28/10/2021 10:03
Ban Quản lý Dự án Phát triển DNNVV tỉnh (Dự án SME Trà Vinh) là đơn vị tài trợ xây dựng kế hoạch và là đơn vị hỗ trợ thực hiện kế hoạch này cho đến hết thời gian Dự án.
Công nhân làm việc tại Công ty TNHH may mặc Minh Lực, huyện Cầu Ngang là một trong những DN được hưởng lợi từ nguồn vốn của Dự án SME Trà Vinh thông qua Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh.
Dự án SME Trà Vinh triển khai hoạt động phát triển DNNVV tại tỉnh Trà Vinh từ năm 2014, Dự án SME Trà Vinh là một trong những nhân tố nổi bật đóng góp vào nỗ lực cải thiện kinh tế - xã hội của tỉnh. Với nhiệm vụ phát triển số lượng và chất lượng các DNNVV tại Trà Vinh, Dự án SME Trà Vinh là đơn vị tiên phong trong xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh. Dự án tích cực hỗ trợ các sở, ngành trong tỉnh thực hiện các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức và tập huấn nâng cao năng lực về khởi nghiệp cho thanh niên, phụ nữ và các nhóm khởi nghiệp trong tỉnh.
Ngoài ra, Dự án tham mưu UBND tỉnh xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển khởi nghiệp. Đầu năm 2021, Dự án đã đưa vào vận hành Vườn ươm doanh nghiệp (DN) tỉnh Trà Vinh, trong thời gian vận hành, vườn ươm đã trở thành một trong những đơn vị đi đầu trong nâng cao năng lực cho các đối tượng khởi nghiệp và các DNNVV trong tỉnh với hơn 260 lượt sáng lập viên/doanh nhân đã được huấn luyện về xây dựng DN, marketing, nhân sự, tài chính, luật, sở hữu trí tuệ… thiết kế mang tính bao trùm, đảm bảo cơ hội công bằng cho mọi người, gần 50% người tham dự thuộc nhóm yếu thế như phụ nữ, người dân tộc thiểu số.
Trong các buổi tập huấn, các doanh nhân được tiếp cận các công cụ của Chương trình, trao đổi trực tiếp với các chuyên gia, mentor trong mạng lưới 215 mentor (người cố vấn) của chương trình. Dự án chuẩn bị triển khai nguồn vốn hạt giống để hỗ trợ các dự án khởi nghiệp. Hiện nay, Dự án đang là đơn vị tham mưu cho tỉnh trong quá trình vận động thành lập Quỹ Đầu tư khởi nghiệp, bước đầu đã có 05 nhà đầu tư tham gia đóng góp vốn 3,3 tỷ đồng cho nguồn quỹ này.
Nhằm hỗ trợ phát triển DNNVV, DN khởi nghiệp, Dự án SME Trà Vinh đang có các chính sách hỗ trợ cho DN bao gồm hỗ trợ tài chính và phi tài chính. Đối với hỗ trợ tài chính, hiện nay Dự án hỗ trợ cho DN thông qua chương trình hỗ trợ DN do Dự án vận hành và nguồn tín dụng hỗ trợ phụ nữ kinh doanh do Quỹ Hỗ trợ phát triển phụ nữ vận hành. Chương trình hỗ trợ DN nhằm giúp DNNVV, hộ kinh doanh, hợp tác xã có nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất.
Chương trình hỗ trợ trực tiếp cho DN theo nguyên tắc hoàn lại chi phí đã được ứng trước bởi DN để thực hiện đề xuất kinh doanh với định mức tối đa 49% (không bao gồm các khoản thuế) so với tổng kinh phí thực hiện đề xuất kinh doanh. Trong đó, DNNVV, hợp tác xã được hỗ trợ không vượt quá 800 triệu đồng; hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh được hỗ trợ không vượt quá 300 triệu đồng. Đối tượng nhận hỗ trợ là những DNNVV (gồm DNNVV, cơ sở/hộ kinh doanh, hợp tác xã) trong và ngoài tỉnh đang hoạt động trên địa bàn tỉnh tỉnh (trong đó ưu tiên các chuỗi giá trị sản phẩm của Dự án như dừa, du lịch), đảm bảo có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/đăng ký kinh doanh hoạt động tại tỉnh Trà Vinh và đã có thời gian hoạt động tối thiểu 06 tháng (tính từ ngày đơn vị hoạt động).
Theo ông Lâm Hữu Phúc, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Dự án SME Trà Vinh, từ khi bắt đầu vận hành chương trình hỗ trợ đến nay, Dự án SME Trà Vinh đã tiếp cận 54 ý tưởng kinh doanh từ 50 DN tham gia. Dự án đã ký kết hợp đồng hỗ trợ cho 13 DN/hộ kinh doanh với tổng nguồn kinh phí thực hiện các kế hoạch kinh doanh là 15,25 tỷ đồng, trong đó Dự án tài trợ không hoàn lại 6,7 tỷ đồng còn lại là đối ứng của DN. Cuối năm 2020, Dự án đã chuyển 1,7 tỷ đồng cho Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh để Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh Trà Vinh vận hành nguồn vốn tín dụng cho phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Đây là nguồn tín dụng hỗ trợ DN/hộ kinh doanh do phụ nữ làm chủ cần hỗ trợ tài chính với mức vay hỗ trợ đến 70 triệu đồng đối với hộ kinh doanh và đến 200 triệu đồng đối với DN/hợp tác xã. Đến nay, nguồn vốn này đã giải ngân gần 01 tỷ đồng hỗ trợ cho 10 hộ kinh doanh do phụ nữ làm chủ. Tiêu chí để nhận nguồn hỗ trợ này là cơ sở sản xuất, kinh doanh phải do phụ nữ làm chủ và có đăng ký kinh doanh.
Ngoài các hỗ trợ tài chính, Dự án còn có các hỗ trợ phi tài chính giúp DN nâng cao năng lực, phát triển kinh doanh. Cụ thể, thông qua phối hợp với các sở ban ngành có liên quan, Dự án hỗ trợ các DN tham gia các chuyến kết nối xúc tiến thương mại và tham gia xúc tiến thương mại điện tử, hỗ trợ xây dựng thương hiệu nhãn hiệu cho các sản phẩm chủ lực.
Ngoài ra, Dự án còn cung cấp các chuyên gia tư vấn trực tiếp cho các DN có nhu cầu phát triển các sản phẩm mới, đạt các chứng nhận chất lượng và môi trường, cũng như cải thiện chất lượng mẫu mã bao bì. Dự án đã hỗ trợ trực tiếp gần 150 DN trong cải thiện lĩnh vực phát triển kinh doanh của đơn vị, cung cấp hơn 500 hoạt động nâng cao năng lực, xúc tiến, dịch vụ phát triển kinh doanh; hơn 8.000 hộ dân được hưởng lợi từ các dịch vụ kết nối kinh doanh của dự án; thúc đẩy tạo thêm khoảng 11.000 việc làm cho người dân.
Trong quá trình triển khai, Dự án đã góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao số lượng và chất lượng DNNVV trong tỉnh. Từ năm 2018 đến nay, số lượng DNNVV không ngừng tăng lên chiếm đến 93% số lượng DN thành lập mới, bình quân hàng năm tăng mới 366 DN. Nếu năm 2015, tổng số DN từ 1.730 và 16.720 cơ sở kinh doanh thì hiện tại, đã tăng lên 3.190 DN và 22.313 cơ sở kinh doanh. Dự án cũng đã xây dựng những thành tố đầu tiên về chính sách, hạ tầng, vốn, thông tin, mạng lưới phục vụ hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh góp phần phát triển cộng đồng DNNVV của tỉnh.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.