11/01/2021 13:27
Nông dân ấp Nhứt A, xã Mỹ Long Bắc, huyện Cầu Ngang trồng khổ qua bằng màng phủ nông nghiệp cho sản phẩm chất lượng cao.
Theo bà Lê Thị Hạnh Chuyên, cán bộ Sở NN-PTNT, trong 02 năm 2016 và 2017, Sở NN-PTNT triển khai thực hiện 25 điểm mô hình khảo nghiệm, có 160 hộ nông dân tham gia. Theo đánh giá của tư vấn độc lập, kết quả có 19/25 điểm mô hình có hiệu quả, đã và đang nhân rộng. Đối với thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, Sở NN-PTNT tham gia tổ xét chọn đề tài nghiên cứu khoa học, kết quả có 36 đề tài đăng ký, qua xét chọn có 12 đề tài được thực hiện. Đến nay, đã nghiệm thu hoàn thành 12/12 đề tài, các đề tài đều được đánh giá ở mức đạt và đã tổ chức 09 cuộc hội thảo giới thiệu và nhân rộng kết quả. Hiện nay, Ban Điều phối Dự án AMD Trà Vinh đã chuyển giao kết quả của các đề tài cho Sở NN-PTNT làm cơ sở để triển khai áp dụng.
Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, Sở NN-PTNT đã xây dựng, phát triển toàn diện khung quản lý thuộc ngành nông nghiệp quản lý về thích ứng với BĐKH, tạo sự tham gia của cộng đồng, các tổ chức liên quan và chính quyền. Việc thực hiện các điểm mô hình khảo nghiệm ra đã giúp hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu ngành NN-PTNT đề ra: ít nhất có 08 gói hệ thống canh tác thích ứng BĐKH vì người nghèo với sự tham gia tối thiểu 400 hộ nghèo và cận nghèo/gói; đã có 3.932 hộ nghèo, cận nghèo/5.644 hộ tham gia các gói hệ thống canh tác, gồm: nuôi vịt theo hướng an toàn sinh học kết hợp nuôi cá (218/348 hộ); nuôi tôm sú kết hợp cá rô phi (372/465 hộ); trồng đậu phộng xen canh với trồng lúa, màu (480/686 hộ); trồng cây có múi xen trồng dừa (435/622 hộ); nuôi dê kết hợp trồng gừng (560/759 hộ); nuôi tôm sú kết hợp với cua biển (427/657 hộ); trồng ớt xen canh với trồng lúa (432/540 hộ); nuôi gà thả vườn kết hợp trồng ớt (533/888 hộ) và trồng màu xen canh với trồng lúa (457/679 hộ).
Các gói hệ thống canh tác phù hợp với 03 vùng sinh thái: vùng sinh thái nước mặn gồm các huyện Cầu Ngang, Duyên Hải có 03 gói thích hợp, với 927 hộ đã áp dụng, chiếm 75% tổng số hộ áp dụng trong vùng; vùng sinh thái nước lợ (ngọt hóa) gồm các huyện Châu Thành, Càng Long, Trà Cú, Cầu Ngang, Duyên Hải có 08 gói thích hợp, với 867 hộ áp dụng, chiếm 75% tổng số hộ áp dụng trong vùng; vùng sinh thái nước ngọt gồm các huyện Càng Long, Tiểu Cần, Châu Thành, Cầu Kè, Cầu Ngang có 07 gói thích hợp, số lượng hộ tham gia nhiều nhất, với 2.138 hộ, chiếm 66% tổng số hộ áp dụng trong vùng.
Các gói hệ thống canh tác kết hợp nhiều sản phẩm đem lại hiệu quả gia tăng thu nhập phụ thêm ngoài thu nhập từ sản phẩm chính, đa dạng hóa đối tượng sản xuất và nguồn thu nhập giúp thích ứng tốt hơn với BĐKH, tác động tích cực tới chi phí và môi trường nhờ tận dụng hết vật tư (thức ăn, phân bón) và giảm ô nhiễm. Song song đó, có ít nhất 80% huyện, xã trong tỉnh áp dụng xây dựng kế hoạch giúp nông dân thích ứng dựa vào cộng đồng, tạo sản phẩm ngày càng chất lượng. Nhờ lồng ghép kế hoạch thích ứng BĐKH với chuyển đổi cơ cấu nên kỹ thuật sản xuất, chất lượng sản phẩm của nông dân trong tỉnh hàng năm đều tăng. Việc này trực tiếp giúp hộ nông dân tăng thêm thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững; đẩy nhanh lộ trình XDNTM.
Với kết quả trên, thời gian qua Sở NN-PTNT đã tận dụng các nguồn lực khác nhau như vốn từ các chương trình, dự án, vốn sự nghiệp khuyến nông... tổ chức tuyên truyền nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, Sở NN-PTNT đã xây dựng và tham mưu UBND tỉnh, HĐND tỉnh ban hành nhiều chính sách có liên quan đến tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm góp phần hỗ trợ, khuyến khích ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tế sản xuất. Ngoài ra, còn tổ chức thực hiện một số hoạt động hỗ trợ phát triển các chuỗi giá trị chủ lực của tỉnh như: tập huấn lập kế hoạch nâng cấp chuỗi giá trị, kỹ thuật về sản xuất giống và trồng dừa, đậu phộng; thuê tư vấn giúp các hợp tác xã nông nghiệp đạt những chứng nhận, kêu gọi doanh nghiệp liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Để tiếp tục hỗ trợ phát triển các chuỗi giá trị chủ lực của tỉnh trong điều kiện thích ứng BĐKH, vì mục tiêu: giúp nông dân nâng cao kiến thức và nền tảng vững chắc trong sản xuất, Sở NN-PTNT sẽ thực hiện các giải pháp như: tổ chức lại sản xuất, huy động các nguồn lực hợp pháp hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác; liên kết sản xuất trong nông nghiệp, phát triển đa dạng các hình thức hợp tác của nông dân, phù hợp với các địa phương, từng lĩnh vực gắn với phong trào XDNTM; thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; tiếp tục hoàn chỉnh, triển khai tuyên truyền các chính sách hỗ trợ về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, liên kết sản xuất, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp… nhằm mở rộng sản xuất tạo sản phẩm hàng hóa; tăng cường tìm kiếm đối tác, doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, tổ chức cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm cho nông dân nhằm giảm chi phí đầu vào và nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu và xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa.
Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.