộ dân sinh sống ven tuyến Sông Hậu phải tự đầu tư một khoản chi phí không nhỏ để tu bổ, gia cố các đê bao cục bộ nhằm bảo vệ diện tích vườn, nhà cửa xung quanh khi chưa có tuyến đê bao…
Đoạn đê bao ven Sông Hậu qua ấp Xẻo Cạn, xã Ninh Thới đang triển khai thi công phần nền hạ trên phần đất của gia đình ông Nguyễn Văn Chín.
Hiện nay, công trình tuyến đê bao ven Sông Hậu (ngoài đê bao Tỉnh lộ 915) đã khởi công và đang trong giai đoạn san ủi, tạo mặt bằng. Đây là công trình mà hàng ngàn nhà vườn ở 03 xã Ninh Thới, Hòa Tân và An Phú Tân huyện Cầu Kè kỳ vọng rất lớn trong việc làm đổi thay diện mạo đời sống, kết cấu hạ tầng vùng nông thôn cặp ven tuyến Sông Hậu. Cùng với đó, công trình còn góp phần bảo vệ hàng ngàn héc-ta vườn cây ăn trái của các nhà vườn nơi đây, do thường xuyên bị triều cường, mưa bão gây thiệt hại hàng năm.
Nhà vườn Lê Văn Thanh, ấp An Bình, xã Hòa Tân huyện Cầu Kè phấn khởi: khi nghe huyện và địa phương lấy ý kiến của người dân để triển khai công trình đê bao ven Sông Hậu, gia đình và các hộ dân ở đây rất vui mừng. Riêng bản thân đồng tình rất cao với công trình đê bao này, bởi vì hàng năm khi vào mùa mưa bão, các nhà vườn cặp theo Sông Hậu thường xuyên bị ảnh hưởng, do đê bao cục bộ được các hộ làm thủ công nên dễ vỡ, gây ngập úng, thiệt hại vườn cây ăn trái, nuôi thủy sản. Công trình trên cần đối ứng (người dân hiến đất, hoa màu; Nhà nước đầu tư vốn xây dựng cơ bản), phía gia đình đã tự nguyện hiến hơn 700m2 đất vườn nơi tuyến đê bao đi qua (dài 150m, ngang 05m).
Dự án đường ven Sông Hậu với mục tiêu ngăn lũ lụt, lưu thông nước từ Sông Hậu vào khu vực sản xuất, bảo vệ diện tích cây ăn trái, nuôi thủy sản, hoa màu… Quy mô công trình cấp IV, đường nông thôn cấp B đồng bằng. Tổng chiều dài 17,541km (điểm tiếp giáp vàm Cầu Quan, điểm cuối cống Bông Bót), qua 03 xã Ninh Thới - Hòa Tân - An Phú Tân, huyện Cầu Kè. Kết cấu công trình: mặt đường 3,5m, rộng nền đường 5,5m; lắp đặt 208 bọng trên toàn tuyến (phi từ 40-100cm). Xây dựng 03 cầu vĩnh cửu (tổng chiều dài 118,8m. Tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 135 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 15 tỷ đồng), thời gian thực hiện 2021 - 2024. |
Theo ông Lê Quốc Thuần, Chủ tịch UBND xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè: công trình đê bao ven Sông Hậu, phần đi qua xã dài hơn 06km thuộc các ấp An Bình, Hội An. Trong này, có khoảng 95 hộ có diện tích mất đất đã tự nguyện hiến phần đất khi công trình đi qua. Công trình đê bao qua địa bàn xã có tác động bảo vệ cho hơn 600ha vườn cây ăn trái, nhà cửa của người dân trước ảnh hưởng của mưa bão, triều cường, sạt lở hàng năm.
Còn tại xã Ninh Thới, đê bao ven Sông Hậu đi qua các ấp Xẻo Cạn, Rạch Đùi, Bà Bảy và Mỹ Văn dài 07km. Qua đó, có 140 hộ tham gia hiến đất, cây ăn trái với tổng diện tích hơn 63.000m2.
Nhà vườn Nguyễn Văn Chín, ấp Xẻo Cạn, xã Ninh Thới chia sẻ: gia sinh sống ở đây gần 40 năm, hàng năm, bước vào con nước tháng 9, tháng 10 khi mực nước phía ngoài Sông Hậu lấp ló trên mặt đê bao phía trước nhà, là các gia đình ven tuyến Sông Hậu rất lo lắng. Do đê bao làm thủ công, chấp vá hàng năm nên thường xuyên bị sạt lở, điển hình là con nước tháng 9/2020 đã dâng cao tràn qua đê, gây ngập toàn bộ diện tích vườn của các hộ trong ấp (mực nước cao 0,6 - 0,8m), gây thiệt hại toàn bộ các ao nuôi thủy sản và làm ảnh hưởng năng suất của các vườn cây ăn trái. Hàng năm, gia đình phải đầu tư từ 04 - 05 triệu đồng để thuê nhân công gia cố đê bao ven Sông Hậu để phòng, chống triều cường cho hơn 1,5ha vườn cây ăn trái chuyên trồng sa bô.
Nhà vườn Trần Văn Khoa, ấp Xẻo Cạn cho biết: khi tuyến đê bao này hoàn thành, nhà vườn rất phấn khởi. Bởi vì, hiện nay, do chưa có đường lớn để xe tải vào, nên phải vận chuyển trái cây ra ngoài bằng xe gắn máy; các thương lái vào thu mua trái cây ở khu vực này luôn thấp hơn phía ngoài (giáp với Tỉnh lộ 915) từ 500 - 700 đồng/kg nông sản. Khi nghe địa phương triển khai làm đê bao ven Sông Hậu, gia đình đồng tình hưởng ứng và hiến ngay phần đất, cây ăn trái khi công trình đi qua phần đất của gia đình (dài hơn 200m, ngang 07m).
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.