23/04/2023 13:36
Cầu Kênh 2, ấp Cồn Cù hiện là cầu ván, không đáp ứng nhu cầu đi lại của xe có trọng tải lớn.
Do vậy, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Đông Hải đã, đang và sẽ tập trung nâng cao tiêu chí 2 về giao thông trong XDNTM; đồng thời, thúc đẩy phát triển kinh tế toàn diện; trong đó có du lịch.
Xã Đông Hải có 07 ấp, 2.922 hộ, 10.647 nhân khẩu. Hiện thế mạnh về kinh tế của Đông Hải là nông nghiệp: nuôi thủy sản và trồng màu. Ngoài ra, Đông Hải có thế mạnh về đánh bắt thủy, hải sản; với 147 phương tiện, là địa phương có ghe, tàu nhiều nhất so với các xã khác trong huyện, sản lượng hàng năm đạt trên 10.000 tấn.
Đông Hải là địa phương có tiềm năng về du lịch: bãi biển Hàng Dương thuộc ấp Phước Thiện; rừng ngập mặn ven biển, nơi có điện gió Đông Thành đang hoạt động; sông Phước Thiện, con sông nhỏ, đoạn đẹp nhất khoảng 04km từ UBND xã Đông Hải ra Biển… Ngoài ra, còn có miếu Bà Chúa Xứ và lễ hội Nghinh ông là nơi cư dân địa phương thờ Mẫu - người bảo trợ cho cuộc sống an lành và những chuyến đi biển an toàn; lễ cúng biển diễn ra vào ngày 20 và 21/2 âm lịch hàng năm… Tuy tiềm năng du lịch của Đông Hải rất lớn, nhưng về giao thông, còn nhiều “điểm nghẽn”.
Với định hướng xây dựng giao thông gắn với phát triển các vùng trồng màu, nuôi thủy sản, từng bước khai thác tiềm năng du lịch; thúc đẩy phát triển sản xuất, ngành nghề, nâng cao thu nhập cho người dân; thực hiện kế hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất gắn với đề án tái cơ cấu nông nghiệp, hiện Đông Hải có đường liên xã và đường trung tâm xã đến huyện thuộc Quốc lộ 53B với 02 tuyến, dài 14,14km được nhựa hóa 100%; đường liên ấp toàn xã có 06 tuyến, dài 23,28km được cứng hóa 100%; toàn xã có 36km đường ngõ, xóm (có 34,2km được cứng hóa); có 30,8km đường trục chính nội đồng (có 24,4km được cứng hóa), đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm… Tuy nhiên, chưa đáp ứng với nhu cầu phát triển du lịch.
Đồng chí Lữ Minh Tâm, Chủ tịch UBND xã Đông Hải cho biết: để giao thông đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch, xã cần đầu tư đồng bộ hệ thống giao thông huyết mạch tạo điều kiện lưu thông, vận chuyển hang hóa, kết nối các khu vực trên địa bàn, như: cầu Kênh 2, ấp Cồn Cù; cầu Động Cao, cầu Phước Thiện… đây là những “điểm nghẽn” về lưu thông, vận chuyển hàng hóa thời gian qua, làm hạn chế phát triển kinh tế của xã. Đồng thời, cần sớm đầu tư hệ thống kè cơ bản chống sạt lở bảo vệ vùng đất sản xuất hoa màu tập trung tại ấp Đông Thành và Hồ Thùng, bảo vệ cánh rừng phi lao xung yếu đã được trồng, bảo vệ từ nhiều năm qua.
Đặc biệt, muốn khai thác tiềm năng du lịch, Đông Hải cần tỉnh đầu tư hệ thống giao thông trục ven bờ biển trên 10km và các nhánh rẻ hướng ra biển để thu hút đầu tư phát triển du lịch (khu nghỉ dưỡng, Homestays…). Kết hợp giữa các dự án điện gió và cánh rừng phi lao, cánh rừng đước ven bờ biển tạo nên phong cảnh đẹp, thích hợp cho phát triển du lịch; mong tỉnh thu hút, mời gọi đầu tư phát triển du lịch; địa phương tuyên truyền, vận động người dân tham gia xây dựng mô hình du lịch; trong đó, áp dụng Nghị quyết số 01/NQ-HĐND, ngày 10/6/2022 của HĐND tỉnh Trà Vinh quy định về một số chính sách hỗ trợ phát triển lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025. Trong lộ trình XDNTM, xã đã từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông, chỉnh trang cảnh quan môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Ông Nguyễn Văn Thanh, ngụ ấp Hồ Thùng, có 0,3ha củ sắn. Ông Thanh chia sẻ: những năm qua, nông dân ở đây phát triển cây màu đa dạng; trong đó, có cây củ sắn. Củ sắn - ngoài bán cho thương lái loại củ lớn để chế biến món ăn, còn những củ nhỏ ăn sống rất ngon, mát. Ở đây, khi thu hoạch, nông dân cũng bán được ít cho khách tham quan. Mong rằng khi Đông Hải phát triển du lịch, nông dân trồng màu được du khách đến xem, cùng thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm…
Theo đồng chí Trần Kiến Chúc, Phó Bí thư Đảng ủy xã Đông Hải: trước khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, đời sống Nhân dân còn nhiều khó khăn, hộ nghèo còn 09%; thu nhập bình quân 15,3 triệu đồng/người/năm. Cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng giao thông chưa được đầu tư, các công trình giao thông xuống cấp, nguồn nội lực hạn chế…
Qua quá trình phấn đấu, cuối năm 2017 xã được công nhận đạt chuẩn xã NTM. Từ đó đến nay, xã tiếp tục giữ vững và nâng chất tiêu chí, tập trung huy động nguồn lực, vận động Nhân dân tích cực tham gia XDNTM nâng cao. Đến cuối năm 2021 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao.
Năm 2022, thu nhập bình quân đạt trên 64,37 triệu đồng/người/năm; hộ nghèo, cận nghèo còn 2,44% so với tổng số hộ; có có 2.852/2.922 hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa, NTM, chiếm 97,56%, 07/07 ấp được tái công nhận ấp văn hóa, ấp NTM; có 2.573/2.922 hộ có nhà ở kiên cố và bán kiên cố đạt chuẩn, chiếm 95,6%... đây là điều kiện, cơ sở để người dân Đông Hải tham gia làm du lịch khi giao thông hoàn chỉnh.
Đồng chí Lữ Minh Tâm khẳng định: Đông Hải tiếp tục giữ vững và nâng chất các tiêu chí xã NTM nâng cao đã đạt được. Định hướng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, phát triển kết cấu hạ tầng, thương mại, du lịch hướng đến xây dựng xã NTM kiểu mẫu. Để đạt được, mục tiêu, ngoài nội lực, xã Đông Hải cần sự hỗ trợ của trên.
Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.