23/02/2023 15:06
Nuôi heo theo hướng khép kín về chuồng trại, sẽ tạo thuận lợi cho người nuôi quản lý dịch bệnh, hạn chế các động vật có nguy cơ mang mầm bệnh ra - vào khu nuôi.
Đồng chí Ngô Đức Thạnh, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh chia sẻ: hiện nay, bệnh dịch tả heo châu Phi (DTHCP) đang xảy ra và diễn biến phức tạp. Do đó, ngành chuyên môn khuyến cáo người nuôi trong giai đoạn hiện nay, cần đặc biệt quan tâm chăm sóc đàn heo thật tốt, khi nuôi mới cần quản lý nguồn heo giống nhập vào chuồng/trại và khi tái đàn, cần tuân thủ các quy trình của ngành chuyên môn...
Từ đầu tháng 01 đến ngày 15/02/2023, bệnh DTHCP đã xảy ra 03 ổ dịch trên địa bàn 03 xã Hiệp Hòa, huyện Cầu Ngang (ngày 15/02), xã Phong Thạnh, huyện Cầu Kè (ngày 04/01), xã Ngọc Biên, huyện Trà Cú (ngày 12/02). Qua đó, có 57 con heo nghi mắc bệnh/trọng lượng 3,378 tấn của 03 hộ; riêng xã Phong Thạnh, bệnh DTHCP đã qua 21 ngày. Ngành chuyên môn đã tiến hành phối hợp với địa phương thực hiện phun xịt thuốc và tổ chức dập dịch theo quy định.
Ghi nhận tại huyện Cầu Kè, hiện nay tổng đàn heo trên địa bàn huyện khoảng 64.000 con. Trong này, nuôi nhỏ lẻ, quy mô hộ chiếm trên 90%; toàn huyện chỉ có 02 cơ sở nuôi với quy mô lớn (tổng đàn xuất 4.500 - 5.000 con/đợt). Trước tình hình bệnh DTHCP và giá heo hơi thấp, làm ảnh hưởng đến việc tái đàn trong nông hộ rất lớn.
Theo đồng chí Sử Thanh Trúc, Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Cầu Kè: đối với các cơ sở nuôi quy mô lớn được quản lý rất chặt chẽ trong phòng, chống dịch bệnh. Về nguồn heo giống hiện nay, đối với các cơ sở nuôi tập trung sẽ khép kín và quản lý từ đàn heo hậu bị đến sinh sản. Riêng các hộ nuôi nhỏ lẻ, phần lớn thường trao đổi qua lại về nguồn heo giống, nên việc kiểm soát mầm bệnh rất khó. Hiện nay, việc phát triển đàn heo trên địa bàn Cầu Kè cũng gặp nhiều khó khăn do giá heo hơi thấp, thức ăn chăn nuôi tăng cao cùng với đó là bệnh DTHCP cũng tạo tâm lý e dè cho người nuôi.
Tìm hiểu về tình hình tái đàn tại các điểm xảy ra ổ dịch bệnh DTHCP trong năm 2022, nhìn chung người nuôi heo rất cẩn trọng khi tái đàn.
Ông Hà Văn Út, ấp Bến Nố, xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú cho biết: sau khi xảy ra ổ DTHCP tại khu chăn nuôi của gia đình vào ngày 14/10/2022, gây thiệt hại tổng đàn 110 con heo. Sau khi thực hiện các biện pháp kỹ thuật về tiêu độc khử trùng, cải tạo lại khu vực chuồng nuôi và ngừng tái đàn. Đến đầu tháng 01/2023, gia đình mới tiến hành thả nuôi thử trước 20 con heo giống để tạo đàn heo hậu bị trong sinh sản.
Cũng theo ông Hà Văn Út, trong quá trình nuôi và chăm sóc heo hiện nay cũng được áp dụng các quy trình như chỉ có 01 người phụ trách việc chăm sóc đàn; khi ra vào khu nuôi phải thay đồ bảo hộ và sát khuẩn (vôi) tại cửa ra vào. Nguồn thức ăn và nước uống cung cấp vào khu vực vực nuôi được quản lý và giám sát tiệt trùng trước khi đưa vào cho heo ăn, uống…
Để quản lý tình hình bệnh DTHCP trong quá trình nuôi mới hay tái đàn, cũng theo đồng chí Ngô Đức Thạnh: đối với nguồn heo giống phải quản lý và mua tại các trại giống. Khi đưa heo giống về trại, phải nuôi tách biệt với khu đang có heo nuôi để theo dõi từ 15-20 ngày trước khi cho vào chuồng nuôi chính thức.
Về nguồn nước dùng trong vệ sinh chuồng trại, sử dụng cung cấp cho heo uống… cần được đưa vào bồn và xử lý tốt các mầm bệnh; tuyệt đối không lấy nguồn nước trực tiếp trong ao, hồ hoặc dưới sông, rạch. Xung quanh khu vực nuôi phải thường xuyên phun thuốc sát trùng, vệ sinh chuồng trại và che chắn, ngăn không cho chuột, dơi… xâm nhập vào bên trong khu nuôi, để tránh các động vật mang mầm bệnh vi - rút DTHCP vào làm lây lan dịch bệnh…
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.